Ký ức thời gian khó qua bộ sưu tập tem phiếu, sổ gạo khổng lồ
Anh Hoàng Anh Tuấn (sinh năm 1988) - Đại úy Công an huyện Gia Lâm, TP Hà Nội là người đam mê sưu tầm những hiện vật thời kỳ bao cấp những năm 70-80 thế kỷ trước. Việc sưu tầm mang lại cho Tuấn nhiều hiểu biết về một thời kỳ vô cùng khó khăn của đất nước. Qua những cuốn sổ lương thực sờn rách, ô tem phiếu bị cắt lẹm, anh phần nào hiểu bố mẹ mình đã sống ra sao trong quãng thời gian đó.
Đây là những tư liệu quý bởi nó phản ánh phần nào về thời kỳ bao cấp, một thời mà sổ gạo, tem phiếu, sổ lương thực là những thứ vô cùng quan trọng với các gia đình. Khi đó, thậm chí người có tiền cũng khó có thể mua được.
Bộ 4 sổ lương thực của 4 quận nội thành Hà Nội lúc đó: quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa.
Sổ lương thực, hay còn gọi là sổ gạo, là một quyển sổ ghi chỉ tiêu lương thực của một hộ gia đình được mua hàng tháng. Anh Tuấn hiện sưu tầm được khá nhiều cuốn sổ của mọi miền đất nước, hàng chục loại sổ mua lương thực của các hộ gia đình khác nhau.
Sổ mua hàng/bìa mua hàng - Trong thời kỳ bao cấp, các hộ gia đình (kể cả thành thị và nông thôn) được cấp để mua các mặt hàng như: chiếu, xà phòng, diêm, kim chỉ… và trong các dịp lễ tết thì được mua các loại chè, thuốc, bánh, mứt, kẹo…
Hàng hóa thiếu thốn dẫn đến việc cung cấp hạn chế, ngày Quốc khánh (2/9) các bìa mua hàng được cung cấp bánh, kẹo, thuốc lá, chè. Ngày tết Trung thu, được cung cấp bánh nướng, bánh dẻo. Ngày tết Nguyên đán được cung cấp phong phú hơn cả: mỗi hộ được mua 1 túi hàng Tết.
Mất nhiều thời gian và công sức, đến nay anh Tuấn đã sưu tầm được khá đầy đủ các thời kỳ từ 1952 đến thời điểm kết thúc chế độ tem phiếu vào năm 1989.
Tem, phiếu là những mảnh giấy nhỏ, ghi tên những mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống được nhà nước phân phối cho mỗi người dân. Tùy thuộc vào vị trí công việc, đặc thù nghề nghiệp mà cán bộ, công chức nhà nước cũng như người dân lao động được phát tem phiếu mua lương thực, thực phẩm với chế độ riêng.
Cán bộ cao cấp hưởng tiêu chuẩn đặc biệt A1; phiếu A dành cho bộ trưởng; thứ trưởng phiếu B; trưởng các cục, vụ. viện được hưởng phiếu C và có các cửa hàng phục vụ riêng tại phố Tôn Đản, Nhà Thờ, Vân Hồ (Hà Nội)… Tất cả các mặt hàng mua bằng tem phiếu chỉ có giá trị trong tháng, ai đi công tác không kịp mua chỉ còn cách bỏ đi. Trong ảnh là một loại phiếu mua vải được phát hành năm 1979.
Sữa là mặt hàng chỉ dành cho trẻ em và người ốm. Phiếu sữa trẻ em phân theo loại A; B, phiếu đường cũng có loại I, II, loại ĐB, loại TR, loại D, loại (E+III), loại N, tất cả đều do Cục Thực phẩm, Bộ Nội thương phát hành. Trong ảnh là phiếu đường trẻ em.
Tem phiếu được ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt của đất nước và đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của mỗi người dân. Phản ánh bức tranh xã hội của lịch sử Việt Nam trong những năm trước đổi mới. Những tấm tem, phiếu chứa đựng những câu chuyện lịch sử để rồi những người hôm nay và mai sau sẽ nhớ và trân trọng lịch sử cũng như hiện tại.
Sự khó khăn, thiếu thốn của thời bao cấp cũng chính là động lực để chúng ta thay đổi một cách toàn diện và hiệu quả. Việc xóa bỏ bao cấp và thay đổi cơ cấu nền kinh tế đã mang lại cho đất nước chúng ta một diện mạo mới.
Không chỉ các loại tem phiếu mà các loại giấy: giấy giới thiệu, giấy chứng nhận kết hôn, giấy báo tử, bệnh tật… cũng có giá trị để mua hàng. Tang ma (có giấy báo tử) thì gia đình được mua 1 quan tài theo giá cung cấp kèm theo một số vải tang (người dân tộc: 10m/người; người Kinh: 6m/người)…
Có giấy khai sinh (cho trẻ sơ sinh) thì được mua xoong nồi, chậu tắm, vải làm tã lót… Có giấy kết hôn được mua 1 màn đôi, 2kg bánh kẹo, 10 bao thuốc lá... Ngoài ra tùy nơi, tùy lúc mà còn có thể được mua cả 1 giường đôi, chậu tắm trẻ con, 1 xoong hoặc nồi nhôm, 1 phích nước…
Sổ gạo là vô cùng quan trọng đối với mỗi gia đình, có câu thành ngữ "Mặt như mất sổ gạo" trở nên phổ biến thời bấy giờ, dùng để mô tả một khuôn mặt ủ ê não nề không thể đau khổ hơn. Bởi vì thời đó, mất sổ gạo là bị nhịn đói. Nhịn đói không phải là một ngày hay một tháng mà có khi đến vài ba tháng.
(Theo Dân Trí)