Ông Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Công an đầu tiên của Việt Nam đã từng được Trung ương Đảng tin cẩn giao trọng trách Bí thư Đặc khu Hà Nội rồi Bí thư Thành ủy Hà Nội trước ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954.

Đồng chí Trần Quốc Hoàn, người con của Nam Trung, Nam Đàn, Nghệ An, đã từng hoạt động cách mạng và kết nạp Đảng ở Lào (tháng 3/1934).

Cuối năm 1934, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, kết án 8 tháng tù và 5 năm biệt xứ. Hết hạn tù, đồng chí bị quản thúc ở quê. Không chịu cảnh trói bó, năm 1936, đồng chí tìm cách ra Hà Nội, làm ở Báo Thời thế, Bạn dân, Hà Thành thời báo và tham gia những hoạt động công khai của Đảng. Sau một thời gian, Xứ ủy đưa đồng chí vào hoạt động bí mật với bí danh là Ba và thuê nhà ở bãi Nghĩa Dũng.

{keywords}
  Ông Trần Quốc Hoàn (đứng giữa)

Năm 1939, khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, đồng chí đã tổ chức lấy được bản mật lệnh của toàn quyền Ca-xtơ-ru nhằm tiêu diệt các chiến sỹ cộng sản ở Đông Dương, chuyển đến tay đồng chí Tổng bí thư Trường Chinh. Nhờ đó, Trung ương đã kịp thời chỉ thị cho cán bộ, đảng viên rút vào hoạt động bí mật.

Từ tháng 5/1940, đồng chí Trần Quốc Hoàn chuyển sang phụ trách in ấn, xuất bản các báo bí mật của Đảng, sau đó, phụ trách cơ quan giao thông của Xứ ủy đóng ở Văn Điển, rồi được chỉ thị làm Bí thư liên tỉnh Bắc Giang - Bắc Ninh. Đầu năm 1941, đồng chí bị thực dân Pháp bắt trên đường đi công tác và bị chúng đưa về Hỏa Lò, kết án 6 năm tù, 20 năm quản thúc, rồi đưa lên nhà tù Sơn La.

Từ giữa năm 1944, đồng chí là Bí thư Chi bộ nhà tù. Cuộc đảo chính Nhật - Pháp (tháng 3/1945) đã tạo điều kiện cho Chi bộ tận dụng cơ hội địch rệu rã, hoang mang để giải phóng cho khoảng 200 người thoát khỏi nhà tù Sơn La; cung cấp lực lượng cốt cán cho các tỉnh, thành phố chuẩn bị khởi nghĩa.

Nhóm của đồng chí Trần Quốc Hoàn về Hiền Lương, lập khu du kích. Tháng 4/1945, đồng chí được cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ trực tiếp tham gia chỉ đạo công tác chuẩn bị khởi nghĩa ở Hà Nội và các tỉnh Bắc bộ. Lúc này, khắp các tỉnh, thành phố, phong trào luyện tập quân sự, mua tín phiếu của Việt Minh, sắm vũ khí, phá kho thóc giải quyết nạn đói, diệt trừ Việt gian dâng cao là bước phát triển quan trọng để tiến tới khởi nghĩa thành công ở hầu hết các tỉnh Bắc bộ. Trong đó, Hà Nội là trọng điểm được Thường vụ Xứ ủy trực tiếp chỉ đạo, lập Ủy ban nhân dân Bắc Bộ ngay trong đêm 19/8 và ra mắt nhân dân sáng 20/8/1945 tại vườn hoa trước Bắc bộ phủ.

{keywords}

Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp trao đổi với Bộ trưởng Công an Trần Quốc Hoàn trước khi về tiếp quản Thủ đô năm 1954

Với vị trí là Thủ đô của đất nước nên Hà Nội được Thường vụ Trung ương Đảng đặc biệt quan tâm và phân công đồng chí Trần Quốc Hoàn trực tiếp phụ trách Thành ủy Hà Nội. Ngày 25/8/1945, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Quốc Hoàn, Thành ủy Hà Nội được kiện toàn lại. Mọi mặt công tác của Thành ủy đều được đồng chí trực tiếp chỉ đạo, nhưng tập trung nhiều nhất vào 2 mảng quan trọng: thành lập, phát triển đội tự vệ chiến đấu thành Hoàng Diệu và Công an xung phong của thành phố.

Tháng 10/1946, để chuẩn bị kháng chiến, cả nước chia thành 12 chiến khu, Hà Nội là chiến khu XI do đồng chí Nguyễn Văn Trân làm Bí thư. Đồng chí Trần Quốc Hoàn được cử làm phái viên của Trung ương phụ trách khu XI. Với trọng trách này, đồng chí luôn theo sát diễn biến tình hình để chỉ đạo kịp thời mọi mặt cho Khu ủy XI.

Nửa thế kỷ sau, những kỷ niệm của 60 ngày khói lửa vẫn hiện lên trong ký ức các đồng chí từng sát cánh làm việc với đồng chí Trần Quốc Hoàn.

Lãnh đạo công cuộc tiếp quản

Đầu năm 1949, Trung ương Đảng có chủ trương mới: chuẩn bị tổng phản công. Vì vậy, ngày 11/5/1949, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh đặt Ủy ban Kháng chiến Hà Nội trực thuộc Chính phủ; Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo Đặc khu. Đồng chí Trần Quốc Hoàn được chỉ định làm Bí thư Đặc khu Hà Nội để đẩy mạnh chuẩn bị chiến trường; xây dựng bộ đội chủ lực tinh nhuệ; phối hợp với Liên khu III đánh địch.

Với kinh nghiệm của một cán bộ đã nhiều năm hoạt động bí mật, đồng chí lấy bí danh là Thành. Sự chỉ đạo nhạy bén, kiên quyết của đồng chí, sửa lề lối làm việc cũ, triển khai toàn diện các mặt công tác của Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể đã thúc đẩy lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang nội thành phát triển vượt bậc so với trước.

{keywords}

Người dân đón chào bộ đội giải phóng Thủ đô sáng 10/10/1954

Ba năm làm bí thư Đặc khu Hà Nội (5/1949-8/1952), đồng chí Trần Quốc Hoàn đã cùng quân dân Hà Nội trải qua những ngày tháng oanh liệt nhất, nhưng cũng bi tráng nhất, thương đau nhất trong 8 năm chống Pháp chiếm đóng.

Trải qua giai đoạn cam go, khốc liệt, từ năm 1953, cơ sở kháng chiến từng bước được gây dựng lại, phong trào hồi phục, từng bước phát triển để đến xuân-hè 1954, quân dân Hà Nội đánh địch trên cả 3 mặt trận: chính trị, quân sự, ngoại giao, đòi Chính phủ Pháp phải thương lượng với Chính phủ Hồ Chí Minh, góp phần vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc tại Điện Biên Phủ và Hội nghị Giơ-ne-vơ. Và người Bí thư của Đặc khu lại trở về tiếp quản thành phố.

Ngày 6/9/1954, Trung ương cử đồng chí Trần Quốc Hoàn làm Bí thư Đảng ủy tiếp quản, Bí thư Thành ủy Hà Nội, để chỉ đạo công cuộc tiếp quản Thủ đô thắng lợi trọn vẹn. Khi giao nhiệm vụ cho đồng chí, Bác Hồ căn dặn: “Một mặt coi trọng công tác tổ chức cán bộ, xây dựng khung tiếp quản đủ sức gánh vác nhiệm vụ; mặt khác, phải chú ý 3 vấn đề: điện, nước, phân, rác - Thủ đô giải phóng không thể một ngày không có điện nước và phải sạch sẽ, vệ sinh”.

Thực hiện lời dạy của Bác, đồng chí đã chỉ đạo các ngành, các cấp bố trí cán bộ và thực hiện tốt chính sách tiếp quản; đồng thời tiếp tục đấu tranh để giữ máy móc, nguyên vật liệu của các nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện, không cho địch phá hoại; đẩy mạnh tuyên truyền, chống địch dụ dỗ đồng bào, cưỡng ép di cư vào Nam.

Ngày 10/10/1954, Hà Nội tưng bừng trong niềm vui giải phóng. Ghi nhận đóng góp của đồng chí Trần Quốc Hoàn, ngay sau khi Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh ra mắt nhân dân Thủ đô (ngày 1/1/1955), Chính phủ đã trao tặng đồng chí huân chương Lao động hạng nhất.

Xuân này, đã 30 năm, căn nhà xưa trong ngõ Xóm Hà Hồi đã vắng bóng người ông, người cha hiền từ, người chiến sĩ cách mạng kiên trung của Đảng. Nhưng những trang di cảo và cuộc đời của đồng chí Trần Quốc Hoàn vẫn mãi là tấm gương soi đạo đức người cán bộ cách mạng: “Cần-Kiệm-Liêm-Chính” cho chúng ta noi theo.

(Theo Ths. Phạm Kim Thanh/An ninh thủ đô Xuân Bính Thân)