Trong bối cảnh giá tiêu xuống thấp nhất trong 10 năm qua (từ 200.000 đồng/kg năm 2015 xuống còn 40.000 đồng/kg hiện nay), khiến nông dân lỗ nặng, nhiều người mắc nợ, thì HTX hồ tiêu Bầu Mây (Xuyên Mộc, Bà Rịa – Vũng Tàu) không những trụ vững mà còn bán được tiêu với giá cao gấp… 400 lần giá thị trường.

“Cứ thấy cảnh trồng tiêu hết mất mùa được giá đến được mùa thì mất giá, trồng rồi chặt, chặt rồi trồng, tôi cứ trăn trở làm sao tìm cách thoát khỏi điều này. Tôi nhận thấy chỉ có khi nào sản phẩm của mình là độc quyền, là khác biệt nhất, thị trường chưa có thì mới mong giữ giá bán cao bất chấp giá thị trường như thế nào” - anh Lâm Ngọc Nhâm (Chủ nhiệm HTX hồ tiêu Bầu Mây) tâm sự.

Từ suy nghĩ ấy, anh Nhâm bắt đầu tìm tòi, nghiên cứu và phát hiện được 1 dây tiêu khác thường trong vườn tiêu nhà anh năm nào cũng cho năng suất cao, khỏe mạnh. Cây tiêu này có bộ rễ cái to và khỏe gấp 10 lần giống khác, chịu được hạn, kháng bệnh tốt, cho năng suất từ 10 - 12 tấn/ha (cao gấp 2 - 3 lần so với giống tiêu thông thường) và giữ ổn định năng suất qua nhiều năm.

Sau hơn 20 năm thực nghiệm, nghiên cứu tìm tòi, sáng tạo, anh Nhâm đặt tên cho giống này là tiêu Bầu Mây - địa danh gắn liên với quá trình lập nghiệp của mình, và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Tiêu Bầu Mây tại Cục Sở hữu trí tuệ.

{keywords}
 Anh Lâm Ngọc Nhâm kiểm tra vườn tiêu thương hiệu Bầu Mây cho doanh thu 1,5 tỷ đồng/ha của gia đình.

Sau khi đã có giống tốt, anh tiếp tục nghiên cứu cách bón phân, chăm sóc để cải thiện chất lượng hạt tiêu tốt hơn nữa. Nhà có nuôi vịt trời và cua, anh chợt suy nghĩ vì sao không dùng phân ủ từ cua và phôi trứng vịt để tăng thêm lượng đạm bón cho tiêu, rồi sau đó thêm cả sữa vào để tăng vị ngọt béo. Từ đó, loại phân bón hữu cơ sinh học tự chế từ cua, phôi trứng và sữa bón để cho cây tiêu Bầu Mây đã ra đời.

Anh Nhâm giải thích, loại phân bón này tạo độ đạm cao hơn phân bón thông thường, từ đó giúp cải thiện hàm lượng hạt tiêu, tỷ lệ nhân không có, tỷ lệ cơm tăng lên, vỏ dày hơn, tạo nên giống tiêu không hạt độc nhất vô nhị. Vì sự lạ đó, tiêu không hạt xuất khẩu có giá tới gần 1.000USD/kg, rất được khách hàng Nhật Bản ưa chuộng.

Ngoài sản phẩm tiêu không hạt, anh Nhâm còn nghiên cứu chế biến thêm nhiều loại sản phẩm giá trị tăng cao từ tiêu Bầu Mây, như: Tiêu sữa có vị ngọt của sữa giúp cho trẻ em hoặc người không ăn thích ăn cay có thể dùng được; tiêu tươi muối, tiêu xanh muối, tiêu không hạt và tiêu 1 nắng. Từng loại có cấp độ cay khác nhau và còn có thêm giá trị dược liệu, có thể giúp cắt cơn hen suyễn, say tàu xe, trị tiêu chảy, đầy hơi và cảm sốt..., phù hợp cho khách du lịch mang theo như một tủ thuốc di động.

Chính sự khác biệt về chất lượng và giá trị này đã giúp các loại tiêu Bầu Mây có giá bán cao từ 2,2 – 15 triệu đồng/kg (tùy loại) ở thị trường trong nước, và giá xuất khẩu là 22 triệu đồng/kg. Giá bán này đã giúp những nông dân trồng tiêu là thành viên HTX Bầu Mây luôn có thu nhập cao, bất chấp giá tiêu trên thị trường đang chạm đáy.

Từ năm 2018, sản phẩm hồ tiêu của HTX Bầu Mây đã bắt đầu xuất khẩu ra nước ngoài từ 300 – 600 tấn/năm đến các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU. Giá xuất khẩu là 68USD/kg tiêu tươi chưa qua chế biến, và 965USD/kg cho sản phẩm tiêu không hạt.

Đặc biệt, thông qua Hội nghị Hồ tiêu quốc tế 2019, nhiều đối tác nước ngoài biết tiếng đã đến thăm vườn hồ tiêu của anh Nhâm cũng như của HTX Bầu Mây và đặt hàng. Trong đó, có một đối tác Nhật đã ký hợp đồng mua các sản phẩm tiêu của HTX Bầu Mây trong 5 năm.

“Giá trị của hợp đồng mà tôi vừa ký với đối tác Nhật này không phải là thời hạn hợp đồng dài hay giá xuất khẩu cao mà là chúng tôi giữ được thương hiệu của mình. Thông qua đối tác này, sản phẩm tiêu Bầu Mây sẽ đến được các nước trên thế giới dưới mác Made in Bau May, Vietnam. Đây là thành công lớn nhất mà tôi đã ấp ủ 20 năm qua” - anh Nhâm cười khoe. 

(Theo Dân Việt)