Màn đêm lặng lẽ buông, hàng cây xà cừ đổ bóng dài dưới ánh đèn đêm vàng nhạt,
hàng trăm chàng trai, cô gái từ nhiều nơi đổ về để “tìm duyên” cho mình.
Mỗi người một cảnh ngộ, đến từ những vùng quê khác nhau nhưng hầu hết lại có
một công việc hiện tại giống như nhau là đi làm osin.
Không có cảnh mua bán, không náo nhiệt ồn ào, phiên “chợ tình” kỳ lạ này chỉ
diễn ra vào hai ngày cuối tuần. Không hẹn mà gặp, họ đều xuất hiện như một lẽ
bất biến để hy vọng tìm được “một nửa” của mình, chia sẻ những vui buồn trong
cuộc sống.
“Chợ tình” lặng lẽ nơi góc phố
Gọi là chợ tình nhưng nó chẳng phải là nơi để các cô gái bán thân, hay con trai
đi tìm cám giác mua vui thể xác tầm thường, nó chỉ là một nơi để mỗi khi đêm về,
cuộc hẹn hò của những cô gái làm nghề osin luôn chờ đợi.
Dưới ánh đèn vàng đục, khuất sau các gốc cây xà cừ già cỗi, khuôn mặt của mỗi
người đến tham dự ở chợ đều khắc họa nhiều nét ưu tư. Có kẻ mừng vui khi chợ
tình tan, nhưng có kẻ lại ngóng đợi phiên chợ tới để tìm duyên.
Cô gái làm nghề giúp việc và bạn tình ở "chợ tình osin". |
Đúng 7h tối thứ bảy, tại của hoa viên Phạm Đình Hổ (phường 1, quận 6, TP.HCM), “chợ tình” bắt đầu nhộn nhịp hẳn lên. Từng tốp nam nữ từ các ngả đường lục tục đổ về, cười nói xôn xao.
Nhưng cũng có những chàng trai, cô gái chỉ đến có một mình, lặng lẽ ngồi ghế đá ở góc hoa viên chờ bạn. Những người đã có đôi thì tách ra từng góc để tâm sự. Còn những nhóm nam, nữ chưa thành lứa thành đôi thì tản bộ “giao lưu” để tìm bạn cho mình.
Thỉnh thoảng, một vài cô gái trẻ đi một một mình lúng túng, đỏ bừng mặt khi có chàng trai lạ đến bắt chuyện làm quen. Đâu đó vẳng đưa những lời ca “giao duyên” là các bản nhạc trẻ được các chàng trai cất lên hát tặng bạn gái của mình.
Những chiếc vòng đeo tay, chiếc ví da bán ở lề đường trở thành những món quà, “tín vật” thiêng liêng của tình yêu mà họ dành để trao nhau.
Khoảng 8h, các ghế đá trong hoa viên đều đã chật cứng người ngồi. Phiên “chợ” này không có cảnh người mua, kẻ bán, không ồn ào náo nhiệt mà chỉ có từng nhóm, từng đôi thì thầm to nhỏ với những nụ cười khúc khích và những ánh mắt trao nhau ngời hạnh phúc.
Đợi bạn. |
Lê Thị Thái Thanh, một cô gái có cái tên rất đẹp đến từ Bến Tre cho hay, cô làm “osin” ở Sài Gòn lúc còn nhỏ. Đến tuổi trưởng thành, trái tim Thanh đã biết rung động nhưng hầu hết thời gian cô đều dành cho công việc, vì thế từ khi nghe tin ở đây có phiên chợ tình thì cô luôn háo hức đi… thử vận may.
Vào các tối cuối tuần, Thanh được ra ngoài chơi, nhưng về trước “giờ giới nghiêm” của nhà chủ. Ngày thứ 7, Thanh luôn cố gắng hoàn tất các việc thật sớm, sau đó vội vàng bắt xe ôm đến tham gia “phiên chợ”.
Ngày đầu, Thanh cũng ngơ ngác, tủi hổ vì cái thân phận “osin” dù sao theo cô nó cũng chả sang trọng gì. Bỏ qua nỗi mặc cảm ấy, Thanh mang theo niềm hi vọng tìm được “bạch mã hoàng tử” của đời mình.
Cô cảm thấy ấm lòng hơn khi trời càng khuya, có càng nhiều các cô gái làm “osin” khác đến đây hẹn hò. Mất mấy buổi tham gia “phiên chợ”, tình duyên mới mỉm cười với Thanh.
Trong số các chàng trai hẹn gặp, cô đem lòng yêu một anh công nhân. Cả hai đều có hoàn cảnh khó khăn nên rất dễ đồng cảm. Qua những lần hẹn hò, cô được chia sẻ, động viên về mặt tinh thần nên cứ dịp cuối tuần, Thanh luôn ngóng đợi, thấp thỏm từng phút…
Ở “chợ tình” này, chúng tôi còn nghe được rất nhiều câu chuyện cảm động xoay quanh “bến đỗ cuộc đời” các cô gái “osin”. Chuyện tình đẹp của Kỳ và Hiền (đều quê ở Rạch Giá, Kiên Giang) khiến nhiều người đến “tìm duyên” trong các phiên chợ đều phải trầm trồ, ghen tị.
Theo Bích Liên (bạn thân của Hiền), một lần Hiền đang đi bộ hỏi đường đến “chợ tình thì tình cờ quen Kỳ cũng đang lang thang ở hoa viên này tìm bạn. Cùng cảnh ngộ gặp nhau tâm sự những vui buồn rồi “kết” nhau.
Mỗi tuần, cả hai cứ mong ngóng cho đến tối thứ bảy để được gặp nhau. Quen nhau được mấy tháng, Kỳ nói, cả hai dự định cuối năm nay sẽ xin phép gia chủ cho về quê để ra mắt gia đình hai bên rồi sang năm sẽ tiến tới hôn nhân.
Ngồi ở dãy ghế đá đối diện với chúng tôi còn có hai cô gái trẻ người Khơ-me,
cùng là đồng hương Cà Mau. Cả hai đều là osin nhưng người thì ở bên quận 11 còn
người thì ngay tại quận 6.
Nghe kháo nhau về phiên “chợ tình” này, các cô tranh thủ tối cuối tuần chủ cho
nghỉ để đi bộ đến. Đồng hương gặp nhau kết thành nhóm tâm sự với nhau chuyện
công việc, gia đình và “mong tìm được tình bạn khác phái”.
Sơn Thị Thành, 19 tuổi, tâm sự với chúng tôi, cô cũng từng có người bạn trai
quen ở “chợ tình” này nhưng mới phải chia tay vì không hợp tính tình.
Cô bạn ngồi bên cạnh, Kim Thị Hoàng có vẻ trầm tư, ít nói, gương mặt buồn rười
rượi. “Mấy tuần nay nó không thấy bạn trai của nó đến. Chẳng biết tìm ở đâu nên
nó buồn lắm.
Hai người quen nhau cũng được 6 tháng rồi. Bạn nó cũng là dân ở Cà Mau, làm phụ
cho một bánh mì ở quận 5. Tuần nào, hai người cũng đi bộ 6, 7 cây số đến đây gặp
nhau. Không hiểu sao, bốn tuần nay không thấy bạn nó đến. Biết tìm đâu, chỉ biết
đến đây chờ…”, Thành kể.
“Chợ” tan nỗi nhớ không tan
“Chợ tình osin” này hình thành chính thức từ khi nào thì cũng không ai biết
chính xác. Những người bán nước giải khát gần hoa viên Phạm Đình Hổ nói với các
chúng tôi, ban đầu chỉ có một vài đôi nam, nữ đi giúp việc cho gia chủ ở gần
công viên, tối rảnh rỗi họ ra dạo chơi, quen nhau rồi chọn nơi này làm chốn hẹn
hò.
Nhưng sau thì họ rỉ tai bạn bè nên nơi này ngày một đông thêm. Giờ đây, hoa viên
Phạm Đình Hổ đã trở thành “bến hẹn” của hàng trăm osin đất Sài thành.
Có chàng trai, cô gái trẻ đi bộ cả 7, 8 cây số, có người đi xe ôm, thuê xe đạp
đến đây chỉ mong có một nơi giãi bày nỗi lòng với nhau và tìm được cho mình một
tình bạn, nhất là tình bạn khác phái.
Thạch Văn Dũng, quê ở Trà Vinh, làm công ở xưởng nước đá trên đường Kinh Dương
Vương, tâm sự rằng: “Nếu không có “chợ tình” này thì tụi em chẳng biết gặp gỡ,
giao lưu với bạn bè cùng trang lứa ở đâu.
Cái nghề thì dễ mặc cảm lại quần quật làm suốt cả tuần, ai cũng muốn có một nơi
hẹn hò, chia sẻ, giúp đỡ nhau những vui buồn trong công việc, cuộc sống và tìm
được “bến đậu” cho đời mình”.
Nữ giúp việc gia đình đợi bạn. |
Cả năm nay, tối chủ nhật nào Dũng cũng rảo khắp “chợ tình” để tìm “một nửa” nhưng vẫn chưa thành công. Dũng biết có trên chục trường hợp nên vợ, nên chồng từ những buổi gặp gỡ ở phiên “chợ tình”. Có những cặp sau khi lập gia đình, hai vợ chồng vẫn rủ nhau ra hoa viên này dạo chơi vào những tối cuối tuần như ôn lại kỷ niệm thời yêu nhau.
Không phải chuyện tình nào ở đây cũng có hồi kết đẹp. Người bạn thân của Dũng có một kỷ niệm buồn ở “chợ tình” này vì cô bạn gái khá xinh làm osin cho một gia đình người Hoa ở quận 5 đã chia tay bạn trai, chấp nhận làm “vợ bé” cho ông chủ với hy vọng đổi đời.
Và cũng không ít các chàng trai ra “chợ tình” tính chuyện yêu đương với người khác giới rồi nhanh chóng “quất ngựa truy phong” chuyển sang cô gái khác. “Nhưng những trường hợp đó không nhiều, hầu hết tụi em đều mong muốn tìm được một nửa thật sự của mình”, Dũng thổ lộ.
Gần 22h đêm, “chợ tình” bắt đầu tan để cho các chàng trai, cô gái còn kịp về cho kịp “giờ giới nghiêm”. Những đôi trai gái bịn rịn chia tay nhau hẹn gặp lại vào tuần sau. Dường như vài tiếng đồng hồ gặp nhau hàng tuần với họ là quá ngắn ngủi.
“Tụi em gặp nhau chỉ có vậy nhưng cảm thấy hạnh phúc lắm anh à, đó cũng là động lực giúp những người có hoàn cảnh như chúng em thêm yêu cuộc sống. Về làm việc cả tuần chúng em đều rất vui và nôn nao đếm từng ngày, mong từng giờ cho đến lúc gặp bạn tình của mình”, một cô gái thẹn thùng thổ lộ sau khi chia tay bạn trai của mình.
(Theo Báo Gia đình và Cuộc sống)