Ngày 19/5/2021, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) huyện Bắc Sơn thuộc Đội QLTT số 5 đã tổ chức kiểm tra tại cơ sở kinh doanh mỹ phẩm, có địa chỉ tại: Ki-ốt số 34, chợ Trung tâm thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, do bà Dương Thị Dinh làm chủ.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại cửa hàng đang bày bán 37 lọ kem dưỡng da, nhãn hiệu Bodygel, loại 100ml/lọ nhập lậu, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, hoàn toàn không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp.
Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp kinh doanh, sản xuất các sản phẩm hóa mỹ phẩm rởm, nhập lậu nhái các thương hiệu lớn bị phanh phui.
Trên thực tế, nắm bắt tâm lý của người tiêu dùng ưa các dòng sản phẩm hóa mỹ phẩm cao cấp, nổi tiếng tại các thị trường thế giới như các sản phẩm nước hoa, dầu gội đầu, dầu tắm, kem dưỡng da, dưỡng thể... nhiều đối tượng đã trà trộn vào thị trường các sản phẩm giả nhãn mác, giả xuất xứ từ các thị trường lớn này hòng trục lợi, đánh lừa người tiêu dùng.
Các đối tượng thường sử dụng phương thức, thủ đoạn ngày càng phức tạp, tinh vi, như nhập lậu bằng cách giả mạo giấy tờ để hợp thức hóa hàng hóa, song thực chất hàng hóa này được thu gom từ các nước thứ ba không đảm bảo chất lượng, thường là hàng thanh lý, tồn kho, sắp hết hạn sử dụng; hay không có tem nhãn, hoặc dùng tem nước ngoài; làm giả tem phụ…
Thậm chí, có đối tượng nhập lậu còn khẳng định là “hàng xách tay xịn”, đưa người tiêu dùng vào “ma trận” hàng hóa mỹ phẩm, không biết lựa chọn đâu là hàng chuẩn chính hãng, đâu là hàng giả, hàng nhái.
Đơn cử với sản phẩm dầu gội đầu Tigi, theo chia sẻ của một chuyên gia về tóc, nếu là hàng “xịn”, xuất xứ từ Mỹ, một cặp dầu gội - xả của hãng này đến tay người tiêu dùng có giá hơn 1 triệu đồng/cặp. Thế nhưng, trên thị trường hiện nay tràn lan các sản phẩm dầu cặp Tigi chỉ có giá từ 200.000 đồng - 400.000 đồng/ cặp. Đáng chú ý, trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Sen đỏ... cũng rao bán cặp dầu gội này với nhiều mức giá khác nhau, nơi giá cao chót vót, chỗ lại rẻ... như cho.
Riêng với các sản phẩm là “hàng xách tay”, đại diện Tổng cục QLTT cho biết, việc đối phó với kinh doanh các mặt hàng này không hề đơn giản do sản phẩm được người bán để trong nhà, lực lượng QLTT muốn kiểm tra các trường hợp này phải có quyết định khám nơi ở được chủ tịch quận ký.
Ngoài ra, cái khó với hàng xách tay, nhập lậu là phải làm rõ yếu tố biên giới (bắt hàng tại cửa khẩu, biên giới) mới khởi tố được, còn khi hàng chở về lưu trong kho thì hầu như chỉ xử phạt hành chính. Đây chính là lý do khiến các sản phẩm hóa mỹ phẩm nhập lậu, làm giả, nhái các thương hiệu vẫn còn đất sống.
Trong khi đó, tâm lý người mua vẫn là thích “hàng xách tay”, bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ vẫn chưa bỏ thói quen “ham của rẻ”... từ đây vô tình tiếp tay để các sản phẩm này có thêm cơ hội hoành hành.
Theo Đại đoàn kết