- Tôi muốn hỏi vấn đề sau: Tháng 4 năm 2011 để đảo nợ Ngân hàng, tôi có vay ngoài số tiền là 8 tỷ đồng. Người cho vay đã cầm cố rất nhiều tài sản (kể cả giấy phép kinh doanh) và không rõ họ tính lãi ra sao mà sau một năm số tiền nợ đã lên vài chục tỷ đồng.

Tôi muốn hỏi 3 vấn đề sau:
1. Theo pháp luật hiện hành thì tôi phải trả số tiền cao nhất là bao nhiêu của khoản vay 8 tỷ đồng tính từ tháng 4 năm 2011?
2. Hành vi của đối tác cho vay tính lãi và ép cầm cố tài sản như thế có vi phạm pháp luật hay không ?
3. Tôi muốn nhờ pháp luật giải quyết thì thủ tục phải làm như thế nào, gửi lên đâu và cơ quan nào đứng ra giải quyết ?.

Bạn đọc Công Thành


Luật sư tư vấn:

Tín dụng đen (Ảnh minh họa, nguồn internet)
Chúng tôi có một số ý kiến tư vấn dựa trên nội dung bạn trình bày và đối chiếu với các quy định pháp luật hiện hành cụ thể như sau.

1. Lãi suất cao nhất theo quy định của pháp luật

Theo quy định tại Điều 476 BLDS thì:

- Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.

- Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.

Lãi suất ngân hàng  tại thời điểm tháng 4 năm 2011 theo quyết định số 2868/QĐ-NHNN  do ngân hàng nhà nước ban hành ngày 29/11/2010 là 9% 1 năm. Như vậy lãi suất cao nhất mà bên cho vay có thể áp dụng theo quy định của pháp luật là 13,5% 1 năm

2. Hành vi cho vay lãi suất cao và ép cầm cố tài sản.

- Theo quy định của pháp luật, việc câm cố tài sản là một biện pháp để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Vì thế nếu hai bên đều thống nhất tự nguyện thực hiện biện pháp này thì nó không được xác định là vi phạm pháp luật.

- Trường hợp cho vay lãi suất vượt quá 150% lãi suất cơ bản của ngân hàng thì phần lãi suất vượt quá sẽ không được chấp nhận khi đưa vụ việc ra giải quyết tại tòa án.

Tuy nhiên nếu mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì người cho bạn vay tiền có thể bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.theo quy định tại Điều 163 BLHS.

Nếu đối chiếu và phát hiện có hành vi vi phạm thì tùy từng trường hợp bạn có thể làm đơn khởi kiện lên tòa án có thẩm quyền hoặc làm đơn tố cáo tới cơ quan chức năng để được giải quyết.

  • Tư vấn bởi Luật sư Hoàng Tuấn Anh, Văn phòng Luật Hoàng Kim. Địa chỉ: 5/178 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội. Điện thoai: 0986663459, thư điện thử: hoangkimluat@gmail.com

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).