- Tuy chưa đủ điều kiện bán nhà nhưng hàng loạt dự án căn hộ tại Hà Nội đã rao bán, nhận tiền đặt cọc quyền mua căn hộ. Việc mua căn hộ dạng này khiến khách hàng có thể gặp nhiều rủi ro và nguy cơ xảy ra tranh chấp trong tương lai rất cao.
Mới ở giai đoạn khởi công phần móng và còn lâu mới đủ điều kiện mở bán, nhưng căn hộ CT4 Vimeco (Quận Cầu Giấy) từng gây sốt bằng các hợp đồng góp vốn bán “nhà trên giấy”. Theo đó, mỗi căn hộ Dự án CT4 Vimeco được bán ra với tiền chênh từ 350 - 500 triệu đồng mỗi căn hộ.
Dự án 219 Trung Kính đến tháng 10 mới xong phần móng, nhưng đơn vị phân phối đã tiến hành nhận đặt cọc và tiền chênh của khách hàng. |
Chuyện những dự án bán nhà khi chưa đủ điều kiện không phải là hiếm, thậm chí, xu hướng này đang ngày càng lan rộng. Việc bán nhà khi dự án chưa đủ điều kiện hiện nay phổ biến dưới dạng đặt cọc quyền mua nhà, đăng ký mua nhà. Chẳng hạn như tại Dự án Imperia Garden, ngày 25/7 tới, chủ đầu tư mới chính thức mở bán. Tuy nhiên, từ khoảng 2 tháng trở lại đây, một số đơn vị môi giới đã quảng cáo nhận đặt cọc giữ chỗ mua căn hộ.
Với số tiền đặt cọc “tùy tâm”, nhưng thấp nhất từ 5 - 10 triệu, hay lên đến cả trăm triệu, nhiều khách hàng muốn mua căn hộ tại Dự án đã chấp nhận đặt cọc để được quyền mua căn hộ, với giá được đơn vị môi giới đưa ra chỉ khoảng 30 triệu đồng/m2.
Trao đổi với báo chí mới đây, một đại diện chủ đầu tư Dự án Imperia Garden phủ nhận chuyện nhận tiền đặt cọc với giá bán nêu trên và cho rằng đó chỉ là hành động tự phát của một số môi giới tự do. Điều này có thể khiến hàng trăm khách hàng từng đặt cọc mua căn hộ tại dự án này đối diện với rủi ro và nguy cơ mất tiền. Việc tranh chấp tiền cọc và quyền mua căn hộ thuộc Dự án Imperia Garden bùng nổ trong nay mai là điều có nguy cơ xảy ra.
Tại hàng loạt dự án chung cư khác ở Hà Nội, nhiều đơn vị phân phối cũng tiến hành quảng cáo bán căn hộ khi dự án chưa đủ điều kiện. Chẳng hạn, trong khoảng hơn một tháng trở lại đây, trên thị trường xuất hiện hàng loạt quảng cáo nhận đặt cọc bán căn hộ Dự án Central Point – 219 Trung Kính do Công ty TNHH 19-12 Bắc Hà làm chủ đầu tư, MBLand là đơn vị phát triển Dự án và phân phối độc quyền, dù Dự án Central Point mới đang làm móng, dự kiến tháng 10 mới đủ điều kiện bán hàng.
Theo giới thiệu của nhân viên tư vấn, mức giá gốc căn hộ Central Point là 27,5 triệu đồng/m2, tiền đặt cọc là 100 triệu đồng. Tuy nhiên, khách hàng sẽ phải đóng thêm 1,5 triệu đồng/m2 lệ phí tư vấn và 3 triệu đồng/m2 tiền chênh, khiến giá căn hộ Central Point lên đến 32 triệu đồng/m2. Mặt khác, tổng số tiền khách hàng phải đóng ngay trong tuần để được quyền mua căn hộ, khi Dự án còn lâu mới xong phần móng đã lên đến trên 400 triệu đồng. Tuy nhiên, chỉ 100 triệu đồng tiền đặt cọc có giấy biên nhận, còn 300 triệu là tiền trao tay.
Trên địa bàn Hà Nội, rất nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn khác cũng từng bán căn hộ theo phương thức đăng ký mua nhà. Chẳng hạn, tại Dự án Tràng An Complex của GP Invest, chủ đầu tư đã nhận đăng ký mua căn hộ của hàng trăm khách hàng khi Dự án mới tiến hành khởi công.
Dự án Goldsilk Complex Hà Đông của chủ đầu tư HanoVid từng được một đơn vị phân phối quảng cáo rầm rộ mở bán căn hộ khi dự án này chưa chính thức khởi công, thậm chí còn chưa có giấy phép xây dựng. Hay như Tân Hoàng Minh Group mới đây đã tiến hành nhận đăng ký mua nhà tại Dự án D’. Le Roi Soleil Quảng An, khi dự án này vừa mới tiến hành khởi công.
Theo ông Lại Quốc Thắng, Phó giám đốc phụ trách kinh doanh Sàn Hải Phát, hiện đa số các dự án căn hộ mới triển khai đều có xu hướng nhận đặt cọc mua nhà, dù dự án vẫn chưa đủ điều kiện bán hàng. Điều này, theo ông Thắng, sẽ tạo điều kiện cho chủ đầu tư và sàn môi giới làm giá, ăn chênh lệch.
“Khi mua căn hộ “lúa non”, khách hàng sẽ gặp nhiều rủi ro”, ông Thắng nói và cho biết, hiện rất nhiều chủ đầu tư còn gặp khó khăn, nên nếu không tiếp tục triển khai được dự án, hoặc phải bán lại dự án cho đơn vị khác, tranh chấp sẽ diễn ra. Khi đó, “nếu có đòi được tiền đặt cọc, khách hàng cũng sẽ mất hàng trăm triệu tiền “chênh trong chênh ngoài” không thể đòi được vì thiếu hóa đơn”, ông Thắng nói thêm. Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng, phần lớn các chủ đầu tư phải nhận cọc bán căn hộ khi chưa đủ điều kiện vì doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, muốn huy động vốn từ khách hàng.
Theo Trọng Tuyến (Đầu tư Bất động sản)