Để che giấu việc cho vay nặng lãi, chủ nợ buộc con nợ ký hợp đồng mua bán nhà đất.

Các đối tượng cho vay nặng lãi sử dụng nhiều cách để thu hút và trói buộc người vay tiền như núp dưới danh nghĩa quỹ tín dụng, hợp đồng vay hoặc buộc làm hợp đồng thế chấp, mua bán nhà đất có công chứng. Khi vào tròng, người vay hầu như không có lối thoát…

Vay tiền “quỹ tín dụng”

Đang cần tiền xoay xở mua bán trái cây, chị PTNL (39 tuổi, ngụ phường An Phú Đông, quận 12, TP.HCM) biết được “quỹ tín dụng” cho vay nhanh gọn, lãi suất thấp nên rất vui mừng. Đọc thông tin trên tờ rơi quảng cáo “Quỹ tín dụng 591 cho vay tín chấp thủ tục nhanh gọn, lãi suất thấp. ĐT: 0909258…”. “Quỹ tín dụng 104 cho vay tín chấp thủ tục nhanh gọn, lãi suất thấp. ĐT: 0938399…”, chị L. tìm tới để vay.

Tìm đến 104 Lê Lợi (phường 4, quận Gò Vấp), chị L. được Lê Anh Tuấn (37 tuổi, quê Hà Nội) đưa cho hợp đồng vay tiền sau khi đã yêu cầu chị đưa bản sao CMND, giấy tờ nhà. Theo đó, chị L. vay 3 triệu đồng với lãi suất 20%/tháng. Tùy theo thời gian trả tiền vay là 20, 30, 40 ngày mà có các khoản “phí dịch vụ” kèm theo. Chị L. được vay 3 triệu đồng từ ngày 12-11-2013 nhưng phải ký hợp đồng vay là 3,6 triệu đồng, mỗi ngày chị L. góp cho Tuấn 120.000 đồng. Theo “luật” của Tuấn, ngay khi nhận tiền vay, người vay phải đóng trước ba ngày tiền góp đầu tiên. Khi vay tiếp lần thứ hai, họ phải đóng hết số tiền góp cho tất cả ngày còn lại của lần vay thứ nhất và đóng trước ba ngày tiền góp ngày đầu tiên.

Do chị L. không góp tiền đúng hạn nên nhiều lần bị nhóm thanh niên đến nhà chửi, đập bể kính cửa, đổ nhớt pha mắm tôm vào nhà. Ngày 1-1-2014, chị L. đóng đủ số tiền 3,6 triệu đồng và yêu cầu lấy lại giấy tờ đã thế chấp vay tiền thì bị Tuấn ép buộc trả thêm 500.000 đồng vì lỗi đóng tiền góp trễ hạn.

{keywords}

Ảnh trên: Nhóm giang hồ cho vay nặng lãi do Lê Anh Tuấn cầm đầu bị Công an quận Gò Vấp bắt giữ. Ảnh dưới: Nhóm giang hồ cho vay nặng lãi do Trần Ngọc Sơn cầm đầu bị Công an quận 3 bắt giữ.

Với hình thức như vậy, băng Tuấn đã cho vay gần 1.000 trường hợp, thu lợi gần 600 triệu đồng.

Hợp đồng mua bán nhà đất che giấu vay nặng lãi

Luôn là người nắm đằng cán, với số tiền vay từ 100 triệu đồng trở lên, các đối tượng cho vay thường yêu cầu con nợ phải làm hợp đồng thế chấp hoặc mua bán nhà đất và công chứng hợp pháp.

Thông thường có hai trường hợp mà chủ nợ thực hiện “chiêu thức” này. Thứ nhất là ban đầu cho vay tín chấp với số tiền lớn, sau một thời gian con nợ không có khả năng trả hoặc chậm thì sẽ bị ép làm hợp đồng thế chấp, bán nhà đất. Thứ hai, với số tiền cho vay lớn, ngay từ đầu chủ nợ sẽ làm hợp đồng giả cách về việc mua bán nhà đất có công chứng để che giấu việc cho vay lãi suất cao. Khi đến thời hạn mà con nợ chậm trả, mất khả năng thì chủ nợ lấy nhà con nợ bằng hợp đồng mua bán. Với cách nào, người vay cũng không thể trả lãi và nợ gốc và việc mất nhà cửa gần như tất yếu.

Bà LTC (60 tuổi, ngụ phường Tân Quý, quận Tân Phú) có căn nhà mặt tiền đường Tân Sơn (quận Gò Vấp), giá thị trường hơn 4 tỉ đồng. Do cần tiền cho con đi du học, bà vay 250 triệu đồng với lãi suất 10%/tháng. Để bảo đảm cho khoản vay, chủ nợ yêu cầu bà C. làm hợp đồng mua bán nhà trên đường Tân Sơn. Trả lãi được sáu tháng thì bà không trả lãi nổi. Lãi mẹ đẻ lãi con, một năm sau tiền lãi và gốc đã lên tới 840 triệu đồng. Chủ nợ vừa hăm dọa cho côn đồ “xử”, vừa đòi kiện ra tòa để thực hiện hợp đồng mua bán nhà. Thấy khó chống chọi với chủ nợ, bà C. đành phải bán luôn nhà cho chủ nợ để được bình yên.

Cần tiền chữa bệnh cho người thân, chị ĐTK (ngụ huyện Bình Chánh) vay 100 triệu đồng của Hùng “su” (quận 8) với lãi suất 1 triệu đồng/ngày. Chị K. buộc phải làm hợp đồng bán căn nhà cấp 4 khoảng 40 m2 ở Bình Hưng (huyện Bình Chánh) cho Hùng. Sau sáu tháng, số tiền nợ cả lãi và gốc cộng dồn đã lên tới hơn 400 triệu đồng. Lúc này Hùng định giá nhà chị K. gần 600 triệu đồng để cấn trừ nợ.

{keywords}

Người nghèo, gặp khó khăn dễ dàng quan tâm đến những quảng cáo cho “quỹ tín dụng” vay dễ dàng như vầy.

Cho rằng giá Hùng đưa ra quá thấp, chị K. không chịu thì Hùng cho đàn em đến hăm dọa, đánh đập. Không dừng lại đó, Hùng canh lúc chị K. đưa con đi học đã khóa cửa nhà chị K. lại và cho đàn em ở đó. Chị K. kêu công an đến giải quyết thì Hùng đưa ra hợp đồng mua bán nhà và “tố” ngược chị K. đã bán nhà mà không chịu giao nhà. Thấy vậy, công an yêu cầu cả hai đến nhờ tòa án xử lý tranh chấp hợp đồng mua bán nhà. Hùng lại liên tục cho người đến hăm dọa, đòi hành hung chị và con gái. Thân cô thế cô, chị K. buộc phải giao nhà cho Hùng rồi dẫn con đi ở trọ. Vụ án của chị giờ vẫn đang chờ TAND huyện Bình Chánh giải quyết.

Đảo nợ, thay giấy nợ mới

Để trói chặt con nợ, nhiều đối tượng tín dụng đen sử dụng thủ đoạn đảo nợ với nhau. Ngoài ra, để tránh việc con nợ có chứng cứ về việc vay nặng lãi, chủ nợ chỉ ghi một giấy vay tiền, đưa con nợ ký tên và giữ riêng cho mình. Khi đến hạn, con nợ chậm trả, mất khả năng chi trả thì chủ nợ lại dồn nợ gốc, lãi, phạt chậm trả… thành khoản tiền mới. Tiếp đó, chủ nợ ép con nợ ký giấy vay tiền với số tiền mới, xé giấy vay cũ rồi giữ giấy mới.

Vào tháng 2-2013, cần tiền chữa bệnh, bà Tr.T.L. (57 tuổi, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn) vay của Phạm Thị Thoa (26 tuổi, ngụ quận 12) 20 triệu đồng với lãi suất 30%/tháng. Việc vay nợ có ghi giấy nợ nhưng Thoa không cho bà L. giữ giấy. Do cần gấp để chữa bệnh nên bà L. đành chấp nhận. Bà L. chỉ trả lãi được tháng đầu tiên là 6 triệu đồng. Sau đó bà L. không trả tiền lãi nên Thoa cộng số tiền lãi vào nợ gốc. Đến tháng 8-2013, Thoa tính tổng số tiền mà bà L. còn nợ là 250 triệu đồng và liên tục ép bà L. phải trả nợ.

Thoa giới thiệu cho bà L. gặp và vay của Lưu Thị Kim Lộc (42 tuổi, ngụ quận 12) cũng phường tín dụng đen như Thoa. Bà L. được Lộc cho vay 250 triệu đồng để trả cho Thoa với lãi suất 20%/tháng. Ngay khi Lộc đưa tiền cho bà L. thì Thoa có mặt ở đó để lấy ngay số tiền trên. Cùng ngày, Thoa đưa số tiền 250 triệu đồng lại cho Lộc và nhờ Lộc thu giúp tiền lãi cho Thoa. Với lãi suất 20%/tháng, bà L. phải trả 50 triệu đồng lãi hằng tháng. Trả lãi được hai tháng thì bà L. mất khả năng. Tháng 2-2014, Thoa mua lại căn nhà của bà L. ở Xuân Thới Sơn (huyện Hóc Môn) giá hơn 1 tỉ đồng. Do chồng bà L. phản ứng nên chưa làm thủ tục được…

Lãi suất cao gấp 128 lần ngân hàng

Ngày 21-7, Công an quận 12 khởi tố bị can Phạm Thị Thoa (26 tuổi, ngụ quận 12), Nguyễn Ngọc Tính (39 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, chồng Thoa), Trần Văn Hóa (49 tuổi, ngụ quận 12) và Lưu Thị Kim Lộc (42 tuổi, ngụ quận 12) để điều tra hành vi cho vay nặng lãi.

Nhóm của Thoa bị công an quận bắt giữ do có tố cáo từ người dân về hoạt động cho vay nặng lãi. Khám xét nhà của nhóm này, công an thu giữ nhiều chứng cứ cho thấy nhóm có hoạt động cho vay nặng lãi với nhiều người. Qua điều tra bước đầu đã xác định nhóm của Thoa cho ba nạn nhân vay tiền với lãi suất từ 20% đến 150%/tháng, cao nhất là gấp hơn 128 lần so với lãi suất ngân hàng. Có nạn nhân đã phải bán nhà cho Thoa để trừ nợ. Với lãi suất như vậy, nhóm Thoa đã thu lợi bất chính chỉ riêng ba nạn nhân hơn 600 triệu đồng.


(Theo PLO)