Đặc sản mật ong bạc hà của Hà Giang
Chị Chu Thị Minh Huệ - Hợp tác xã nông lâm sản Việt Nam Tea Nà Thác (Hà Giang) cho biết, mật ong bạc hà là sản vật đặc biệt trên cao nguyên đá của Hà Giang, đặc biệt là ở hai huyện Đồng Văn và Mèo Vạc. Năm 2013, mật ong bạc hà của Hà Giang đã được cấp Chứng nhận chỉ dẫn địa lý.
Cây bạc hà mọc dại ở vùng núi đá từ tháng 9, tới mùa đông bắt đầu nở hoa. Từ xa xưa đồng bào Mông ở cao nguyên đá này đã biết đến việc nuôi ong nhưng họ canh tác mang tính hộ gia đình. Đến mùa hoa nở, họ đặt đõ ong trên nương hoa để ong tự hút mật, nhả mật. Vì vậy sản lượng mật ong thấp, chỉ đủ dùng cho gia đình, không bán ra ngoài thị trường nên ít người biết tới.
Để chuẩn bị đàn ong, người nuôi ong sẽ gây giống ong từ mùa thu vì thời tiết mát mẻ, có mùa hoa cỏ kim và hoa keo giúp đàn ong phát triển.
Đến khi hoa bạc hà nở, người nuôi bắt đầu di chuyển ong từ các huyện vùng thấp đến vùng cao nguyên đá. Ong có thể bay đi lấy mật trong bán kính hàng chục km. Những nương hoa nào có độ ẩm, gió không quá mạnh sẽ thu hút ong tới lấy mật và cho mật nhiều, chất lượng tốt.
Chị Huệ cho biết, đồng bào Mông chăm ong bạc hà rất vất vả, vào lúc thời tiết khắc nghiệt nhất trong năm. Giống ong được nuôi là ong nội với chất lượng làm mật thơm hơn. Sau 10 năm xây dựng thương hiệu, cao nguyên đá Đồng Văn đã tạo ra sản phẩm nổi tiếng mật ong hoa bạc hà.
Thu nhập từ nghề nuôi ong tùy thuộc vào số lượng tổ ong của mỗi gia đình. Tầm 10 ngày sẽ được một vòng quay mật, mỗi tổ trong điều kiện ong nhả mật đủ vít đầy các nắp trong các cầu ong, có thể quay được 1 lít mật. Một lít mật ong bạc hà thương phẩm hiện nay có giá bán từ 500 – 700 nghìn đồng.
Anh Hoàng A Páo (dân tộc Dao, trú tại xã Tả Lủng, huyện Mèo Vạc) cho biết, nuôi ong bạc hà mang lại thu nhập cho gia đình anh mỗi năm 200 triệu đồng. Hợp tác xã Tả Lủng của anh Páo có 26 điểm khai thác, mỗi điểm có hàng trăm đàn ong.
Mong muốn tiếp cận với sàn thương mại
Anh Hoàng A Páo cho biết, Hợp tác xã Tả Lủng sẽ hướng dẫn bà con nuôi ong và quay mật. Khi có sản phẩm, hợp tác xã cũng trực tiếp làm thương hiệu và phân phối ra thị trường. Các sản phẩm của bà con sản xuất ra không bị ép giá, có giá thành ổn định.
Mật ong bạc hà sau khi được thu hoạch về sẽ được xử lý và đóng gói bao bì, tem mác theo quy định VietGap để tăng thêm giá trị sản phẩm.
Mật ong bạc hà màu vàng chanh là mật đầu mùa với tỷ lệ bạc hà ít hơn, còn mật chính vụ với tỷ lệ bạc hà cao hơn sẽ xanh hơn. Mật ong bạc hà có mùi thơm mát, chất lượng rất tốt, sánh đặc và ngọt mát. Chất lượng của mật ong phụ thuộc vào chất lượng hoa bạc hà theo từng năm có nở rộ hay không, phụ thuộc vào khí hậu và kỹ năng quay mật,…
Các hợp tác xã nuôi ong ở Hà Giang không chỉ bán lẻ mà còn có cửa hàng trưng bày sản phẩm để quảng cáo thương hiệu, đưa mật ong bạc hà tới tay nhiều du khách hơn. Hiện nay mật ong bạc hà đã là một trong các sản phẩm OCOP đặc thù của tỉnh Hà Giang.
Theo Nghị quyết 209/2015/NQ-HĐND, tỉnh Hà Giang đã đưa ra chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn trong đó có nuôi ong. Các hợp tác xã nuôi ong được hỗ trợ ưu đãi vay vốn, tạo điều kiện xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của những hợp tác xã nuôi ong bạc hà, khó khăn của công việc này là chăm nuôi vào mùa đông, thời tiết khắc nghiệt, ong giống bị chết nhiều. Nguồn cây bạc hà tự nhiên ngày càng ít hơn, dù nhân giống nhiều lần nhưng không thành công.
Ngoài ra, hiện nay trên thị trường có nhiều mật ong giả danh thương hiệu mật ong bạc hà của Hà Giang. Đặc biệt, với thời đại các sàn giao dịch thương mại nở rộ càng khó kiểm soát chất lượng các sản phẩm. Trong khi đó, đồng bào nuôi ong trên cao nguyên đá khó tiếp cận công nghệ, ít cơ hội bán hàng chất lượng cao trên các sàn thương mại điện tử. Ví dụ như hợp tác xã của anh Páo vẫn chủ yếu bán sản phẩm qua Zalo, Facebook và cửa hàng bán lẻ.