Đối với đa số cộng đồng, game là một hình thức giải trí sau giờ học hay làm việc. Tuy nhiên, ở một góc cạnh nào đó, việc làm kinh tế với game luôn hiển hiện do nhu cầu từ người chơi mong muốn bỏ tiền ra để có một vị trí cao hơn hay một món đồ giá trị hơn mà không phải bỏ công sức. Hãy cùng GameSao đi sâu vào giới làm tiền của DOTA 2, nơi có những con người làm giàu bằng một con đường ít ai biết.

1. Boost rank

Hệ thống MMR (Matchmaking Rating) của DOTA 2  là một hệ thống xếp hạng game thủ trên phạm vi toàn thế giới. Điểm MMR của bạn càng cao, càng chứng tỏ khả năng của bạn càng cao. Vì vậy, với những người ham mê đỉnh cao, hoặc  đơn giản muốn thể hiện trình độ mà không phải cày cuốc, được gặp mặt các gosu ở vị trí cao trên bảng xếp hạng, đương nhiên họ sẽ có nhu cầu đẩy rank cao mà không muốn tốn thời gian cho việc farm từng điểm MMR. Theo lẽ đó, dịch vụ boost rank đương nhiên sẽ ra đời. Để trở thành một rank booster chuyên nghiệp, bạn cần phải có trình độ ở một đẳng cấp cao khi mà càng  lên cao trên bảng xếp hạng, trình độ các game thủ ngày càng khủng khiếp. Dưới đây là một bảng giá của một rank booster chuyên nghiệp.

Giá dịch vụ của một rank booster chuyên nghiệp

Như bạn thấy, với mốc rank cao nhất mà rank booster trên đưa ra, 100 điểm MMR sẽ tương ứng với 700.000đ, một con số không hề nhỏ. Trao đổi với chúng tôi, một rank booster giấu tên cho biết, việc boost rank không hề đơn giản, đặc biệt là solo rank khi mà họ phải gắn với những đồng đội  mà không quen biết, dẫn tới việc khó có thể khẳng định được việc thắng thua trong trận đấu. Đồng thời, thời gian bỏ ra cho một trận đấu khá dài, thường ở mức 40 - 60 phút  nên công việc cũng khá vất vả. Trên thực tế, các rank booster cũng có một mánh nho nhỏ khi thu mua các account mới có mức rank tương ứng trên, sau đó cùng nhau find match tại một server vắng người, rồi 10 người cùng tập trung các trận thắng vào một account chủ có nhu cầu boost, tuy vậy việc này cũng cần có một mức đầu tư không nhỏ khi các account mới có mức giá không hề rẻ.

 

2. Trade

Mua rẻ bán đắt, mua sỉ bán lẻ.... là những chiêu trò dễ nhìn thấy nhất khi trở thành một trader. Ở bất cứ game nào không trừ DOTA 2, đều có một tập người chơi làm kinh tế bằng việc buôn các vật phẩm cho những game thủ có nhu cầu. Ở DOTA 2, việc chỉ bán cosmetic items ban đầu khiến nhiều người e ngại nhu cầu của người chơi không cao, thế nhưng cho đến hiện nay, không ít thành viên đã làm giàu từ việc buôn bán này. Thử tưởng tượng, một con courier có trị giá tới... 38.000 USD ( tương đương với hơn 800.000.000đ ), hay nhẹ nhàng hơn, một set quần áo cao bồi của Ursa trị giá 550 USD ( tương đương gần 12.000.000 đ). Tất nhiên, đồng nghĩa với giá cao, việc sở hữu hay qua tay những món đồ giá trị đó là việc cực khó. Tuy vậy, điều này cũng dấy lên bao niềm hi vọng kiếm tiền của những người đam mê trò chơi này.

"Con courier trị giá 38.000 USD lên tin trên trang tin nổi tiếng Forbes"

Bên cạnh việc trade chân chính, có một sự thật đáng buồn ở cộng đồng người chơi DOTA 2, đó là lợi dụng lòng tin và tính năng Gift only của Steam, họ sẵn sàng lừa đảo để lấy những món hàng mà người chơi nhẹ dạ. Trong dòng sự kiện The International 5 , các vật phẩm không thể giao dịch bằng tính năng của steam ngay lập tức, mà chỉ kèm theo tính năng tặng quà từng lượt. Chính vì vậy, hãy cảnh giác những người chơi có yêu cầu bạn tặng một món đồ sang trước bởi bạn có thể gặp một tay lừa đảo chính hiệu. Điều này làm cho hình ảnh cộng đồng trader đang bị xấu đi trong mắt người chơi.

 

3. Bet

Dota2lounge, VPgame hay Gosugamer... có thể được coi là nơi trao đổi đồ online lớn nhất hiện nay. Vậy việc của bạn là gì để kiếm tiền trên này? Hãy chuẩn bị một lượng đồ giá trị và ... cầu may mắn đến với bạn. Công việc của bạn là hãy lựa chọn ra những trận đấu mà các nhà cái đã sắp xếp lịch, đặt những món đồ vào đội mà bạn tin tưởng, và dựa theo tỉ lệ %, chấp độ, các bạn sẽ được nhận một số lượng item tương xứng nếu đội bạn đặt thắng trận đấu. Và ngược lại, nếu đội bạn đặt cược đã thua, hãy nói lời tạm biệt tới item của mình. Giá trị item càng lớn, thì giá trị nhận về nếu thắng của bạn cũng lớn theo, hãy nhìn bức ảnh dưới đây và trầm trồ, các bạn hoàn toàn có thể đem về gia tài của mình mỗi ngày tới.... vài nghìn USD. Tuy nhiên, hãy dè chừng.

"Một ngày ăn nên làm ra của một bet thủ"

Thử nhìn lại lịch sử, tại sao lại có nghi vấn bán độ? Đó chính là vì những trận đấu mà các gosu tham gia, họ có những trận đấu thua đến khó hiểu mà không ai có thể giải thích. Solo của Rox.kis,  DDZ của Arrow Gaming hay gần đây nhất và đáng buồn nhất là team Aces Gaming của Việt Nam, họ là những người đã cố tình để thua trong trận đấu của mình để trục lợi trên các nhà cái bán độ. Với việc thành viên Tài Polime đứng lên phanh phui sự việc SPH và Kua ( 2 thành viên cũ của Aces ) đã rủ nhau bán độ trong trận đấu được lên lịch tại Dota2lounge giữa Aces và GGuard, nếu như trận đấu đó bạn đặt niềm tin vào nước nhà, thì bạn đã mất đi những món đồ giá trị của mình trong khi đáng lý ra nếu họ không bán độ, việc chiến thắng của Aces trước GGuard là điều không hề khó khăn.

Tất nhiên, việc làm giàu từ bet này cần những phân tích và may mắn, làm bet thủ không hề dễ dàng khi: Bạn cần có một món tiền trong tay đủ để đầu tư, và cần có chuyên môn sâu để phân tích các trận đấu trước khi diễn ra. Còn nếu không, hãy cầu vào vận may của bạn.

( Còn tiếp.... )

Ryou (GameSao.vn)