Thời gian gần đây, cư dân mạng liên tục “chứng kiến” những hành động quái gở từ một số thanh niên “sống ảo".

{keywords}

Nhiều thanh niên tìm mọi cách được nổi tiếng trên thế giới ảo

Đơn cử gần nhất, việc trang cá nhân có tên N.T đổ xăng lên người “tự thiêu” để đổi lấy bức ảnh được 40 nghìn lượt thích (like) hay tài khoản H.C.C cho phân lên đầu khi “status” được 30 nghìn like và 20 nghìn lượt chia sẻ (share)…

Và từ đó nhiều bạn trẻ liên tục "ra giá" số like, share cần để đăng những bức ảnh hoặc video có nội dung gây sốc, phản cảm…

Thạc sĩ tâm lý Trần Thị Thu Vân - Phòng khám tâm lý Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho hay, khi tham gia vào mạng xã hội (Facebook) việc đăng trạng thái (status) thể hiện nhu cầu đầu tiên là người đó muốn thể hiện mình, tiếp đó muốn được nhiều người biết đến, được ghi nhận...thỏa mãn một số nhu cầu về mặt tâm lý như khẳng định bản thân, xây dựng hình ảnh cho mình.

Các bạn trẻ đang ở giai đoạn không phải trẻ con nhưng cũng chưa hẳn là người trưởng thành nên nhu cầu được nhiều người biết tới mình, được ủng hộ, chia sẻ, cổ vũ là rất lớn.

"Đó có thể là một trong những lý do khiến các bạn ấy có những bất thường trong việc đăng status câu like, share như gần đây" – bà Vân nhận định.

Theo bà Vân, việc có những hành động “khác người” là dấu hiệu đầu tiên thể hiện sự bất ổn về tâm lý, hay nặng hơn là rối loạn hành vi (có những hành vi bất thường chống lại nguyên tắc chung, trái với luân thường đạo lý chung trong xã hội).

Tuy nhiên, sự bất ổn tâm lý còn dựa vào nhiều yếu tố khác, không nên khẳng định khi chưa tiếp xúc với từng người cụ thể.

Bà Vân khẳng định, chọn cách “nổi tiếng” bằng những hành vi bất thường, quái dị sẽ có những ảnh hưởng tới tâm lý của bạn trẻ đó khi trưởng thành.

Ngoài ra, sau khi đưa ra thách thức bằng những “status”, giai đoạn chờ đợi được bao nhiêu “like” cũng tạo nên sự hưng phấn, kèm theo là những “comment” ủng hộ kiểu kích động, cổ vũ…như tác động vào “máu anh hùng” của các bạn trẻ, từ đó dẫn tới những hành động bất chấp tất cả.

{keywords}

Tâm lý của các bạn trẻ dễ bị ảnh hưởng bằng những việc “quái gở”.

Mới đầu, những ảnh hưởng, tác động tới tâm lý của bạn trẻ đó có vẻ tích cực, nhưng về lâu dài “có thể gây nghiện”. Nghiên cứu khoa học cho thấy, nghiện Facebook có tác hại không khác gì thuốc lá hay các chất gây nghiện khác – bà Vân cho hay.

Việc các bạn trẻ mải mê với những cái “like, comment” cũng khiến tương tác với người xung quanh bị giảm. Có thể là mất ngủ, kém học, sao nhãng hoạt động đời thực, nguy cơ trầm cảm rất cao.

Nữ thạc sĩ tâm lý nhận định, các bạn trẻ cần sự định hướng, dìu dắt, hỗ trợ của người lớn, người có trách nhiệm (gia đình, nhà trường, xã hội) nên khi họ có bất kỳ hành vi bất thường, cần xem xét đến bối cảnh sống và các yếu tố liên quan. Chứ không nên cứ nhắm vào hành vi đó để lên án.

"Các bạn trẻ đang sống trong giai đoạn thanh xuân, tràn trề nhựa sống của cuộc đời, có những việc hấp dẫn, có ý nghĩa, hơn hẳn sự chờ đợi những cái “like, comment” trên mạng xã hội. Không nhất thiết là rời xa mạng xã hội nhưng đừng để nó ảnh hưởng tới cuộc sống của bạn" - Thạc sĩ tâm lý chia sẻ.

Còn đối với cộng đồng mạng khi ủng hộ những việc làm “khác người” này, theo bà Vân, do xuất phất từ tâm lý đám đông, a dua, kích động và cũng có thể là tò mò (góp 1 like để xem có được chứng kiến hành vi đó hay không?...).

Tuy nhiên, mọi người cần xem xét kỹ trước khi ủng hộ cho việc làm nào đó thông qua sự thách thức số like, comment.

Bởi những suy nghĩ tưởng chừng như vô hại đấy, lại dẫn tới những hành động dại dột, có thể ảnh hưởng tới đời sống, thậm chí là tính mạng của người thực hiện.

Văn Đức