Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị kiểm tra, rà soát, đánh giá an toàn nhà ở và công trình công cộng cũ, nguy hiểm tại các đô thị trên cả nước. Trong đó, các chung cư cũ xây dựng từ trước năm 1994 sẽ nằm trong diện theo dõi đặc biệt.
Theo Phòng Phát triển nhà - Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, toàn thành phố có khoảng 1.516 chung cư cũ với quy mô từ 2-5 tầng, chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối những năm 1980, ngoài ra còn một số nhà được xây dựng từ trước năm 1954.
Riêng 4 quận nội thành cũ có 935 nhà chung cư cũ, còn lại phân bố rải rác 8 quận còn lại và các huyện Đông Anh, Gia Lâm. Trong tổng số quỹ nhà chung cư nói trên có 273 nhà lắp ghép tấm lớn, 856 nhà xây gạch, 193 nhà khung bêtông cốt thép, còn lại các kết cấu khác.
Vậy tại sao những chung cư cũ này vẫn tiếp tục tồn tại mặc dù chứng kiến những hình ảnh này người xem không khỏi bàng hoàng, lo sợ về độ an toàn, khả năng sụp đổ của tòa nhà bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên đã hơn 10 năm kể từ khi nghị quyết cải tạo chung cư cũ được ban hành đến nay mới chỉ có khoảng 14 chung cư cũ được cải tạo, sửa chữa, con số chiếm chưa đến 1% trong tổng số chung cư cũ.
XEM CLIP:
Khảo sát 1 loạt các chung cư cũ không khó bắt gặp những hình ảnh kinh khủng như thế này. Lở loét, gạch vữa rơi rụng, những khe hở rộng cả chục centimet kéo dài dọc theo cầu thang, những căn nhà thậm chí còn phải sử dụng tới cả những khung sắt có tuổi thọ xấp xỉ tới 20 năm. Khoảng cách giữa các tòa nhà cách xa nhau đến mức người lớn cũng chui lọt.
Nguy hiểm rình rập bất cứ lúc nào nhưng dường như có điều khá bất ngờ và lạ là người dân lại chẳng muốn dời đi để xây dựng và cải tạo lại.
Nhiều người lo sợ chẳng hiểu sửa chữa xong họ còn có thể quay lại sinh sống không hay như tòa C1 tập thể Thành Công đã 8 năm trời kể từ ngày giải phóng mặt bằng vẫn ngổn ngang gạch đá.
Vấn đề là tại sao chứng kiến những hình ảnh này, những nỗi lo sợ của người dân mà các ban ngành lãnh đạo vẫn giậm chân tại chỗ, vẫn “ì ạch” trong công tác cải tạo, sửa chữa những tòa nhà mà theo nhiều người dân chỉ cần “rung” một cái là sẵn sàng đổ sập ngay lập tức. Vì sao sau hàng chục năm trôi qua, các dự án cải tạo chung cư cũ nát vẫn “án binh bất động”?
Đến bao giờ tại những nơi nguy hiểm này mới là những tòa nhà chung cư mới, chắc chắn hơn, an toàn hơn, đem lại sự yên tâm cho người dân. Giải pháp nào để tháo gỡ những khó khăn cho người dân nơi đây?
Vấn đề là vậy, nhưng lối thoát nào cho việc cải tạo chung cư cũ hiện nay có lẽ vẫn là bài toán khó giải cho các cấp lãnh đạo, các ban ngành chính quyền mà theo nhiều người nhận định việc này khó “như húc đầu vào đá”.
Minh Cường- Đức Yên