- Để có thể nói tiếng Anh chuẩn như người bản ngữ thì nên học càng sớm càng tốt - với những người còn trẻ; và với người trưởng thành thì thực hành là con đường duy nhất.

BÀI 1: Khi người Việt ngọng Anh văn

  
Tìm hiểu thông tin du học. Ảnh: Lê Anh Dũng
Sớm lúc nào, hay lúc đấy


Quan điểm về thời điểm trẻ nên bắt đầu học ngoại ngữ rất khác nhau. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng trẻ nên học càng sớm thì càng tốt. Việc "khởi động" sớm này giúp trẻ có khả năng phát âm chuẩn hơn.

Cô Chloe Close - Giám đốc Đào tạo của Apollo English - cho rằng học ngoại ngữ càng sớm thì càng tốt, nếu một đứa trẻ bắt đầu học tiếng Anh cùng lúc với tiếng mẹ đẻ thì chúng sẽ nói thông thạo hơn khi trưởng thành.

"Từ 4 tuổi, trẻ có thể có một thởi đầu tốt cho việc học tiếng Anh" - cô Chloe nhận định.

Còn theo cô Phương Dung (Thanh Xuân, Hà Nội), trẻ nên bắt đầu học ngoại ngữ tốt nhất là khi dưới 8 tuổi, hoặc khi vào lớp 1. Nếu học sớm quá thì có thể sẽ bị lẫn vào tiếng Việt.

Cô Nguyễn Bội Quỳnh - Hiệu phó trường THPT Việt Đức cũng chung quan điểm trên.

"Ở độ tuổi học sinh lớp 1, các em cũng chỉ học nói và phản xạ giao tiếp, chứ không viết được, vì chỉ riêng việc học viết tiếng Việt đã rất khó, rất dễ lẫn chữ cái" - cô Quỳnh cho biết.

Việc học càng sớm càng tốt ngoại ngữ, sẽ giúp cho người học có nhiều thời gian để học hơn, và do đó, cũng sẽ đọc thông viết thạo hơn là những người học muộn hơn.  

Trường Quốc tế Frankfurt (Đức) dẫn ra một số nghiên cứu, trong đó, có nhiều chuyên gia khuyến khích việc dạy trẻ học nói ngôn ngữ thứ hai từ khi... 6 tháng tuổi. Họ cho rằng thời điểm 6 tháng tuổi là lúc mà trẻ có xu hướng lắng nghe (hóng chuyện) và bắt chước theo giọng nói.  

Trong khi nghiên cứu này cho rằng trẻ bắt đầu học một ngôn ngữ trước 5 tuổi thường có khả năng phát âm của người bản địa – một số nghiên cứu khác lại đẩy độ tuổi này lên thời kỳ thiếu niên.  

Tuy nhiên, anh chàng "Dâu Tây" Joe Ruelle cũng dẫn ra một số nghiên cứu mà mình biết: dựa trên sự phát triển của bộ não, các chuyên gia cho rằng sau 12 tuổi thì bộ não bắt đầu cứng lại.  

Do đó, việc học một ngôn ngữ sau thời kỳ này trở nên khó hơn, bởi những thay đổi về mặt tự nhiên xuất hiện trong não trong giai đoạn dậy thì (giữa bán cầu não trái và phải ít có sự giao tiếp hơn).

Cô Phương Dung dẫn ra một nghiên cứu khác về độ thích nghi của trẻ đối với ngoại ngữ. Theo đó, một trẻ sang Mỹ từ lúc mới đẻ, hoặc trong độ tuổi từ 3 - 8 thì sẽ hoàn toàn là người Mỹ về mặt tư duy ngôn ngữ.

Một trẻ khác từ 8 tới 15 tuổi mới sang Mỹ thì cách hành văn không được bằng trẻ em bản xứ, mặc dù cách nói có thể không khác biệt.

Còn với trẻ sau 17 tuổi trở lên mới sang Mỹ - không phân biệt là đã sang bao lâu và lúc nào - đều là người "ngoại quốc".

Thành công = Thời gian + Mồ hôi

Có nhiều người cho rằng trẻ nhỏ là những người có khả năng học ngoại ngữ tốt nhất bởi vì trẻ em có khả năng phát âm tốt hơn người lớn.

Quan sát từ các học sinh của mình trong độ tuổi từ 3 tới 60, cô Chloe thấy trẻ em học tiếng Anh nhanh hơn so với người lớn.

"Đối với trẻ con thì việc phát âm các từ mới dễ dàng hơn rất nhiều. Họ có thể phát âm chuẩn. Họ cũng có trí nhớ rất tốt, điều này giúp họ mở rộng vốn từ.

Người lớn không có thói quen phát âm nhiều. Họ có thể cảm thấy không tự nhiên và đôi khi họ không thoát khỏi cảm giác đó. Nếu họ không thể thoát khỏi sự ức chế này thì họ sẽ chẳng thể phát âm chuẩn các từ" " - cô Chloe nhận xét.

Cô Bội Quỳnh phân tích nguyên nhân khiến người lớn học tiếng Anh thì khó hơn so với trẻ nhỏ là vì âm bị cứng, lưỡi khó nói.

"Khi bạn không nói được thì rất khó để nghe, vì lúc đó nghe không chuẩn. Kỹ năng nghe và nói vốn đi liền với nhau. Với người lớn thì có những hạn chế trong việc học nghe và nói" - cô Quỳnh nói.

Nhưng, nhiều nghiên cứu cũng cho thấy thanh niên và người lớn mới học ngoại ngữ giỏi hơn, trừ việc phát âm.

Điều này là bởi người lớn đã biết cách diễn đạt bằng thứ ngôn ngữ đầu tiên, và họ có thể sử dụng một phần kiến thức của mình về ngôn ngữ đó để học ngôn ngữ thứ hai.

"Việc học ngôn ngữ chỉ là thời gian và mồ hôi thôi. Mình phải chấp nhận mình sẽ vất vả, sẽ chán, đau đầu, mất thời gian, phải tốn nhiều công sức, và sự tiến bộ có thể chậm hơn mình mong muốn. Nếu mình chấp nhận việc đó thì có thể thực sự bắt đầu việc học một ngôn ngữ.  

Người Việt Nam thì được cái là khá nhiệt tình, không sợ sai như người Nhật, bởi vì đó cũng là một sự tập luyện, một kiểu chia sẻ. Đây cũng là một lợi thế của văn hóa Việt Nam" - Joe Ruelle chia sẻ, dựa trên những gì anh rút ra được trong quá trình học tiếng Việt của mình.

Để có thể nói chuẩn tiếng Anh, cô Bội Quỳnh cho rằng học sinh có thể tự học, kiểm tra lại cách đọc qua từ điển sao cho chính xác.

Còn cô Chloe Close chia sẻ: "Chẳng có một mẹo nào cả, chỉ đơn giản là thực hành. Bạn càng học hăng say thì bạn càng phát âm tốt hơn. Kỹ năng nghe đặc biệt quan trọng để có thể cải thiện phát âm, nó cũng có lợi cho ngữ pháp và vốn từ của bạn".
  • Thu Lượng