- Hạn đăng ký giữ quốc tịch của kiều bào theo luật Quốc tịch cận kề nhưng số kiều bào giữ quốc tịch mới chỉ vài nghìn người. Chủ nhiệm UB Đối ngoại QH Trần Văn Hằng kiến nghị sửa quy định của luật.
Ý kiến được ông Trần Văn Hằng nêu tại phiên họp chiều nay (11/3) của UBTVQH. Đây là lần thứ hai trong phiên họp ông Hằng đề cập việc này.
Kiều bào chụp ảnh cùng Chủ tịch nước tại chùa Trấn Quốc, Hà Nội tháng 1/2014. Ảnh: TTXVN |
Theo luật Quốc tịch năm 2008 và các văn bản hướng dẫn, người Việt Nam định cư ở nước ngoài không có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị và chưa mất quốc tịch Việt Nam trước ngày luật có hiệu lực (1/7/2009) thì phải đăng ký giữ quốc tịch tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong thời hạn 5 năm (1/7/2009-1/7/2014).
Trong 5 năm này, họ phải đến đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước nơi người đó định cư để giữ quốc tịch Việt Nam, nếu không đăng ký thì sẽ mất quốc tịch sau ngày 1/7/2014.
Ông Hằng phản ánh, dù sắp cận hạn cuối nhưng số kiều bào đăng ký giữ quốc tịch mới chỉ có vài nghìn người.
Chủ nhiệm UB Đối ngoại kiến nghị xem xét lại quy định của luật, có thể điều chỉnh hạn định đăng ký. Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đồng tình cho hay đây là vấn đề đã thấy rõ, UB Đối ngoại và UB Tư pháp cần làm việc với Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp để xem xét.
Theo chương trình dự kiến của kỳ họp QH sắp tới, luật Quốc tịch không nằm trong nhóm luật QH sửa đổi, bổ sung.
Tuy nhiên Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng các cơ quan của QH có thể làm việc với các bộ ngành liên quan để xem xét, qua đó có thể điều chỉnh chương trình.
Quy định đăng ký giữ quốc tịch là chế định mới, quan trọng, với mong muốn làm rõ tình trạng quốc tịch của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về quốc tịch và bảo hộ công dân.
Theo tìm hiểu của phóng viên, để đăng ký giữ quốc tịch, người đề nghị nộp tờ khai, giấy tờ tùy thân và giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam là được cấp giấy xác nhận đã đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam. Trường hợp không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam vẫn được cấp giấy xác nhận này nhưng cần khai lý lịch làm cơ sở cho các cơ quan chức năng trong nước xác minh quốc tịch và ghi vào sổ đăng ký.
Cho tới nay mới có hơn 4.000 người đăng ký giữ quốc tịch, chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số 4,5 triệu người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
L.Thư