Chiều ngày 31/7/2020, ông Trần Việt Trường - biệt danh Trường phủ (ngụ huyện Vụ Bản, Nam Định) - người được mệnh danh là "vua Mẫu đơn đất Bắc" bày tỏ nhiều sự lo lắng với Đất Việt về cơn sốt lan Phi điệp đột biến trong thời gian qua có thể tác động không nhỏ đến nền kinh tế và hạnh phúc trong nhiều gia đình.
"Có thể lan Phi điệp đột biến bây giờ đang được nhiều người quan tâm, trở thành một món hàng nóng trên thị trường, đem lại lợi nhuận kinh tế cao cho một số người. Nhưng có thể một thời gian sau đó sẽ để lại nhiều hệ lụy khi mà có biểu hiện của nhóm thao túng, thổi giá lan lên cao để tạo cơn sốt bong bóng trên thị trường" - nghệ nhân Trường phủ chia sẻ.
Nghệ nhân Trường phủ bày tỏ sự lo lắng về cơn sốt lan Phi điệp đột biến. |
Nghệ nhân Trường phủ cho biết: "Chiêu trò của nhóm thổi giá lan rất tinh vi, có biểu hiện gần giống như đa cấp khi chính những người anh em trong gia đình mua đi bán lại với nhau, giới thiệu cho nhau về những chậu lan tiền tỷ để kiếm lời.
Ban đầu chỉ là được người thân rủ đi chơi cùng, tham gia, chứng kiến vào những cuộc mua bán lan. Dù nghe cảnh báo, họ như bị uống thuốc "lú", chạy theo lan đột biến một cách u mê".
Xung quanh khu vực nghệ nhân Trường phủ sinh sống cũng có nhiều trường hợp, bán nhà cửa, vay ngân hàng, thậm chí là vay tín dụng đen để đầu tư vào lan đột biến. Ban đầu, lợi nhuận rất lớn, một chậu lan được quảng cáo là đột biến khi mua về, chỉ sau một đêm đã lãi cả trăm triệu đồng.
Nhưng trải qua vài tháng, sau khi ôm về hàng mấy tỷ đồng tiền lan đột biến thì giờ lại không bán được cho ai, người tìm đến mua cũng ít hẳn.
"Họ đã lờ mờ hiểu ra về giá trị thực của lan đột biến, hiểu được vì sao ban đầu bán dễ thế, lợi nhuận cao thế còn bây giờ thì... Tính đến thời điểm hiện tại, cả tỷ đồng dồn vào mua lan mà không bán được. Mà số tiền đó đâu phải là tiền túi bỏ ra, toàn tiền vay mượn từ người thân và tín dụng đen" - nghệ nhân Trường phủ bày tỏ.
Nghệ nhân Trường phủ cho biết, bài học cay đắng về cây lan đã được cảnh báo từ trước, một nghệ nhân nổi tiếng về lan ở Ninh Bình giai đoạn những năm 2000 cũng đã phải ngậm ngùi cay đắng bởi loại cây này.
"Thời điểm trước năm 2000, khi thị trường sốt bởi cây lan Đai châu. Nghệ nhân này ở Ninh Bình đã ôm hàng tỷ đồng để sở hữu vườn lan Đai châu trong nhà nhưng, chỉ thời gian ngắn sau đó thì lan Đai châu bị sập.
Vì sao những người chơi cây lâu năm không bao giờ chơi lan? Bởi, cây lan thường hay bị bệnh đạo ôn khô văn... bên trên lá cây xuất hiện những đốm bệnh, cây vẫn tươi nhưng khi nhấc cây lên thì chỉ có mỗi thân không mà không thấy rễ đâu.
Cây lan dễ trồng nên thị trường nhanh đạt điểm bão hòa, nhà nào cũng có một vài cây lan trong nhà thì không còn ai mua nữa, đó chưa kể là chiêu trò thổi giá của một nhóm người họ rút khiến thị trường lan điêu đứng.
Chơi lan là một nét đẹp nhưng đừng biến lan thành công cụ, chiêu trò thổi giá. Hãy để việc chơi lan là thú chơi đẹp, vì đam mê chứ không phải là lợi nhuận mà dẫn tới các hành vi lừa đảo" - nghệ nhân Trường phủ cho hay.
Theo tìm hiểu từ một người đầu tư vào lan ở TP. Việt Trì, Phú Thọ. Nhân vật này xin được giấu tên vì sự lo lắng có thể khi tiết lộ danh tính thì nguy cơ mất trắng khoảng 30 tỷ đồng tiền đâu tư vào lan rất cao.
Thời gian qua nhiều cuộc giao dịch lan Phi điệp đột biến với giá trị tiền tỷ được cho là bất thường. |
"Cũng là người đam mê cây cảnh, thấy lợi nhuận của lan Phi điệp đột biến quá cao chỉ trong thời gian ngắn mà tôi mê muội, vay tiền đầu tư làm vườn lan, mua về những cây mặt hoa nổi tiếng như 5 cánh trắng Phú Thọ, 5 cánh trắng Hà Tĩnh, Bạch Tuyết, Hiển Oanh, Di linh... Ban đầu đúng là giá trị lợi nhuận có thật, các cuộc mua - bán diễn ra nhiều. Chính những người bán lan cho tôi hôm trước, hôm sau còn giới thiệu khách hàng sẵn sàng trả số tiền cao hơn để sở hữu lại giò lan đó.
Tuy nhiên, sau nhiều lần như thế, đến giờ nhóm bán lan cho tôi lặn mất tăm, người mua lan cũng lác đác tìm đến hỏi mua nhưng họ trả giá rất thấp. Bán thì mình chịu lỗ, không bán thì không thu hồi được vốn" - vị này cho biết.
Theo vị này, trong số tiền gần 30 tỷ đồng đầu tư vào lan đột biến cho tới thời điểm hiện tại thì có tới 30% là tiền "vay nóng" từ tín dụng đen. Với áp lực lãi ngày từ tiền vay tín dụng đen, người này đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ.
"Giá trị vườn lan đột biến mua về gần 30 tỷ đồng nhưng giờ bán giỏi lắm cũng chỉ được khoảng một nửa. Cũng chỉ đủ trả tiền vay tín dụng đen còn tiền vốn mình bỏ ra thì mất trắng" - vị này chua chát nói.
(Theo Đất Việt)