Làng rau Trà Quế ở xã Cẩm Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam được hình thành đầu tiên vào khoảng thế kỷ thứ XVI từ những cư dân ở phía Bắc của Đại Việt di cư đến khai hoang lập làng.
Trải qua quá trình tụ cư sinh sống bằng nghề nông nghiệp, cư dân nơi đây đã vận dụng những thuận lợi về tự nhiên, đất đai để khai sinh nghề trồng rau nổi tiếng ở thương cảng Hội An xưa.
Trải qua hơn 400 trăm năm, nghề trồng rau Trà Quế đã bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa; từ nghề trồng rau đã hình thành nguồn tri thức dân gian bản địa rất đa dạng và độc đáo, những di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến trồng rau.
Đặc biệt là kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc và những phong tục, tập quán xã hội, tín ngưỡng, lễ hội liên quan đến nghề nghiệp đã được cộng đồng nhân dân thường xuyên thực hành, trao truyền.
Hiện nay, nghề trồng rau Trà Quế đang được cộng đồng xã hội quan tâm, là điểm đến du lịch thân thiện nổi tiếng ở thành phố Hội An. Nghề trồng rau Trà Quế còn góp phần phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Với những giá trị nổi bật nêu trên, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Hội An tổ chức điều tra, xây dựng hồ sơ khoa học Di sản văn hóa phi vật thể: "Nghề trồng rau Trà Quế, xã Cẩm Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam".
Tháng 4/2021, hồ sơ khoa học Di sản văn hóa phi vật thể nêu trên đã hoàn thành theo đúng quy định và đã được UBND tỉnh Quảng Nam trình Bộ VH-TT&DL xem xét, quyết định.
Ngày 4/4, Bộ VH-TT&DL đã quyết định đưa "Nghề trồng rau Trà Quế, xã Cẩm Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam" vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống.
(Theo Dân trí)
Trồng sâm dễ như trồng khoai, lãi gấp hàng chục lần
Mảnh ruộng trồng rau không hiệu quả, chị Linh (Trà Vinh) đánh liều chuyển sang trồng sâm, không ngờ chỉ hái lá bán mỗi tháng đút túi hơn chục triệu đồng, cuối năm còn thu tiền khủng.