“Những đất nước tụt hậu và hỗn loạn trước hết cần lãnh đạo mạnh. Ataturk ở Thổ Nhĩ Kỳ, Lý Quang Diệu ở Singapore, Đặng Tiểu Bình ở Trung Quốc đại lục, và Park Chung Hee ở Hàn Quốc là những nhà độc tài cải tổ đất nước thành công”.

Tuần Việt Nam giới thiệu cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Cảnh Bình, CTHĐQT Alphabooks, một nhà nghiên cứu về các vấn đề kiến thiết quốc gia.

Theo ông, lịch sử đã chứng kiến những quá trình kiến thiết quốc gia nào ấn tượng?

Trong số nhiều nhà lãnh đạo quốc gia kiệt xuất của thế kỷ 20, chỉ bốn người khi thừa hưởng đất nước trong tình trạng hỗn loạn khủng khiếp đã hiện đại hóa đất nước của họ bằng cách xây dựng hệ thống mới và bắt đầu tăng trưởng rất nhanh, khiến các quá trình chuyển đổi tiếp tục sau thời của họ: Ataturk ở Thổ Nhĩ Kỳ, Lý Quang Diệu ở Singapore, Đặng Tiểu Bình ở Trung Quốc đại lục, và Park Chung Hee ở Hàn Quốc.

Nhật Bản, Đài Loan, và Hồng Kông trải qua những thay đổi hệ thống lớn lao và tăng trưởng rất nhanh, nhưng ở những xã hội này vị thế dẫn dắt những thay đổi căn bản đến từ những thế lực bên ngoài hùng mạnh kiểm soát sự phát triển trong nước: ở Nhật, từ Tổ chức Chiếm đóng Đồng minh; ở Hồng Kông, từ chính quyền thực dân Anh; và ở Đài Loan, từ quân đội Quốc Dân Đảng mới đến. Không quốc gia nào có những thay đổi căn bản được tạo ra từ bên trong và đạt được tăng trưởng nhanh kéo dài mà không có một lãnh đạo mạnh dẫn đường.

{keywords}
Ông Nguyễn Cảnh Bình. Ảnh: careerbuider.vn

Ông nhấn mạnh tới các nhà lãnh đạo thay vì thể chế, tại sao?

Những đất nước tụt hậu và hỗn loạn trước hết cần lãnh đạo mạnh. Ataturk, Lý, Đặng, và Park tất cả đều từ những đất nước tụt hậu xa so với phương Tây công nghiệp. Cả bốn đều có tinh thần yêu nước sâu sắc, một khát vọng chấm dứt sự thống trị của các cường quốc phương Tây mà họ cho là gây tổn hại đến lợi ích của nhân dân và không cho đất nước họ mạnh lên.

Thổ Nhĩ Kỳ sau Chiến tranh Thế giới Thứ nhất là một đất nước chiến bại, mất tinh thần đối mặt với nguy cơ bị phân chia bởi các cường quốc Đồng minh. Lý đứng đầu một quốc gia nhỏ bé đang đấu tranh để tự bảo vệ mình khỏi các cuộc lật đổ mà không có sự trợ giúp từ bên ngoài. Đặng trở thành lãnh đạo tối cao ở Trung Quốc sau khi đất nước này bị hủy hoại bởi 10 năm Cách mạng Văn hóa.

Park trở thành lãnh đạo một đất nước bị chia cắt, vẫn còn chưa hồi phục từ cuộc nội chiến, phải chịu mối đe dọa từ một Triều Tiên hung hăng. Bốn lãnh đạo này tin rằng với những điều kiện họ đang đối mặt, các cấu trúc và hoạt động thực hành dân chủ của các xã hội phương Tây công nghiệp không thể duy trì đất nước họ, chưa nói gì đến việc thúc đẩy nước họ trở nên hùng mạnh và thịnh vượng.

Cả bốn đều được tôi luyện từ đấu tranh, đều chấp nhận hệ thống thứ bậc cùng tính kỷ luật họ học được từ những mâu thuẫn họ trải qua trước khi nắm quyền. Ataturk và Park là những quân nhân chuyên nghiệp, còn Đặng đã trải qua 12 năm trong quân đội ban đầu chiến đấu chống Nhật và sau đó chống Quốc Dân Đảng. Lý không phải là quân nhân nhưng ông đã dẫn dắt đồng bào Singapore của mình trong các cuộc đấu tranh chính trị nguy hiểm.

Như vậy, vai trò của các giá trị Phương Tây không có tác dụng trong việc kiến thiết các quốc gia đi lên từ nghèo khổ?

Không phải như vậy.

Mặc dù không chấp nhận các cường quốc công nghiệp thống trị đất nước của họ nhưng khi còn trẻ bốn người đều tiếp thu những hiểu biết sâu sắc về các đế quốc phương Tây và sẵn sàng tận dụng những gì họ học được từ các nước này để hiện đại hóa. Họ có thể tách riêng cuộc chiến chống lại đế quốc khỏi kiến thức và các cấu trúc của những đế quốc này, đó vốn là những yếu tố họ sẵn sàng áp dụng một cách toàn diện.

Cả bốn đều có sự am tường lịch sử, hiểu rõ về các cường quốc và cách thức mà các cường quốc đó ảnh hưởng lên an ninh và sự phát triển của các quốc gia yếu hơn. Các quốc gia phương Tây đã dựng nên các thể chế và trải qua hiện đại hóa trong một thời gian dài, nhưng những quốc gia công nghiệp hóa sau này, nhờ việc vay mượn công nghệ và thể chế do chính phủ lãnh đạo, đã có thể hiện đại hóa với một tốc độ nhanh hơn nhiều so với các quốc gia công nghiệp hóa ban đầu.

Không một lãnh đạo nào trong số bốn người này là kinh tế gia hay doanh nhân, nhưng mỗi người đều sẵn sàng tìm kiếm lời khuyên và hợp tác với người khác, kể cả người nước ngoài, những người biết cách làm cho nền kinh tế vận động và phát triển. Họ học hỏi về công nghệ và kinh tế từ phương Tây, chứ không phải mô hình chính trị.

>> Kỳ 2: Thoát bẫy ý thức hệ

Minh Tiến