Ngôi nhà của dị nhân này đã được xây liên tục suốt 35 năm mà chưa hoàn thiện và không giống bất cứ căn nhà nào khác.

Căn nhà kỳ dị

Con đường tỉnh lộ ĐT 610 là con đường độc đạo nối thị trấn Nam Phước (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) đến khu di tích lịch sử Thánh địa Mỹ Sơn. Hai bên đường, nhà dân được xây dựng khang trang, san sát nhau chẳng kém thành phố là bao.

Khách ngồi xe đang mải mê ngắm cảnh bên đường ít nhiều giật mình khi chen giữa những ngôi nhà đẹp đẽ là một ngôi nhà vô cùng kỳ dị.

Mặt tiền căn nhà được cho thuê để mở một cửa hàng kinh doanh như bao căn nhà khác. Tuy nhiên, ở phía sau là cả một công trình với kiến trúc không giống ai.

{keywords}

Ngôi nhà với kiến trúc không giống ai (giữa) nằm cạnh những ngôi nhà khang trang khác

Căn nhà 2 tầng không được sơn quét, không có mái che. Bê tông được tô trét một cách cẩu thả, lồi lõm. Gạch xây nhà không có viên nào giống nhau. Có viên thì nguyên vẹn, viên khác lại bị vỡ đôi hoặc mất một phần.

Mấy thanh sắt từ bê tông chĩa ra bên ngoài. Cốt bê tông ngoài sắt còn có gỗ hoặc một vài thanh tre.

Đó là ngôi nhà của ông Huỳnh Hộ, người dân còn gọi với cái tên ông Hai Hộ (66 tuổi, trú tại thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam).

Nhiều người hàng xóm của ông Hộ không biết căn nhà này được xây dựng từ bao giờ. Họ chỉ biết rằng, khi mua đất cất nhà ở đây thì đã thấy căn nhà đã tồn tại. Họ càng ngạc nhiên hơn nữa khi hàng tuần, chủ nhân căn nhà lại tiếp tục mua xi măng về trộn vôi vữa để... xây thêm.

{keywords}

Căn nhà dị thường của dị nhân xứ Quảng

{keywords}

Một góc của căn nhà nhìn từ phía sau

"Vợ chồng tôi ở nơi khác đến mua đất xây nhà để kinh doanh trên mặt tiền đường ĐT 610. Khi đến mua đất thấy căn nhà của ông Hai Hộ có vẻ kỳ quái nên vợ chồng tôi cũng hơi ái ngại, đắn đo.

Nói thật, vợ chồng tôi chưa bao giờ thấy căn nhà nào có kiến trúc lạ lùng như vậy cả. Sau này tiếp xúc với ông Hai Hộ, thấy ông hiền lành, thông minh chứ không hề là dị nhân nên cũng yên tâm.

Tuy nhiên, dù là hàng xóm ngay cạnh nhau suốt 7 năm trời nhưng vợ chồng tôi cũng không dám bước chân vào căn nhà đó. Chúng tôi sợ nó có thể sập vì ông Hai Hộ kể đã xây suốt 36 năm mà chưa xong, lại có phần lỗi lõm không chắc chắn", anh Nguyễn Dưỡng, hàng xóm ông Hộ kể.

Ông Nguyễn Thái, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng lớn nhất nhì thị trấn Nam Phước mỉm cười khó hiểu khi nói về căn nhà kỳ dị của ông Hai Hộ. Mất mãi một lúc lâu, ông Thái mới bật mí toàn bộ xi măng mà "lão dị nhân" này xây nhà đều mua từ cửa hàng của ông.

{keywords}

Căn nhà được xây dựng không theo một khuôn mẫu nào

"Những bao xi măng đầu tiên ông ấy mua là từ năm 1980. Tôi bán hàng thì cũng tưởng ông ấy về xây nhà như bình thường thôi, chứ không hề nghĩ là sẽ kéo dài và xây với cách lạ như vậy.

Hồi ông ấy bắt đầu xây nhà, tôi chỉ kinh doanh vật liệu rất nhỏ lẻ với vài bao xi măng, vài thanh thép xây dựng. Đến bây giờ tôi đã có 2 cửa hàng lớn mà nhà ông ấy vẫn chưa xây xong.

Giờ này ông ấy "đi làm việc" rồi, phải đến trưa mới về nhà", ông Thái cho hay.

Đúng như lời ông Thái nói, hơn 12 giờ trưa, chủ nhân ngôi nhà mới kéo chiếc xe bò lững thững đi về nhà. Chiếc xe bò chất đầy ve chai mà ông thu được sau một buổi sáng vất vả làm việc.

Lau vội những giọt mồ hôi, ông Hộ đi thẳng vào nhà, căn nhà lúc này tối đen dù đang giữa trưa.

Bên trong, mùi ẩm mốc xông lên nồng nặc. Vài con chuột thấy sự xuất hiện của con người thì bỏ chạy tán loạn. Những vật dụng trong căn nhà nằm lung tung khắp nơi, không theo bất cứ một trật tự sắp xếp nào.

Ông Hộ nhanh tay bật chiếc công tắc điện. Chiếc bóng đèn chữ U nhỏ vụt sáng cung cấp chút ánh sáng ít ỏi cho căn nhà.

"Cẩn thận kẻo ngã", ông Hộ dặn.

Rồi ông nói: "Thấy vậy thôi chứ tôi quen rồi, có nhắm mắt cũng đi đúng hướng, không vấp ngã lần nào. Ai nói nhà tôi dị thường chứ tôi thấy bình thường. Tôi thích thế nào thì xây như thế đó".

Vật dụng quý giá nhất bên trong căn nhà "bình thường" của ông Hộ là một chiếc tivi đặt ở tầng 2. Đây cũng là nơi ông nghỉ ngơi vào mỗi tối hàng ngày. Chiếc giường ngủ được ông đặt ở tầng 1 đã cũ kỹ, cảm giác có thể sập bất cứ lúc nào như chính ngôi nhà ông đang ở.

{keywords}

{keywords}

{keywords}

Những vật dụng bên trong căn nhà vô cùng lộn xộn

Mấy cây cột nhà lồi lõm sắt đá. Ông Hộ che chắn nóc nhà bằng mấy thanh gỗ, bạt ni lông vì căn nhà vẫn xây chưa xong.

"Nhìn vậy thôi chứ nó chắc chắn lắm. Tôi tự tay xây căn nhà này mà, bê tông cũng tự mua xi măng về trộn vữa nên không có chuyện ăn bớt vật liệu đâu", ông Hộ khẳng định.

Lão chủ nhân... cổ quái

Ông Hộ ngồi đối diện chúng tôi, lấy ra một gói mỳ quảng ngồi ăn ngon lành. Ở tuổi 66, chủ nhân ngôi nhà dị thường tóc đã lốm đốm bạc ngả sang màu muối tiêu, nhưng vẫn còn tinh anh khỏe mạnh.

Ông khoe: "Tôi còn khỏe chán. Ngày nào tôi chẳng kéo chiếc xe bò đi khắp thị trấn này nhặt ve chai. Thu nhập cũng khá, có hôm được gần 100 ngàn.

Bà con người ta thương nên thường cho thức ăn chứ chẳng phải mất tiền mua. Tôi dành tiền, cuối tuần mua xi măng về xây nhà".

{keywords}

Ông Hộ hàng ngày đi nhặt rác bán lấy tiền để dành xây nhà

Ông thừa hưởng căn nhà này từ cha mẹ ruột. Năm 1980, những trận bão khiến căn nhà hư hỏng, xuống cấp nặng. Thấy vậy, ông bắt đầu xây dựng lại trong sự ủng hộ của gia đình, vợ con.

Tuy nhiên, ông làm tất cả mọi người choáng váng khi chẳng thuê thợ thầy xây nhà mà tự tay mình làm tất cả.

Vợ cùng 3 người con trai của ông ban đầu còn khuyên ngăn, nhưng rồi đành bất lực để mặc ông thực hiện theo ý thích. Họ chuyển ra ngoài sinh sống và bây giờ đều đã thành đạt, an cư ở TP Đà Nẵng. Hàng tuần, vợ con đều về thăm mong được đón cha về ở cùng nhưng ông nhất mực từ chối.

Nhắc chuyện về ở với vợ con, ông Hộ xua tay lia lịa: "Tụi nó muốn nhưng tôi chưa thích. Lúc nào không đi nổi hoặc làm xong nhà, tôi mới về ở với con".

Trò chuyện với chúng tôi, chỉ có chuyện xây nhà là ông hào hứng. Ông kể, trong lúc đi nhặt ve chai hàng ngày, ông còn tranh thủ lượm nhặt những viên gạch vỡ, đá xây dựng rơi vãi dọc đường rồi mang tất cả về nhà.

Cứ đến cuối tuần, ông ra bờ sông lấy cát rồi mua một ít thép, xi măng về nhà trộn vữa. Việc tô trét tường cũng được ông thực hiện hoàn toàn bằng tay chứ không dùng bất cứ công cụ hỗ trợ nào.

{keywords}

Nóc nhà nhìn từ dưới lên

Lão dị nhân cũng không ngần ngại thừa nhận nhiều vị trí do không có thép nên được thay thế bằng gỗ hoặc tre để tiết kiệm chi phí.

"Mấy chỗ tôi dùng cốt bằng tre đều ở nơi không quan trọng nên cứ bê tông tốt là được.

Già rồi, sức tôi cũng không còn được mấy nên chỉ mong xây xong nhà thôi", ông Hộ thổ lộ trong khi vẫn không biết được khi hoàn thành, căn nhà sẽ có hình dáng ra sao.

Nhiều người chuyên môi giới đất ở thị trấn Nam Phước cho hay, mảnh đất của ông Hộ trên đường ĐT 610 hiện đang rất có giá.

"Một số người biết ông ấy có con cái ngoài Đà Nẵng nên đã đến hỏi mua. Có người trả giá lên đến 4 tỉ đồng, thậm chí hơn. Tuy vậy, tôi cũng biết đời nào ông ấy chịu bán.

Chẳng biết ông ấy ra sao nữa, con cái giàu có mà không chịu hưởng, cứ thích mang cực nhọc vào thân. Thiệt là cổ quái", một người môi giới đất cho hay.

(Theo Trí thức trẻ)