- Là họa sĩ nổi tiếng nhưng đến nhà Nguyễn Thanh Bình lại chẳng thấy tranh đâu. Ấy vậy mà ông dành hẳn một tầng lầu chỉ để thỏa mãn đam mê mô hình tàu lửa của mình và ngày ngày lụi hụi làm sa bàn cho tàu chạy y như thật.
15 năm hoàn thiện một sa bàn
Họa sĩ Nguyễn Thanh Bình kể, ngày bé rất thích chui xuống gầm bàn làm việc của ông nội rồi tưởng tượng đó là chiếc xe hơi, ngồi lắc lư dưới đó và nghĩ là xe đang chạy trên đường xóc gồ ghề.
Hơn 60 năm sau, óc tưởng tượng vẫn như cũ, chỉ khác là ông đem nó thể hiện trên sa bàn, khiến chúng sinh động không khác gì cảnh thật.
Họa sĩ Nguyễn Thanh Bình (ngoài cùng bên phải). |
Hỏi ông sao không chơi món gì khác mà lại chơi mô hình, rồi lọ mọ làm sa bàn chi cho tốn tiền bạc, thời gian, công sức? Ông cười, trả lời tỉnh rụi: “Thích thì chơi, chẳng có lý do gì”.
Không thừa nhận mình là người lập dị, ông bảo chỉ khác người một chút thôi. Khi rỗi, ông chỉ muốn chìm đắm vào thế giới riêng của mình, uống coca và hút xì gà. Vẽ mệt thì ông chơi mô hình, chơi chán thì lại vẽ, cứ thế.
Tết người ta đi chơi, thăm viếng nhau, ông cũng chơi Tết nhưng chơi kiểu khác: leo trèo như khỉ hay chui rúc như chuột dưới gầm bàn để tạo hình cho sa bàn, mình trần lấm lem bụi bẩn.
Nói về thú chơi mô hình của mình, họa sĩ Nguyễn Thanh Bình cho biết, năm 1997, khi chuyện cơm áo gạo tiền không còn là nỗi lo thì ông mới bắt đầu nghĩ đến chuyện chơi.
Lần đó ông ở Mỹ vài tháng để tham gia một cuộc triển lãm tranh, gần nơi trọ có một cửa hàng nhỏ chuyên bán mô hình máy bay, tàu lửa. Thế là ngày nào ông cũng dành thời gian đến đây chơi, ngắm mấy mô hình mãi không biết chán.
Cửa hàng này còn trưng bày một sa bàn be bé cho tàu lửa chuyển động nhịp nhàng trên đấy khiến ông mê tít. Triển lãm tranh kết thúc, ông không quên mua về mấy mô hình đầu tàu, toa tàu, giá vài trăm đôla để chưng trong nhà.
Nhưng chơi mô hình tàu lửa mà tĩnh thế thì chán, phải làm sa bàn cho tàu chạy. Vậy là, ông dành thời gian lên mạng tìm hiểu, xem ở nước ngoài người ta chơi mô hình thế nào, cách làm sa bàn ra sao…
Rồi ông đặt mua nào sách, đầu, toa tàu, nhà ga, nhà kho, phụ kiện,… nghiên cứu, mày mò tự lắp ráp mô hình làm sa bàn, thiết lập hệ thống điều khiển dưới gầm bàn, dựng phong cảnh. Gặp chỗ “bí” thì lên mạng hỏi, tham khảo từ người chơi trước…
Ông tâm sự, số người chơi mô hình tàu lửa và làm sa bàn tại Việt Nam ngót nghét khoảng chừng 100 người, nhưng sa bàn của ông có thể nói thuộc hàng công phu nhất.
Một người làm sa bàn có thể chỉ mất chừng một năm, hoặc hơn chút để hoàn chỉnh, riêng ông phải đến 15 năm mới hoàn thiện một sa bàn mà ông ưng ý với chiều dài khoảng 9m, bề ngang 2,4m, đường ray hai tàu chạy cùng lúc, xung quanh bày đủ các chi tiết: nhà ga, nhà chờ, hành khách trên sân ga, cột đèn, xe ô tô, núi, sông, cây cối, cầu, hầm,...
“Tỉ mỉ làm đường ray cho tàu chạy đã đành, khâu thiết kế phong cảnh cho sa bàn mới mất thời gian lẫn công sức, hơn nhau ở chuyện làm phong cảnh này. Nguyên liệu tạo cảnh bán đầy trên mạng đấy, thích cái nào mua cái đó về dựng lên, chỉ mất chút thời gian lắp ráp dựa theo sách”, ông cho biết.
Nói thế, nhưng ông nào đơn giản chỉ làm vậy, vì nếu bê nguyên xi cái người bán mà gắn lên thì sa bàn trông giả lắm.
Thế nên, cũng mua về, nhưng dưới bàn tay và trí tưởng tượng của một họa sĩ, ông dùng kỹ thuật làm phong hóa cảnh đi. Chẳng hạn, cây xanh bằng nhựa khi mua về có màu xanh sáng quá, trông không giống thật. Vậy là ông làm cho nó phủ chút đất, rêu phong để ngả màu đi, y như thật.
Tẩn mẩn chăm chút từng món một, rảnh lúc nào làm lúc đó, rồi chuyển từ kỹ thuật điều khiển analog sang điều khiển digital, mãi cho đến khi hoàn thiện cũng mất đến 15 năm.
Và những lần khoan thủng tay, điện giật “tóe đom đóm”
Người đối diện dễ cảm nhận tâm hồn trẻ thơ trong con người lão họa sĩ tuổi ngoài 60 khi nghe ông nói về thú chơi của mình. Chính ông cũng thừa nhận chơi mô hình tàu lửa hợp với mình hơn, nhất là độ tuổi này không còn thích sự ồn ào, náo nhiệt bên ngoài.
Rảnh tý là ông lại chui gầm bàn, nối mạch điều khiển, sơn phết cầu, hàn cái này, khoan cái kia. Cả không gian rộng lớn trên tầng 2 của căn nhà bày la liệt đồ nghề, sách tham khảo.
Mô hình tàu lửa, xe hơi, máy bay được chưng khắp nơi. Chỉ tính riêng tàu lửa thôi cũng đã có hàng trăm cái. Đầu máy chạy bằng hơi nước, than, diezel cho đến các loại chạy bằng điện đều đặt mua từ Mỹ, đủ cả.
Chưa nói đến chuyện từ lúc bắt đầu chơi mô hình đến nay ông đã tiêu tốn gần nửa tỷ đồng, chỉ riêng chuyện mày mò lắp ráp thôi cũng phải trả giá ít nhiều.
Chuyện bị cắt đứt tay chảy máu hay phỏng mỏ hàn là thường xuyên, thỉnh thoảng còn bị điện giật “tóe đom đóm” mắt. Có lần còn bị té lăn quay trên cầu thang vì trèo lên sa bàn, mãi mê làm đến nỗi bước hụt chân. Thương tích, với ông nhiều không đếm hết.
Nhưng khi sa bàn đã thành hình, nhìn đầu tàu chuyển động kéo theo những toa khách, toa hàng phía sau, chạy xập xình trên đường ray, ngang qua những cánh đồng, dãy núi, cây cầu, khu liên hiệp hóa dầu… còi hú vang, khói tỏa từng đợt, ông sướng lắm.
Nhiều đêm, thức dậy lúc 1,2 giờ sáng, bật điều khiển khởi động cho tàu chạy trên sa bàn, đèn nhấp nháy lúc ẩn lúc hiện, một mình ông cứ thế ngồi chơi cho đến sáng.
Họa sĩ Nguyễn Thanh Bình bảo, ông sẽ chơi mô hình đến khi nào chết thì thôi, vì đam mê này không có điểm dừng. Năm ngoái, sa bàn của ông bị chuột cắn phá, ông quyết định dỡ bỏ làm lại một cái khác, nâng cấp hơn để cùng lúc được nhiều tàu chạy.
Thế là từ trước Tết, ông lại bận rộn cho sa bàn mới. Lần này, ông cho biết sẽ làm thật hơn nữa, từ đầu đến cuối. Cũng chưa biết khi nào sẽ xong, nhưng ông bảo ráng làm nhanh, có thể là cuối năm sẽ cơ bản hoàn thành vì từ khi dở cái cũ ra ông nhớ tiếng còi tàu quá.
Ngắm sa bàn của họa sĩ Nguyễn Thanh Bình:
Võ Quỳnh