Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, việc thành lập Tổng cực Quản lý thị trường giảm từ 40 đến 50% đầu mối chi cục và đội quản lý thị trường tại địa bàn cả nước đòi hỏi phải đổi mới hoạt động của lực lượng này.

Nâng cấp cục lên tổng cục, ra đời hàng chục cục quản lý thị trường liên tỉnh

Tại phiên chất vấn ngày 31/10, ĐB Lý Tiết Hạnh, Bình Định đề cập đến việc thành lập mới Tổng cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương để chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Theo bà Hạnh, trước đây, quản lý thị trường trên địa bàn, các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ đều có chi cục quản lý thị trường. Nay, theo mô hình tổ chức mới, các chi cục quản lý thị trường cấp tỉnh trước đây trở thành các cục quản lý thị trường trực thuộc tổng cục và đặc biệt ở một số khu vực, vài tỉnh mới có một cục quản lý thị trường.

 

{keywords}
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh

 

{keywords}
ĐB Lý Tiết Hạnh, Bình Định

“Vậy, tôi xin hỏi Bộ trưởng Bộ Công Thương là chính quyền địa phương có còn trách nhiệm trong quản lý thị trường trên địa bàn nữa hay không và nếu có thì lực lượng chuyên trách nào sẽ giúp cho chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ này?”, ĐB tỉnh Bình Định nhấn mạnh, bởi đặc thù của công tác quản lý thị trường là luôn gắn với địa bàn.

Bà Hạnh cũng băn khoăn: “Với mô hình tổ chức mới có khó khăn gì hay có ảnh hưởng gì đến hiệu quả công tác phối hợp xử lý hay không?”.

Yêu cầu thực tế đòi hỏi quản lý theo ngành dọc

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, mô hình tổ chức quản lý thị trường trước kia theo mô hình các chi cục ở các địa phương đã có những đóng góp to lớn. Cụ thể, theo cấu trúc ngang, lực lượng quản lý thị trường bao gồm 63 Chi cục thuộc Sở Công Thương các tỉnh/thành và Cục QLTT tại Bộ Công Thương, được duy trì hơn 60 năm, góp phần ổn định thị trường nội địa, xử lý các hành vi vi phạm gian lận thương mại.

Tuy nhiên, ông cũng nêu bất cập trong tình hình hiện nay đặt ra những vấn đề rất lớn, rất đa dạng, phức tạp như sở hữu trí tuệ, quyền tác giả,...

“Những yêu cầu đặt ra đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ của lực lượng quản lý thị trường như  một lực lượng chủ công, với các lực lượng khác như hải quan, biên phòng,... là yêu cầu thực tế hiện nay”, Bộ trưởng Công Thương nói.

Ông dẫn chứng thêm, thực tế thời gian qua, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng gian hàng giả được tổ chức hoạt động rất tinh vi và có sự liên kết chặt chẽ giữa trong và ngoài nước, giữa các địa phương, các khu vực. Vì vậy, việc phối hợp các lực lượng chuyên ngành, trong đó có lực lượng quản lý thị trường để làm sao quản lý và đấu tranh có hiệu quả.

Bộ trưởng Công Thương cho rằng, tình trạng này đòi hỏi sự cập nhật, phối hợp thường xuyên cả về mặt chuyên môn, nghiệp vụ trong quản lý thị trường cũng như nhiệm vụ của các địa phương gắn với liên kết vùng.Bên cạnh đó, sự phát triển công nghệ thông tin, thương mại điện tử, các ứng dụng của Internet, mạng xã hội,... các hoạt động buôn lậu, hàng gian, hàng giả đang hoạt động trên thị trường đạt quy mô mới với nhiều hình thức rất tinh vi.

“Chính vì vậy, với sự cắt khúc từ trước đến nay còn một số tồn tại, Chính phủ thấy cần tổ chức lại và điều hành quản lý thị trường theo ngành dọc, với sự phối hợp chặt chẽ và chỉ đạo thường xuyên của cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay.

Dẫn lại quyết định của Chính phủ về tổ chức xây dựng bộ máy của quản lý thị trường theo hệ thống ngành dọc xuyên suốt từ TƯ đến địa phương, Bộ trưởng Công Thương khẳng định: “Chỉ thay đổi mô hình tổ chức còn về bản chất, việc tham gia lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện lực lượng quản lý thị trường đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của Chính phủ, các bộ ngành với chính quyền địa phương. Trách nhiệm của các địa phương đã được khẳng định rõ trong chỉ thị của Thủ tướng trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại”.

Ông cũng hứa sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật và đổi mới về các phương thức hoạt động của lực lượng quản lý thị trường, đặc biệt theo phương án số hóa và ứng dụng công nghệ thông tin.

Sẽ giảm 40-50% số lượng đầu mối chi cục

Tranh luận lại, ĐB Lý Tuyết Hạnh cho rằng, trong tình hình hiện nay yêu cầu lực lượng quản lý thị trường phải xử lý nhanh, chính xác, kip thời. Có trường hợp 2-3h sáng phải đi xử lý vụ việc diễn ra trên địa bàn và không theo khuôn mẫu nào.

Bà Hạnh băn khoăn trước khẳng định của Bộ trưởng Công Thương, liệu việc số hoá có khắc phục được những tồn tại trong quản lý thị trường hay không?

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, TP.HCM, cũng nêu thêm ý kiến của cử tri về một bộ phận lực lượng này tiếp tay cho hoạt động buôn lậu hàng gian và hàng giả đang gây bức xúc dư luận xã hội. “Xin Bộ trưởng cho biết thêm trách nhiệm của Bộ trưởng chấn chỉnh lại tình hình này như thế nào?”, bà Tâm hỏi.

Trả lời tranh luận của ĐB Hạnh, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trong đề án tổ chức lại lực lượng quản lý thị trường, Bộ Chính trị, QH, Chính phủ yêu cầu đầu tiên tinh giản bộ máy và biên chế.

“Việc tổ chức lại bộ máy này phải đạt yêu cầu, vì vậy trách nhiệm và yêu cầu đặt ra rất nặng nề. Khi chúng ta giảm từ 40% đến 50% số lượng đầu mối chi cục và đội quản lý thị trường tại địa bàn cả nước. Vì thế, nếu không đổi mới công tác quản lý thị trường về quy trình, tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ, về điều hành và hoạt động của quản lý thị trường theo phương án sử dụng công nghệ thông tin là số hóa thì chắc chắn đây là khó khăn”, ông nói.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, Chính phủ đang đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện chứng từ điện tử và hóa đơn điện tử là nền tảng rất quan trọng cho hoạt động số hóa của lực lượng chức năng, trong đó có quản lý thị trường.

“Chúng tôi sẽ trao đổi cụ thể với các địa phương và bộ ngành để hoàn thiện đề án này và triển khai ngay tháng 6/2019”, Bộ trưởng Công Thương cho hay.

Trả lời ĐB Tâm, ông Trần Tuấn Anh nhìn nhận trước tiên thuộc trách nhiệm của người đứng đầu ở hai khía cạnh: trong các hoạt động chuyên môn điều hành và trong việc phối hợp với lực lượng.

“Có những vụ việc xảy ra liên quan đến phẩm chất hoặc năng lực chuyên môn của quản lý thị trường tại địa phương chúng tôi có theo dõi và có phối hợp với chính quyền địa phương để xem xét trách nhiệm”, người đứng đầu ngành Công Thương nhấn mạnh.

Gia Nguyên