Mấy tháng nay, tình cảm gia đình tôi rơi vào cảnh hỗn loạn. Bố tôi không chỉ mâu thuẫn với các em ruột mà còn không tìm được tiếng nói chung với mẹ tôi.

Bao năm qua, bố tôi không hề tranh chấp tài sản hay xảy ra hiểu lầm dẫn đến xung đột với các em ruột. Mâu thuẫn chỉ bắt đầu khi ông quyết định thờ chung cả ông bà nội, ông bà ngoại của tôi trong nhà.

Ông bà nội tôi mất sớm. Là anh cả trong gia đình, bố tôi lập bàn thờ, thờ ông bà tại nhà riêng. Bố cũng nhận phần hương khói, giỗ chạp ông bà nội tôi mỗi năm. 

Một thời gian sau, ông bà ngoại của tôi cũng lần lượt ra đi. Mẹ tôi là con gái một nên chịu trách nhiệm thờ phụng cha mẹ.

ban-tho-1.jpg
Thờ cả bố mẹ đẻ lẫn bố mẹ vợ trên cùng một bàn thờ, bố tôi bị các em đòi từ mặt. Ảnh minh họa: PX

Mấy năm đầu, mẹ tôi để bàn thờ ông bà ngoại ở quê, lâu lâu mới về thăm nom, nhang khói, cúng giỗ. Mỗi lần về quê, chứng kiến cảnh nhà hoang lạnh, bàn thờ phủ kín màng nhện, mẹ tôi không khỏi xót xa, buồn khổ, sầu não.

Gần đây, thương vợ có tuổi đi lại vất vả, bố tôi cho phép mẹ thỉnh vong linh ông bà ngoại lên thành phố, thờ ở nhà mình. Mẹ tôi lập tức đồng ý. Thế là bố mẹ chọn ngày lành tháng tốt, làm lễ thỉnh ông bà ngoại từ quê lên thờ trong nhà.

Tại nhà, bố mẹ tôi thờ chung ông bà nội, ông bà ngoại trên cùng một bàn thờ.

Từ khi được thờ phụng bố mẹ đẻ tại nhà mình, mẹ tôi vui, khỏe hẳn. Bà không còn rầu rĩ, buồn khổ như trước. Thế nhưng, niềm vui ấy không kéo dài được bao lâu.

Bố mẹ tôi thỉnh ông bà ngoại về nhà hương khói được nửa năm thì đến ngày giỗ của ông nội. Như thường lệ, bố mẹ tôi đặt tiệc, tổ chức giỗ. Hôm ấy họ hàng, cô chú tôi đều tề tựu đông đủ.

Khi đến thắp hương cho ông bà nội, cô chú tôi không giấu nổi sự bất ngờ vì thấy trên bàn thờ có thêm 2 khung ảnh thờ. Họ bắt đầu bàn tán, không hiểu vì sao bố tôi lại thờ một lúc cả cha mẹ ruột lẫn cha mẹ vợ trên cùng một bàn thờ như thế.

Trong bữa cơm, khi đã có hơi men, người chú kế sau bố tôi nói nửa đùa nửa thật rằng, mỗi lần đến giỗ, thắp hương, lạy bố mẹ đẻ lại phải lạy luôn bố mẹ của chị dâu. Chú út là người kịch liệt phản đối việc bố tôi cùng lúc thờ cả nhà nội lẫn nhà ngoại.

Chú nói thẳng rằng một nhà không thể thờ hai họ, người phụ nữ đã lấy chồng thì chỉ thờ cúng tổ tiên, cha mẹ chồng. Chú còn nói, việc thờ cúng như bố tôi không chỉ không đúng theo văn hóa tâm linh mà còn khiến gia đình, dòng họ mất lộc.

Bố tôi ra sức giải thích. Ông nói vì vợ là con gái một, không biết trông cậy vào ai để hương khói cho cha mẹ đẻ đã qua đời. Ông cũng cho rằng việc để vợ thờ cúng cha mẹ đẻ ở quê vừa tốn kém thời gian, sức lực vừa tốn tiền đi lại.

Tuy nhiên, lời giải thích của bố không được các em của ông thông cảm. Thậm chí, bố bị cho là sợ vợ, chiều vợ đến mức không làm chủ được gia đình.

Mẹ tôi khóc rưng rức rồi bóng gió rằng những ý kiến của em chồng là thiển cận, lạc hậu. Bà trách em chồng tàn nhẫn, không thấu hiểu, thông cảm cho nỗi khổ tâm của mình.

Không may những câu nói trong lúc nóng giận, buồn lòng của mẹ tôi lại đến tai cô, chú tôi. Thế là cả gia đình xào xáo, cãi nhau. Từ hôm đó, cô chú đòi từ mặt.

Không muốn làm mất tình cảm gia đình, bố tôi quyết định làm 2 ban thờ, một thờ ông bà nội, một thờ ông bà ngoại. Theo tư vấn của mọi người, ban thờ ông bà ngoại sẽ nhỏ hơn, thấp hơn ban thờ ông bà nội của tôi một chút.

Cách làm này khiến mẹ tôi không vui. Bà cho rằng cha mẹ mình chịu quá nhiều thiệt thòi, bị phân biệt đối xử dù đã mất. Bà trách bản thân không biết chọn chồng, rồi lại kêu than mình bất hiếu, không lo nổi chuyện hương khói cho cha mẹ. 

Cuối cùng, bà nhất quyết đòi về quê sống để lập bàn thờ, thờ phụng bố mẹ đẻ. Sự kiên quyết của mẹ khiến bố tôi đau lòng. Mấy tháng qua, ông bị kẹt giữa vợ và các em của mình nên buồn bã, khổ sở thấy rõ.

Là con, tôi đau lòng khi chứng kiến cảnh bố mẹ khổ tâm. Tôi rất muốn chia sẻ, phân ưu cùng bố mẹ nhưng không biết phải làm thế nào. Mong mọi người hãy cho tôi những ý kiến thiết thực để tháo gỡ khúc mắc này.

Độc giả giấu tên

Mời độc giả chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này qua bình luận phía cuối bài hoặc gửi về địa chỉ email: Bandoisong@vietnamnet.vn.