Sau vài lon bia các kiều nữ chẳng cần ướm hỏi hay lựa lời, nói chuyện tự
nhiên và “hoang” tới mức nếu tỉnh táo, phải dạn dĩ lắm người nghe mới
không tái mặt.
Luyện "đô"
Ai đó khắt khe thì nhìn những cô gái làm nghề rót bia và nhậu cùng khách trong
các cuộc vui không mấy thiện cảm. Nhưng đằng sau cái vẻ xinh xắn, ăn mặc mát mẻ,
luôn luôn tươi cười ấy là câu chuyện của thân phận đầy nghiệt ngã.
Cái tâm lý nhậu phải có em út ngồi bên “chăm sóc” đã trở nên phổ biến với nhiều
“đệ tử Lưu Linh” thời nay. Vì thế, từ các “lò”, không ít kiều nữ được huấn luyện
bài bản về kỹ năng ăn nhậu, chiều khách tới bến trước khi cung ứng cho các quán.
Kiều nữ tại quán nhậu S.T |
Lãm - một tay chơi thứ thiệt đã dẫn tôi thâm nhập các “dịch vụ xả hơi” dạng
này. Khi vừa vào quán S.T trên đường Hải Phòng (Đà Nẵng), thoáng liếc mắt, tay
quản lý quán đã nhanh nhẹn dẫn chúng tôi ra hậu phòng. Dẫu chỉ có 2 người nhưng
chúng tôi được bố trí phòng với hàng chục ghế. Tất nhiên, gã nhân viên có chủ ý
sẵn, nên chỉ cần ngồi xuống ghế, chưa kịp kêu món thì được đặt thẳng vấn đề: “Để
kêu 2 em xinh tươi phục vụ các anh nhé!”.
Lãm rít một hơi thuốc, nói: “Chọn em được mắt một chút, đỡ mất công đổi”. 15
phút sau, một kiều nữ khuôn mặt khả ái, nước da trắng trẻo, mặc áo khoét sâu cổ
để ngực lồ lộ bước vào. Thấy tôi có vẻ không mặn mà lắm, cô liền sà xuống đùi
Lãm, chào bằng giọng Huế nhỏ nhẹ. Chừng hơn phút sau, một kiều nữ khác, mặc áo
dài tím, nước da bánh mật, đầy vẻ quyến rũ tới “kèm cặp” tôi. Cô bảo mình tên
Thùy, 22 tuổi, quê mãi Hậu Giang, còn đồng nghiệp, cũng trọ cùng phòng tên Oanh,
ở Huế.
Lúc đầu chưa đủ “tửu lượng”, cả hai nói chuyện có phần cầm chừng. Nhưng chỉ đến
lon bia thứ ba, các kiều nữ mới trút hết vẻ ngoài dè dặt, chẳng cần ướm hỏi hay
lựa lời, nói chuyện tự nhiên và “hoang” tới mức nếu tỉnh táo, phải dạn dĩ lắm
người nghe mới không tái mặt.
Chẳng hề gì, các kiều nữ thừa biết, đã vào đây, uống tới vài lon, có ông nào
lại chẳng muốn nghe chuyện "hoang". Vì thế, “chích” vài ly, các kiều nữ không
ngần ngại thể hiện kỹ năng “ngoại giao”. Lúc đầu bằng lời nói "hoang" để kéo
khách vào thế giới của mình, để cuộc nhậu thêm vui vẻ, tự nhiên, sau đó thì chân
tay, tất cả đều hoạt động không ngơi nghỉ. Được “rửa mắt”, “rửa tai”, bia thì
sẵn đấy, các kiều nữ có đủ kỹ nghệ để “nâng lên hạ xuống”, khiến khách càng uống
càng hăng.
Oanh bảo, làm cái nghề nâng ly này, “đô” phải thật cao. Có khách đòi uống tay
đôi cũng phải chiều. Một nguyên tắc bất di bất dịch là không được từ chối đề
nghị của khách. Hầu như khách muốn gì, kiều nữ chỉ có một lựa chọn: vui vẻ chấp
nhận. Có khách nhậu vài ly nổi máu “dê” liền thô thiển lật áo kiều nữ ra để xem
rồi “bình loạn” về “khuôn trăng”, cười hô hố với nhau.
Cũng không ít khách tay “giấu kỹ” đến mức ngồi uống bia cả buổi mà chẳng thấy
nâng ly. Kiều nữ không chỉ phải chấp nhận mà luôn tỏ vẻ vui mừng, muốn được
khách “quan tâm” kiểu đó. Bởi, chỉ một ánh mắt khó chịu, một câu càu nhàu, nét
mặt nhăn nhó là khách có thể đuổi thẳng khỏi phòng và yêu cầu người khác.
Lúc đó, kiều nữ không chỉ mất tiền “bo” mà còn bị quản lý quán “xạc” cho muối
mặt. Oanh kể, thời gian đầu mới đi làm, ngửi thấy mùi bia rượu là rợn, nhưng do
tính chất công việc nên phải luyện. Oanh và các kiều nữ khác cùng phòng trọ, đêm
về mua 2 chai rượu để “luyện đô”. Uống một chai thì tất cả đã say, nhưng nếu
dừng lại ở đó đi ngủ thì không lên “đô” được. Lại ráng, ráng cho tới khi không
thể đưa ly lên miệng được nữa thì nằm ngủ tại chỗ. Bằng cách cứ cố, cố nữa như
thế khoảng 7-10 lần, kiều nữ có đủ sức để ra “chiến trường” bia rượu.
Kỹ nghệ moi tiền
Thùy bảo làm nghề “đưa đường” trong những cuộc nhậu của khách, thu nhập chỉ từ
tiền “bo”, ngoài ra không có một đồng nào khác từ quán. Tuy không trả tiền,
nhưng chủ quán nắm “quyền sinh quyền sát”, ưng thì cho làm, ghét thì đuổi việc.
Ở môi trường trên đe (nhà hàng) dưới búa (khách) nên đòi hỏi kiều nữ phải có
những ngón nghề đặc biệt mới mong trụ lại dài dài.
Với nhà hàng, kiều nữ phải cố gắng moi được càng nhiều hầu bao của khách càng
tốt. Chẳng hạn ngoài món khách gọi, kiều nữ sẽ năn nỉ, giới thiệu và thể hiện
mình muốn ăn thêm món này, món khác chủ yếu để được gọi thêm món giúp nhà hàng
(tất nhiên là phải khéo, không thì khách lại nghĩ mình là hạng phàm ăn).
Mồi bưng lên, nhìn món lươn xào miến bưng vào, nhiều tới mức tôi nói vui với
Thùy: “Em ra xem quán còn bao nhiêu người phục vụ, kêu cả vào ăn mới hết được”.
Tất nhiên, khi khách đã vào đây, chuyện ăn chỉ là phụ. Có khi cả buổi nhậu cũng
chẳng động đũa tới món. Kiều nữ cũng có một nhiệm vụ quan trọng khác để “ghi
điểm” với nhà hàng, đó là “xúc tác” cho khách uống càng nhiều càng tốt.
Muốn thế, ngoài “đô” cao, các kiều nữ phải vận động linh hoạt nhiều yếu tố
khác, từ lời ăn tiếng nói, cách ăn mặc mát mẻ, vẻ tươi cười nhiệt tình và cả “cử
động” tay chân liên hồi. Khách đã vào nhậu, được phục vụ nhiệt tình thì khó lòng
từ chối uống, và tất nhiên chuyện móc hầu bao chẳng có nhiều ý nghĩa nữa.
Theo Thùy, ở quán S.T có khoảng 30 kiều nữ, chia ngày ra làm. Vào phiên, mỗi tối
nếu may mắn có thể phục vụ được 2-3 bàn. Nếu bàn khách ngồi lâu, uống nhiều, chỉ
được một bàn/tối, khi đó khách thường “bo” 200 ngàn đồng/kiều nữ. Nếu khách ngồi
nhanh thì 100 ngàn đồng/kiều nữ. Nếu thuận buồm xuôi gió, kiếm được 200-300 ngàn
đồng/tối, với kiều nữ coi như tạm đủ sống. Nhưng nếu xui quá, “đói” khách hoặc
bị khách “tống” cổ ra ngoài, coi như kiều nữ đành sống nhờ bạn cùng phòng.
Không chỉ ở quán S.T mà nhiều quán khác tại Đà Nẵng hiện nay cũng luôn có các
kiều nữ sẵn sàng luyện “đô” để dìu khách “tới bờ tới bến”. Và cụng ly cũng đã
trở thành cái nghề thời thượng với những cô gái có nhan sắc, uống tốt, chịu
chơi.
Nhậu xong, kiều nữ sẵn sàng cùng khách tìm khách sạn, nhà nghỉ để “đáp” nếu
khách có nhu cầu, bằng không sẽ gợi ý khách tìm "bãi đáp".
(Theo Công an Đà Nẵng)