Sáng 20/2, Sở VH&TT Hà Nội thông tin về Lễ hội hoa Anh đào Nhật Bản. Năm nay, lần đầu tiên trong khuôn khổ lễ hội sẽ diễn ra hoạt động tuyển chọn Đại sứ thiện chí hoa Anh đào 2019.

Người được tuyển chọn giữ vai trò Đại sứ thiện chí hoa Anh đào Việt Nam phải có ý thức hoạt động vì sự giao lưu hữu nghị Việt - Nhật; có hiểu biết và mối quan tâm tới Nhật Bản, có khả năng nói tiếng Nhật, đồng thời có phẩm cách, phong thái, sức khỏe tốt. Nữ công dân Việt Nam có độ tuổi từ 18 - 28, chưa có gia đình, sinh sống tại Hà Nội, đã tốt nghiệp PTTH đều được tham gia tuyển chọn. 

{keywords}
Lễ hội hoa Anh đào Nhật Bản năm nay diễn ra từ ngày 29 đến 31/3 tại khu vực Vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm.


Thời gian tuyển chọn bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 3/2019. Đêm chung kết cuộc thi sẽ gồm 15 thí sinh diễn ra vào tối 28/3 tại rạp Đại Nam. Trong đêm chung kết 15 thí sinh sẽ trải qua các phần thi: Kiến thức, trình diễn áo dài truyền thống Việt Nam. Top 5 người đẹp sẽ tham gia phần thi ứng xử bằng tiếng Việt và tiếng Nhật. Kết thúc cuộc thi, BTC sẽ chọn ra Đại sứ thứ nhất và Đại sứ thứ hai để thực hiện các công việc quảng bá cho lễ hội cũng như văn hoá truyền thống của hai nước.

Ông Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, đơn vị hỗ trợ, tư vấn cuộc tuyển chọn Đại sứ thiện chí hoa Anh đào Việt Nam cho biết, cuộc tuyển chọn Đại sứ thiện chí sẽ thiên về việc tìm những người đẹp có văn hoá, kiến thức nên những tiêu chí về hình thể không phải là yếu tố quyết định. Tuy nhiên, với sự tham gia của các thành phần giám khảo là những người có uy tín và kinh nghiệm trong tuyển chọn người đẹp, Ban tổ chức hy vọng sẽ tìm được người đẹp hài hoà cả yếu tố hình thể và kiến thức, văn hoá. Đại sứ thiện chí hoa Anh đào sẽ được ra mắt tại lễ khai mạc lễ hội hoa Anh đào Nhật Bản - Hà Nội 2019.

Ban tổ chức cho biết, năm nay có 100 cây và 20.000 cành hoa các loại, ngoài ra còn có nhiều loài hoa của Hà Nội và Việt Nam. Cây có 2 loại cây đưa về Việt Nam, một loại để trồng (1m -1,2m); loại cây để bà con thưởng thức. Tuy nhiên, năm nay, thay vì tạo các điểm nhấn, công tác thiết kế sẽ mô phỏng các kỳ quan thiên nhiên thế giới bằng hoa anh đào.

Bên cạnh đó, lễ hội sẽ giới thiệu một số nét văn hóa đặc sắc của Nhật Bản như trà đạo, cờ vây, cờ Shogi, trò chơi truyền thống Kendama… tại khu vực Nhà Bát Giác - Vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ... Chương trình nghệ thuật truyền thống Hà Nội, bao gồm: Hát ca trù, hát xẩm, múa bồng… được tổ chức cùng một số hoạt động khác như giới thiệu nghệ thuật cắm và tỉa hoa của Việt Nam, Nhật Bản.

Khu vực giới thiệu ẩm thực Nhật Bản và Việt Nam với khoảng 20 gian hàng giới thiệu các món ăn đặc trưng của Nhật Bản và Việt Nam sẽ diễn ra tại Cung thiếu nhi Hà Nội. Ngoài ra, trong khuôn khổ Lễ hội năm nay còn có các hoạt động khác như Hội nghị trao đổi xúc tiến đầu tư, du lịch giữa Hà Nội và Nhật Bản diễn ra ngày 29/3.

Hoạt động giao lưu về y tế, giáo dục nhằm trao đổi kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực y tế, giáo dục giữa Việt Nam và Nhật Bản được tổ chức với các nội dung: hỗ trợ tư vấn, khám chữa bệnh cho một số bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo; tặng sách, thiết bị, hỗ trợ trực tiếp một số hoạt động theo mô hình, công nghệ mới của Nhật Bản...

Tình Lê

Người Hà Nội sắp được ngắm 10.000 cành hoa Anh Đào

Người Hà Nội sắp được ngắm 10.000 cành hoa Anh Đào

Tâm điểm của Lễ hội Lễ hội giao lưu văn hóa Nhật Bản là 6 tấn hoa Anh Đào với 50 cây, 10 nghìn cành hoa cùng xuất hiện tại Hà Nội.