Ngày 22/2/2022, nhạc sĩ Lê Minh Sơn gây bất ngờ cho giới nhạc sĩ khi ‘đổi vai’. Không xuất hiện với vai trò nhạc sĩ, Lê Minh Sơn "bà đỡ" để bảo vệ các nhạc sĩ. Anh ra mắt hệ sinh thái bản quyền âm nhạc trực tuyến MCM với mong muốn giải quyết ‘nỗi đau’ về vi phạm tác quyền âm nhạc trên Internet.
Nhạc sĩ Lê Minh Sơn tại lễ ra mắt hệ sinh thái bản quyền âm nhạc trực tuyến MCM. |
Nhạc sĩ Lê Minh Sơn chia sẻ, trong một lần ngồi với người bạn tên Ngọc Hân – một người rất giỏi trong lĩnh vực công nghệ và vô tình nghe được đài giới thiệu bài Tình đất do ca sĩ Anh Thơ hát, sau đó là bài Giấc mơ trưa, Gió mùa về,... nhưng toàn giới thiệu là ca sĩ hát trong khi không hề nói gì tới người sáng tác, chỉ một câu cũng không có.
"Gió mùa về là sáng tác của tôi, khi tôi nghe giới thiệu trên đài thì người ta giới thiệu: Mời quý vị nghe bài Gió mùa về của Trúc Nhân. Ơ sao lạ vậy, tôi tự đặt dấu hỏi và thế nên tôi mới nảy ra ý tưởng và nói với Ngọc Hân rằng: Tại sao mình không xây dựng một hệ thống công nghệ số đồng bộ để bảo vệ quyền âm nhạc trực tuyến? Hệ sinh thái bản quyền âm nhạc trực tuyến MCM ra đời từ đó và tôi đã ấp ủ nó từ 3 năm trước. Minh bạch, tôn trọng và quyền lợi kinh tế là ba giá trị cốt lõi mà chúng tôi đặt ra, là giá trị xuyên suốt trong quá trình vận hạnh sau này", nhạc sĩ Lê Minh Sơn chia sẻ,
Nhạc sĩ Lê Minh Sơn chia sẻ thêm, từ lâu anh ước muốn tất cả các tác phẩm âm nhạc của các nhạc sĩ Việt Nam được tôn trọng, được xin phép sử dụng. Cho nên, khát vọng lớn lao khi anh lập ra MCM là giải quyết “nỗi đau” chung về vi phạm tác quyền trên Internet hiện nay vì nó ngày càng nhức nhối.
"Bản nhạc là đứa con tinh thần, là tài sản, là trí tuệ, mồ hôi và máu nên những tài sản vô giá này cần được bảo vệ, được trân trọng. Các nhạc sĩ cần được cung cấp thông tin đầy đủ về tác phẩm của mình được ai sử dụng, sử dụng ở đâu, sử dụng như thế nào. Nhạc sĩ cần được trả thù lao khi tác phẩm của mình được biểu diễn, được các bên khai thác kinh doanh. Đó chính là sự minh bạch trong sử dụng tác phẩm mà chúng ta đang hướng tới. Đơn giản như Covid-19 thì có vắc-xin, nó như áo giáp bảo vệ chúng ta thì các bản nhạc của các nhạc sĩ cũng cần có những chiếc áo giáp như thế", nhạc sĩ Lê Minh Sơn nói.
Nhạc sĩ Lê Minh Sơn cho biết, ở nước ngoài, các nhạc sĩ sống rất tốt nhờ hoàn toàn vào thu nhập từ tác phẩm, sống giàu có bằng tác quyền vì những sáng tạo âm nhạc của họ được tôn trọng, được pháp luật bảo vệ nghiêm ngặt. "Tôi khao khát các nhạc sĩ ở Việt Nam cũng sống được bằng tác phẩm, sống được bằng nghề của mình. Muốn được như vậy trước hết tác quyền cần được tôn trọng và bảo vệ", nhạc sĩ nói.
Nhà văn Di Li. |
Tại sự kiện ra mắt NSƯT Trần Ly Ly - Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, bà Phạm Thị Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, ông Nguyễn Minh Hồng - Chủ tịch Hội Truyền thông số, nhà văn Di Li, các nhạc sĩ,...đều rất ủng hộ hệ sinh thái này của nhạc sĩ Lê Minh Sơn.
Nhà văn Di Li cho biết, vấn đề bản quyền vô cùng nhức nhối không riêng gì lĩnh vực âm nhạc mà ngay cả lĩnh vực chị đang làm - xuất bản cũng rất cần những người đứng ra bảo vệ quyền tác giả. Nhà văn Di Li nói, nếu nhạc sĩ Lê Minh Sơn mở rộng lĩnh vực bảo vệ quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản thì chị cũng sẵn sàng hợp tác.
Tình Lê
Nhạc sĩ Lê Minh Sơn giành giải thưởng hội nhạc sĩ Việt Nam
Với ca khúc “Voi không đuôi”, nhạc sĩ Lê Minh Sơn đã giành giải A, giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2021.