Lần đầu tôi nghe bài “Vọng phu” trong 1 chương trình truyền hình trực tiếp của VTV1. Làm báo đã lâu nhưng Lê Minh mà tôi biết lại không phải người viết bài hát này. Vào Google tìm kiếm chỉ có Lê Minh của xứ miệt vườn miền Tây sông nước.  

{keywords}
Nhạc sĩ Lê Minh.

 Một sự tình cờ thú vị, một cô bạn ca sĩ thường hay viết thơ và nhờ tôi đọc góp ý, khoe có bài thơ vừa được nhạc sĩ Lê Minh phổ nhạc. Thế là tôi có dịp hỏi cô về người nhạc sĩ tài năng mà bí ẩn này. Hóa ra cô và nhạc sĩ cùng sinh hoạt trong Hội âm nhạc Hà Nội. Tuy nhiên cô cũng chỉ xã giao và không biết gì hơn.

Rồi cô nhờ nhạc sĩ phối âm và thu bài hát này. Có bản thu, cô gửi cho tôi nghe và muốn có nhận xét. “Ngày không anh” là bài thơ về tâm trạng rất thật của người vợ khi chồng công tác ở xa.

Tôi nghe thấy hay và khen thơ và nhạc đã hòa quyện được vào nhau. Thế nhưng bản thu âm ấy, nhạc sĩ không thích. Rồi cô bảo phải thu đi thu lại vài lần vì chỉ một chữ hát chưa chuẩn, một nốt chưa đúng cũng phải sửa. Cô bảo: Nhạc sĩ rất kỹ lưỡng trong từng nốt nhạc trong từng câu chữ.

Và tôi gặp được nhạc sĩ khi hai người vừa đi thu âm về và chúng tôi cùng đi ăn tối…

Lê Minh là người lính. Xuất phát điểm chỉ là anh bộ đội yêu âm nhạc. Người lính Thông tin yêu “nghề” của mình và gửi gắm vào những ca khúc đầu tay giành cho Binh chủng thân yêu mà anh đã chọn. Rồi anh được đi học, đầu là lớp sáng tác âm nhạc do Binh chủng tổ chức để làm nòng cốt cho phong trào âm nhạc quần chúng, sau đó anh tiếp tục được học cơ bản về âm nhạc…

Nhưng phải nói trước đó, cậu học sinh trường làng Lê Minh Uyển (tên khai sinh của Lê Minh) đã có năng khiếu âm nhạc rất sớm. Hơn 10 tuổi, cậu đã đi học đàn nhị và đã ngồi phục vụ chiếu chèo của cái làng quê (Đông Hoàng, Đông Sơn, Thanh Hóa) nghèo nhưng lại thích chèo.

Rồi ông vào lính khi 19 tuổi (1966) và gia tài chỉ là năng khiếu âm nhạc. Có thể nói từ năng khiếu và chính từ thực tế của người lính đã làm nên một Lê Minh, nhạc sĩ “lính”. 

{keywords}
 Ns Lê Minh và ca sĩ Thuỳ Dương tại phòng thu ca khúc "Ngày không anh". 

 Những bài hát về lính thông tin lần lượt ra đời: Từ buồng máy thân yêu; Gửi về nơi ấy; Lính Thông tin hát tình ca; Thư Bác là mùa Xuân. Nếu như Từ buồng máy thân yêu là lời tâm tình của người lính thông tin thì Gửi về nơi ấy viết cho tốp nữ như một lời nhắn gửi đến các chiến sĩ đường dây gian khổ, hy sinh và bài Thư Bác là mùa Xuân như lời reo vui của người chiến sĩ ra trận khi đọc được thư Bác khen tặng.

Hầu hết những bài viết trong giai đoạn này mang âm hưởng hành khúc, dồn dập, vui tươi. Đó cũng chính là cảm xúc tươi trẻ của người lính. Cuộc sống bộ đội đã thổi hồn cho những âm hưởng ấy.

Tuy nhiên dẫu hay nhưng những ca khúc ấy vẫn mang nặng tính “quần chúng”, nghĩa là tính phong trào. Viết dễ hát dễ thuộc, khúc thức đơn giản. Cũng chính đi lên từ tính “phong trào” ấy, nó đã làm dầy thêm vốn sống của Lê Minh.

Lê Minh vào lính khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang ở giai đoạn quyết liệt nhất và nhiệm vụ của người lính Thông tin lúc đó vô cùng nặng nề, gian khổ. Thông tin không thông suốt thì không có chiến thắng. Và chính những bài hát như vậy đã thôi thúc người lính vượt lên gian khổ hy sinh. Những chiến sĩ quên minh trong bom lửa, những chiến sĩ Lèn Hà (Quảng Bình) anh dũng hy sinh cả tuổi trẻ để tin tức đến mặt trận nhanh nhất…

Chỉ có đằm mình trong thực tiễn của đất nước, những mất mát hy sinh, những chiến công hào hùng… thế hệ nhạc sĩ các anh thêm trân quý và thêm hiểu hồn cốt của tính cách dân tộc. Và thành công của họ chính là đã đằm mình vào đó..

Bạn bè ông, những nhạc sĩ như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha, Thiên Sơn, Quỳnh Hợp…cũng tôi luyện từ cuộc đời người lính và gặt hái nhiều thành công.

Lê Minh được nhiều người biết đến khi anh ra công tác tại Sở Văn hóa Hà Tây (sau là Hà Nội). Chính trong giai đoạn này nhiều bài hát đã ra đời và “thương hiệu” Lê Minh mới “neo” được vào lòng người yêu âm nhạc.

Lời ru là một bài như vậy. Từ những vần thơ của Hoàng Hạnh, Lê Minh đã thổi hồn vào đó tạo nên một sự mới lạ. Thật ra viết về lời ru đã có nhiều nhạc sĩ khai thác như: Tìm về lời ru; TÌm về lời ru của mẹ; Lời ru ngày xưa…đều có sức lan tỏa bởi mang dấu ấn từng vùng miền.

Nếu như Tìm về lời ru mang đậm chất dân ca Nghệ Tĩnh thì Tìm về ru của mẹ lại mang đậm âm hưởng dân ca Nam bộ mênh mang da diết. Bài Lời ru của Lê Minh nó không mang âm hưởng của vùng miền nào nhưng lại thấm đẫm hồn cốt của khúc ru con. Có thể nói tiếng ru khi cất lên đã thấm đẫm hồn cốt của dân tộc. Nguyễn Duy nói rất đúng rằng: Ta đi trọn kiếp con người/ Cũng không đi hết những lời mẹ ru. Lời ru đã trở thành “thương hiệu Việt” dẫu Con đi xa tận những đâu/ Mà sao vẫn nhớ những câu ru hời.  

{keywords}
 

 Bao thế hệ người Việt Nam từ khi nằm nôi đã đằm mình trong tiếng ru của mẹ. Nó trở thành gia tài trong cuộc đời và khi cất lên lời ru đã làm lay động trong trái tim. Và bài hát của Lê Minh nó cũng chính là lời ru, mang trong mình âm hưởng của ru con, của cuộc đời, vì vậy mà nó trở nên gần gũi thân quen.

Nhưng nói đến Lê Minh phải nói đến những ca khúc mang nặng khúc dân ca Quan họ. Đã có lần hỏi Lê Minh sao anh ở Xứ Thanh mà lại “thiên vị” cho vùng quê Quan họ đến vậy. Ông bảo Thanh Hóa có phải đất chèo đâu mà người Thanh Hóa vẫn thích chèo và hơn 10 tuổi mình đã kéo nhị trong chiếu chèo đấy thôi. Và ở đâu cùng là vùng quê là Tổ quốc mình, làm gì cũng là cái duyên, ông bảo thế.

Một loạt bài hát về vùng Quan họ ra đời (khoảng hơn 10 bài) như Khách đến chơi nhà; Con nhện tìm duyên; Về hội Lim; Lối em về; nợ duyện.. . Có bài thân quen như một khúc dân ca Quan họ đến nỗi người hát cứ tưởng là bài dân ca chứ không nghĩ của một nhạc sĩ sáng tác. Ông viết nhiều, có sức lan tỏa ở vùng đất Quan họ. Và chính vùng quê ấy coi ông như “người nhà” nên làm hẳn một bộ phim tài liệu về ông: Lê Minh - một tấm lòng với đất Quan họ”. Những bài hát hay đến nỗi có bạn đọc đã thốt lên: Có lẽ phải dừng mọi việc ngồi nghe các tác phẩm của nhạc sĩ Lê Minh thôi.

Thật ra Lê Minh không dừng ở việc chỉ viết theo âm hưởng dân ca Quan họ, mà ông viết nhiều vùng. Khi ông viết ở vùng nào nó ra chất vùng đó. Hà Tây có khúc hát Chèo tàu, hay bài Trên đất Điện Biên em hát câu Quan họ mang đậm chất dân ca của các dân tộc vùng cao. Bài hát có thể vừa hát vừa nhảy điệu xòe cũng rất hợp.

Tôi đã được nghe không ít bài của nhạc sĩ viết về các vùng khác nhau, viết cho các ca sĩ. Phải nói ông đã “đo ni đóng ván” cho từng người. Nói như nhạc sĩ Đoàn Bổng, bút pháp ông đa dạng, phong phú, không bài nào trùng lập giai điệu của bài nào. Gần đây nhất ông phổ thơ của ca sĩ Thùy Dương, bài Ngày không anh mà tôi đã nhắc đến việc họ đi thu âm ở trên. Sắp tới bài hát được ra mắt tại Hội âm nhạc Hà Nội. Bài hát rất hợp với chất giọng opera của chị.

Lặng lẽ và khiêm nhường đó là đức tính của người nhạc sĩ. Ông đã được nhiều giải thưởng âm nhạc, nhiều tác phẩm được Đài truyền hình Việt Nam giới thiệu trong mục Tác phẩm mới. Tuy nhiên ông không muốn mình xuất hiện nhiều. Ngay cả việc phỏng vấn ông để thực hiện bài viết cũng rất khó khăn.

Mong ông có nhiều năng lượng để bùng lên những giai điệu mượt mà dâng hiến cho đời.

Nguyễn Đăng Tấn