- Thảo luận tổ chiều nay (24/5) về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 của QH, thấy nhiều luật được đẩy lên, nhiều luật bị lùi lại, các ĐB cho rằng như thế là "dễ dãi".
>> 2014 chưa xây dựng luật Biểu tình
>> Vẫn làm luật kiểu 'đột ngột đưa vào, đột ngột rút ra'
ĐB Lê Việt Trường (An Giang) dù "khâm phục Thường vụ QH với chương trình làm luật 'rối như canh hẹ’ mà cuối cùng vẫn ra được bản báo cáo khá thuyết phục", cảm thấy "đang tự dối mình khi QH cứ ra nghị quyết một đằng, làm một nẻo".Ông Trường chỉ ra: Không thể làm kiểu thích thì đưa vào, không thì rút, lại điều chỉnh. Có những luật chỉ sửa một điều cũng đưa vào chương trình, có khi chỉ xuất phát từ một chỉ đạo từ trung ương cũng vội vàng sửa luật.
"Điều đó tạo ra sự không công bằng trong nội bộ, ảnh hưởng đến tư tưởng, 'không thông đeo bình tông thấy nặng'. Cách đưa vào, rút ra khỏi chương trình làm luật như thế là dễ dãi, làm rối chương trình", ĐB An Giang nói.
100% ĐB đoàn TP.HCM thống nhất đề xuất để thành phố thí điểm xây dựng chính quyền đô thị. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Theo tờ trình của UB Pháp luật, do Hiến pháp sửa đổi sẽ được thông qua vào cuối năm nay, trong năm sau, một loạt luật về tổ chức bộ máy nhà nước, luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; luật phục vụ tái cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh... được đẩy lên làm trước.
Các dự án khác như luật Căn cước công dân, Bộ luật Hình sự (sửa đổi), luật Đô thị, luật Chứng thực, luật Tiền lương tối thiểu, luật Bảo vệ bí mật nhà nước, luật Trưng cầu ý dân, luật Biểu tình... có thể bị lùi lại sau năm 2014.
Ông Lê Việt Trường đề nghị: "Chính phủ nên trình một danh mục luật nào cần thiết phải có, Thường vụ QH thấy ổn, làm vòng loại như kiểu thi hoa hậu, chọn ứng viên sáng giá chuyển sang UB Pháp luật".
ĐB Lê Bộ Lĩnh cùng đoàn đồng tình: "Để tránh tình trạng 'nước bắc lên bếp, sôi rồi nhưng gạo chưa mang về', chỉ nên đưa vào chương trình những luật có đủ chuẩn bị, đủ điều kiện, đủ ý kiến thẩm định...".
Phó đoàn ĐBQH An Giang, ông Bùi Trí Dũng, thì yêu cầu khi thẩm tra luật phải có đánh giá tác động xã hội, khâu hiện còn rất mờ nhạt. Thậm chí, mỗi dự án luật đưa ra phải có kèm theo dự kiến ngân sách, để tránh lãng phí khi cứ "đưa vào, rút ra".
Đề nghị xây dựng luật Bảo vệ chủ quyền quốc gia
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) tiếp tục đề nghị đưa các luật Biểu tình và Trưng cầu ý dân vào chương trình làm luật năm 2014.
“Từ năm 1992 đến nay không ra được luật Biểu tình. Ngành Công an cũng mong có luật để trả nợ nhân dân đồng thời giúp cho quản lý nhà nước. Cách quản lý, triển khai vấn đề biểu tình với công cụ hiện nay là nghị định 38 đã lỗi thời và không phù hợp, dễ đánh đồng việc biểu tình với việc tụ tập gây rối mất trật tự trị an xã hội”, ông Nghĩa phân tích.
Luật sư TP.HCM còn nói: Nếu Chính phủ nhiều việc quá làm không kịp, cá nhân tôi sẽ nhận làm việc thật tích cực, vận động các luật sư, luật gia bỏ công sức ra xây dựng một luật Biểu tình đúng Hiến pháp, tiết kiệm ngân sách nhà nước và kịp tiến độ đưa vào chương trình năm 2014.
Ông Nghĩa cũng đề nghị xây dưng luật Bảo vệ an toàn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia. ĐB Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) thì đề nghị sớm có luật Thống kê, sau khi thấy trong nhiều hoạt động của nhà nước, luôn có những con số "bị đặt câu hỏi", "không đúng chuẩn mực quốc tế".
ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) thì thấy các luật Phá sản, Kinh doanh bất động sản, Nhà ở, Doanh nghiệp, Đầu tư công, Đấu thầu… đều cần làm ngay, không thể chờ.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị đưa luật Đô thị vào chương trình làm luật năm 2014. Trong khi đó, 100% ĐB đoàn TP.HCM thống nhất đề xuất để thành phố thí điểm xây dựng chính quyền đô thị.
- T.Chung - X.Linh - C.Quyên