- Nhật Bản không chỉ nổi tiếng với Kimono, trà đạo, Origami, Bonsai…mà tiếng kêu leng keng của chiếc Furin (chuông gió) cũng được bình chọn là một trong 100 âm thanh đặc trưng Nhật Bản…

Sáng 20/10 tại phố Đường Thành (Hà Nội), giới trẻ háo hức thưởng thức tiếng kêu leng keng của hàng nghìn chiếc chuông gió – một nét văn hóa đẹp của người Nhật Bản.

Hàng nghìn chiếc chuông nhiều màu sắc treo trên dàn, khẽ đung đưa nhịp nhàng trong gió tạo nên một cảm giác êm dịu, thanh thoát, sâu lắng. Những chiếc chuông gió đủ sắc màu được treo trên cao, tạo ra một dàn hợp ca trong trẻo như vũ điệu của gió. Và dường như nét văn hóa độc đáo này rất gần gũi với các bạn trẻ Việt Nam.

Chuông gió được làm từ nhiều chất liệu khác nhau như kim loại, thủy tinh, gốm, sứ và cả gỗ. Tuy nhiên, những chiếc chuông bằng thủy tinh là được ưa chuộng hơn cả, bởi sự đa dạng về màu sắc, hình ảnh của chúng. Mỗi chiếc chuông có một mảnh giấy bên dưới gọi là Tanzaku, có ghi một câu chúc bình an hay một bài thơ. Người Nhật Bản đặc biệt yêu thích các họa tiết liên quan tới thiên nhiên, cây cối, động vật và thần linh, vì vậy họ cũng dùng những hình ảnh này để trang trí chiếc Furin.

Chiếc chuông gió đầu tiên được sản xuất ở Nhật Bản là vào thời Edo (từ năm 1603 đến 1868). Ngay sau khi ra đời, âm thanh leng keng vui tai của chiếc Furin khi có gió thổi vào đã được người dân Nhật bình chọn là một trong 100 âm thanh đặc trưng nhất của đất nước Nhật Bản.

Người Nhật tin tưởng rằng âm thanh leng keng của những chiếc chuông gió có thể xoa dịu cái nóng của trưa hè, kích thích thính giác, và có thể gọi gió đến vào những buổi trưa hè nóng bức. Chiếc chuông gió còn được coi là mang lại cảm giác bình an cho gia chủ.

Cùng chiêm ngưỡng, và tận hưởng không khí mát lành của những chiếc Furin mang lại, qua những hình ảnh sau:

Những chiếc chuông gió với đủ màu sắc và hình ảnh khác nhau

Mỗi chiếc chuông có một mảnh giấy bên dưới gọi là Tanzaku, có ghi một câu chúc bình an hay một bài thơ.

Những chiếc chuông gió trong suốt chờ bạn trẻ thỏa sức sáng tạo, tô vẽ chúng để chúng trở nên sinh động

Rất đông các bạn trẻ tới tham dự lễ hội chuông gió kéo dài từ 20 tới 21/10 để trực tiếp được vẽ lên những chiếc chuông gió kỳ diệu

T. Lê