Chiều 18/12, hội nghị “Liên kết phát triển du lịch Lai Châu - Hà Nội”  được tổ chức tại Hà Nội.

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, các điểm đến hấp dẫn, cũng như nắm bắt được những khó khăn, thách thức của ngành du lịch tỉnh Lai Châu.

{keywords}
Ruộng bậc thang Lai Châu. Ảnh: Hải Hà

Lai Châu có nhiều tài nguyên để phát triển du lịch như: Thiên nhiên kỳ vĩ, hoang sơ và bản sắc văn hóa phong phú, độc đáo của 20 dân tộc cùng sinh sống.

Đây là tiềm năng, lợi thế để du lịch Lai Châu phát triển. Tuy nhiên cần được đầu tư khai thác có hiệu quả và bền vững.

Hội nghị cũng tập trung bàn các giải pháp kích cầu, thu hút khách giữa các địa phương nhằm phát triển du lịch Lai Châu nói riêng và liên kết phát triển du lịch Lai Châu - Hà Nội nói chung.

Trong đó tập trung vào các giải pháp liên kết xúc tiến quảng bá, tổ chức các đoàn Famtrip và xây dựng các sản phẩm du lịch mới, điểm đến mới, giới thiệu với các nhà đầu tư để khai thác tiềm năng, thế mạnh của du lịch Lai Châu.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Tiến Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: "Để phát triển tiềm năng, lợi thế và khắc phục những khó khăn, hạn chế trong việc phát triển du lịch ở Lai Châu, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu khóa XIV (2020-2025) đã xác định: Phát triển du lịch là một trong 10 nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó tập trung xây dựng chương trình bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc gắn với mục tiêu phát triển du lịch, từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, là điểm đến an toàn, hấp dẫn vùng Tây Bắc, xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, chuyên nghiệp, bền vững và hội nhập". 

{keywords}
Ông Trần Tiến Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu.

UBND tỉnh Lai Châu cũng đưa ra 4 mong muốn trong hội nghị.

Một là, tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch về việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển du lịch nói riêng.

Hai là, Sở Du lịch Hà Nội và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu chia sẻ kinh nghiệm về quản lý du lịch, trao đổi thông tin, hỗ trợ du lịch Lai Châu trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Hai bên cùng nhau xây dựng các chương trình quảng bá chung tại các sự kiện văn hóa – du lịch lớn trên toàn quốc.

Ba là, Hiệp hội Du lịch Lai Châu và Hà Nội, thường xuyên trao đổi, xây dựng mối liên kết hợp tác, tạo sân chơi cho các doanh nghiệp du lịch hai bên cùng liên kết hợp tác, xây dựng các tour du lịch để giới thiệu, chào bán ra thị trường trong thời gian tới.

Bốn là, đối với các doanh nghiệp và các nhà đầu tư, tỉnh Lai Châu luôn luôn chào đón, mời gọi các đơn vị lên khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư với phương châm “Doanh nghiệp phát tài, Lai Châu phát triển”.

{keywords}
Ông Chử Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.

Tại hội nghị, ông Chử Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chia sẻ, việc tăng cường, hợp tác phát triển du lịch Lai Châu - Hà Nội có ý nghĩa rất quan trọng, đóng góp tích cực trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội chung giữa 2 địa phương và cả nước.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng đề nghị các hiệp hội du lịch, câu lạc bộ du lịch và cộng đồng doanh nghiệp Hà Nội cùng các địa phương tiếp tục đồng hành, hưởng ứng tích cực các hoạt động phát triển du lịch do 2 tỉnh, thành phố triển khai. 

Hội nghị “Liên kết phát triển du lịch Lai Châu - Hà Nội” là một trong các hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện “Ngày Văn hóa Lai Châu tại Hà Nội”.

Đây là sự kiện do UBND tỉnh Lai Châu phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức sẽ diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 18 đến 20/12), với chủ đề “Rực rỡ sắc màu Lai Châu". Địa điểm tổ chức tại khu vực không gian Nhà Bát Giác, phố đi bộ và bờ hồ Hoàn Kiếm.

“Ngày Văn hóa Lai Châu tại Hà Nội” năm 2020 là cơ hội để quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu hình ảnh về miền đất, con người Lai Châu; các giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc; các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản đặc sản địa phương đến với nhân dân Thủ đô, du khách trong và ngoài nước, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Sự kiện còn tạo cơ hội kết nối các nhà đầu tư, doanh nghiệp, công ty lữ hành, đơn vị, cá nhân đến hợp tác phát triển sản phẩm nông sản, ẩm thực, văn hóa, du lịch Lai Châu, góp phần mở rộng thị trường khách du lịch; đẩy mạnh kích cầu du lịch, tạo mối liên kết phát triển du lịch bền vững giữa các tỉnh khu vực Tây Bắc, hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch chất lượng độc đáo, hấp dẫn và thân thiện.

{keywords}
Thiếu nữ Lai Châu.

Các hoạt động bao gồm: Lễ hội đường phố; trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm của tỉnh Lai Châu với hơn 20 gian hàng giới thiệu, cung cấp sản phẩm OCOP, nông sản, đặc sản địa phương và trải nghiệm văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian Lai Châu…

Hoạt động trải nghiệm văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian Lai Châu sẽ có một số nội dung như:

Tái hiện không gian văn hóa các dân tộc Thái, H'Mông, Lự… trình diễn văn nghệ dân gian; trình diễn nghề thủ công truyền thống: nghề dệt dân tộc Lự, chế tác và sử dụng đàn tính dân tộc Thái, kỹ thuật tạo hoa văn trên vải của người H'Mông; trải nghiệm các trò chơi dân gian: ném pao, tó má lẹ, rồng ấp trứng…

Chuyển đổi số du lịch “check in” đánh thức báu vật của Lai Châu

Chuyển đổi số du lịch “check in” đánh thức báu vật của Lai Châu

Sìn Hồ được xem là báu vật của Lai Châu. Nơi đây chưa được đầu tư khai thác du lịch nên gần như giữ nguyên được vẻ đẹp hoang sơ. 

Diệu Bình