Với tình trạng ngày càng có thêm nhiều tựa game đượcra mắt cộng đồng game thủ thế giới mà không cần thông qua bất cứ nhà phát hành nào như hiện nay thì câu hỏi đặt ra là liệu trong tương lai, chúng ta có cần đến họ nữa hay không?

Trước tiên, phải kể đến những tiên phong trong lĩnh vực này là Kickstarter Steam Early Access, đây là hai hệ thống cho phép các nhà sáng tạo, nhà phát triển độc lập đưa ra các ý tưởng của mình rồi sau đó kêu gọi sự ủng hộ từ cộng đồng và bắt tay thực hiện. Mục đích của trang web này là rất tốt và nhận được nhiều sự ủng hộ từ khắp nơi trên thế giới tuy nhiên cũng chính vì vậy, mức độ sàng lọc của nó rất cao, có nhiều sản phẩm nhận được sự đầu tư nhưng cũng có những dự án phải ngậm ngùi hủy bỏ.

Nói vậy để thấy, nếu một trò chơi mà nhận được sự ủng hộ và đóng góp từ phía cộng đồng, thì chắc hẳn đó sẽ phải là một trò chơi đủ hấp dẫn, bao hàm nhiều yếu tố xã hội đặc sắc, hay ý tưởng phá cách... thì mới có đủ sức hút như thế. Thêm vào đó, hệ thống này còn cho người dùng trải nghiệm tựa game ngay lập tức dù là chưa hoàn thành để thu thập ý kiến, phê bình, sau đó hoàn thiện game theo những gì mà 'khách hàng' muốn. Có thể nói, Kickstarter và Steam Early Access đã đổi mới bộ mặt của ngành công nghiệp game hiện nay một cách tích cực.

Còn nói về phía các nhà phát hành, hầu hết họ thường có một đội ngũ phát triển riêng hoặc liên kết với một công ty nào đó để thực hiện các ý tưởng đang 'hot' trên thị trường. Mô-tuýp này từ xưa đến nay đã quá bão hòa và khiến không ít game thủ chán nản bởi có nhiều tựa game không được đánh giá cao nhưng NPH vẫn giới thiệu với công chúng. Vậy, chúng ta có cần đến sự góp mặt của các nhà phát hành trong tương lai nữa hay không?

Câu trả lời là có. Tại sao ư? Bởi vì chỉ có các nhà phát hành mới có đủ kinh phí để cho thực hiện các dự án trị giá hàng trăm triệu USD chỉ để phục vụ nhu cầu chơi game của cộng đồng. Lấy ví dụ như Grand Theft Auto 5 có kinh phí 265 triệu USD (~ 5565 tỉ VND) hay Destiny với 500 triệu USD (~ 10.500 tỉ VND), đó đều là những con số mà các nhà phát triển game indie chỉ có mơ mới có thể có được. Bên cạnh đó, nếu nhìn nhận theo góc cạnh của một game thủ thì tỉ lệ người chơi chịu bỏ tiền 'đầu tư' vào một trò chơi chưa được hoàn thiện chắc chắn sẽ thấp hơn rất nhiều so với số lượng người chơi tìm kiếm các tựa game sẵn có để trải nghiệm.

Nếu nhận xét khách quan hơn thì hệ thống gây quỹ cộng đồng và NPH game đều có tầm quan trọng như nhau. Nếu KickstarterSteam Early Access hướng đến một thế giới game với những phá cách, sự điên rồ mà chúng ta thường không được thấy thì các NPH game tên tuổi lại sẵn sàng bỏ một khoản vốn khổng lồ để phát triển một trò chơi AAA đỉnh cao 'từ trong ra ngoài'. Mục đích chung của cả hai đều là muốn mang đến những tựa game thực sự nổi trội, thú vị đối với cộng đồng game thủ và cho đến nay họ vẫn đang thực hiện rất tốt trách nhiệm của mình.

Còn nếu xét riêng nước ta, hình thức gây quỹ cộng đồng từ xưa đến nay vốn ít được game thủ biết đến. Đối với các nhà phát triển game độc lập mà nói, kinh phí phát triển là một vấn đề khá to tát nếu họ muốn tạo ra một dự án hoành tráng, do đó, biện pháp an toàn của họ thường là các ứng dụng mobile với chi phí rẻ hơn, công cuộc phát hành cũng dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, cũng phải nói đến tâm lý của game thủ Việt thường là lựa chọn các tựa game đã được hoàn thiện, khi phát hành chỉ việc đăng ký và chơi thôi chứ không muốn chờ đợi mất thời gian. Chính vì lẽ đó cho nên vị thế của các NPH lớn trong nước như VNG, VTC, Garena... càng được củng cố. Thêm nữa, các NPH nước ta còn sở hữu các cổng phân phối và quan hệ tốt với các kênh truyền thông nên có thể khiến game của các đơn vị phát triển độc lập tiếp cận được với số người dùng đông hơn, tổ chức được nhiều sự kiện dành cho game thủ hơn nhưng cũng mang đến nguy cơ tiềm ẩn là 'hút máu'. Nói tóm lại, nước ta vẫn còn phải phụ thuộc vào các NPH dài dài nếu còn muốn có game để chơi.

T.B