Kẻ Bất Dung Thứ khá giống với LeBlanc ở chỗ, vị tướng này có thể trở nên mạnh khủng khiếp hoặc cũng có thể trở nên tương đối vô dụng và thậm chí, một Yasuo có giai đoạn đầu trận không thực sự xanh sẽ mang lại ít tác dụng hơn nhiều so với một LeBlanc có khởi đầu tương tự.
 
Có một điều khá thú vị với Yasuo là các đội hoàn toàn có thể lấy vị tướng ở lượt chọn cuối bởi dù sao, Yasuo vẫn chưa phải xếp vào dạng hoặc cấm hoặc chọn ngay như Kassadin. Bài viết ngày hôm nay sẽ phân tích những điểm lợi và hại khi sử dụng kiếm sĩ Liên Minh Huyền Thoại này.
 
 
Nội tại tạo lớp giáp chắn sát thương và kĩ năng Tường Gió biến Yasuo trở thành 1 đối thủ cực khó chịu khi đi đường với nhiều vị tướng khác. Không chỉ có khả năng phòng ngự, Yasuo còn vô cùng linh hoạt với kĩ năng Quét Kiếm và đặc biệt là luôn có thể rút ngắn khoảng cách với đối thủ để tận dụng những đòn đánh thường - vốn hưởng lợi rất nhiều từ tỉ lệ chí mạng được nhân đôi. 
 
Để dễ hình dung hơn sức mạnh của Yasuo, các bạn chỉ cần hiểu rằng đa số các vị tướng được sử dụng ở vị trí đườg giữa đều gây sát thương bằng các kĩ năng (LeBlanc, Orianna, Kassadin, Zed…); trong khi đó, Yasuo vừa có thể tấn công bằng các kĩ năng, vừa có thể tận dụng các đòn đánh thường. Trong trường hợp phải giao tranh ở phạm vi gần, Yasuo luôn có lợi với hầu hết những lựa chọn ở vị trí đường giữa trong thời điểm hiện tại.
 
Yasuo trong tay Zzitai cho Kassadin của xPeke…ngậm hành
 
Sức mạnh của Yasuo không chỉ dừng lại ở đó. Chiêu cuối Trăn Trối - chỉ có thể sử dụng lên những kẻ địch đang ở trên không - trở thành 1 mắt xích hoàn hảo, liên kết vị tướng này với rất nhiều những đồng đội khác. Lưu ý rằng 1 số vị tướng đang được ưa chuộng trong thời điểm hiện tại như Shyvana, Lulu, Gragas, Wukong… đều sở hữu những kĩ năng hất tung và rõ ràng, Yasuo có thể kết hợp rất tốt vào 1 đội hình “toàn sao” như vậy. 
 
Lấy ví dụ trong trận Invictus Gaming đối đầu với Fnatic, bộ đôi Wukong - Yasuo luôn mang về lợi thế cho đội tuyển Trung Quốc chỉ với 2 chiêu cuối đơn giản. Ở một khía cạnh khác, việc chọn vị trí của các thành viên Fnatic cũng mắc đôi chút sai lầm nhưng chúng ta không thể phủ nhận sức mạnh của “bộ đôi hoàn hảo” nói trên.
 
Tuy nhiên, việc sử dụng Yasuo cũng mang lại những bất lợi nhất định, đó là:
 
Trong thời điểm các tướng đường trên thiên về khả năng đỡ đòn, việc sử dụng 1 vị tướng gây sát thương vật lí ở đường giữa sẽ khiến cả đội bị thiếu sát thương phép thuật. Lưu ý rằng tướng đi rừng duy nhất có thể gây loại sát thương này là Elise lại không được ưu ái kết hợp với Yasuo vì không có khả năng hất tung đối phương. Khi sử dụng Yasuo, các đội sẽ muốn kết thúc trận đấu sớm nhất có thể vì trận đấu càng kéo dài, đối phương càng có thể tích nhiều giáp vật lí và giảm hiệu quả của Yasuo.
 
Trận đấu kéo dài khiến Yasuo dần trở nên kém hiệu quả và chiến thắng đã thuộc về KT Rolster Bullets.
 
Một điểm yếu khác của kiếm sĩ gió là không có khả năng quấy rối từ xa mà phải áp sát để giao tranh. Khi nhận ra ý đồ sử dụng Yasuo của đối phương, các đội có thể khắc chế chiến thuật này bằng cách sử dụng những bộ tướng có khả năng cấu rỉa từ khoảng cách xa, đảm bảo luôn có lợi khi giao tranh tổng nổ ra. 
 
Với cách khắc chế này, các đội thường đổi bộ đôi xạ thủ - hỗ trợ ở đường dưới ra đường giữa bởi hầu hết những pháp sư có thể cấu máu từ xa như Nidalee, Xerath,… đều không thể đi đường lại Yasuo.
 
Giai đoạn đi đường là giai đoạn quan trọng nhất đối với Yasuo. Với lối chơi lấy công làm thủ, Yasuo cần lên thật nhanh các trang bị gây sát thương để đảm bảo mình có thể đóng góp trong các trận giao tranh và tiền kiếm được quân lính sẽ là nguồn thu nhập chính cho vị tướng này. Với Lulu, LeBlanc hay Kayle, chúng hoàn toàn có thể khiến Yasuo có 1 giai đoạn khởi đầu không thuận lợi và làm chậm quá trình lên đồ của hắn.
 
 
Theo Trí Thức Trẻ