- UB Tài chính Ngân sách QH lo miễn thuế cho hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập sẽ khó kiểm soát, dễ bị lợi dụng.
Tờ trình về dự thảo luật Thuế xuất nhập khẩu sửa đổi do Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đọc trước QH hôm nay bổ sung quy định về miễn thuế cho một số hàng hóa thuộc chế độ tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập có thời hạn, không mang mục đích thương mại.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng |
Quy định nhằm phù hợp với việc thực hành khuyến nghị của Công ước Kyoto, như miễn thuế đối với một số hàng hóa tạm nhập-tái xuất, tạm xuất-tái nhập có thời hạn như máy móc, thiết bị, phim, ảnh để tham dự hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm, sự kiện thể thao, văn hóa, nghệ thuật; máy móc, thiết bị tạm nhập, tái xuất để thử nghiệm, nghiên cứu phát triển sản phẩm, hàng hóa là phương tiện quay vòng như container, palet, máy móc, thiết bị tạm nhập, tái xuất để thử nghiệm, nghiên cứu phát triển sản phẩm; hàng bảo hành, sửa chữa...
Dự thảo luật cũng chuyển hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất từ đối tượng chịu thuế ở khâu nhập khẩu và thực hiện hoàn thuế khi xuất khẩu sang đối tượng miễn thuế có điều kiện về bảo lãnh, đặt cọc.
Theo quy định hiện hành của luật Thuế xuất nhập khẩu, hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất tạm nộp thuế hoặc thực hiện bảo lãnh khi tạm nhập và được hoàn thuế khi tái xuất.
Trên thực tế các doanh nghiệp thực hiện bảo lãnh khi tạm nhập khẩu hàng hóa trong khi cơ quan hải quan phải theo dõi trên sổ kế toán số tiền thuế này làm tăng chi phí quản lý thuế.
Tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hầu hết các nước đều qui định hàng tạm nhập tái xuất không phải nộp thuế trong thời hạn nhất định nhưng phải tái xuất đúng thời hạn và phải đảm bảo bằng một khoản tiền đặt cọc tương đương nghĩa vụ thuế phải nộp (Anh, Nhật Bản, Newzealand, Trung Quốc) hoặc đảm bảo bằng một khoản tiền đặt cọc nhất định (Thái Lan, Lào, Campuchia) và quản lý, theo dõi bằng sổ tạm quản.
Để khắc phục vướng mắc và phù hợp với thông lệ quốc tế, dự thảo luật quy định chuyển hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất từ đối tượng hoàn thuế sang đối tượng miễn thuế trong thời hạn tạm nhập tái xuất với điều kiện phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc đặt cọc một khoản tiền tương đương số tiền thuế nhập khẩu của hàng tạm nhập tái xuất.
Thẩm tra dự thảo luật này, Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách QH Phùng Quốc Hiển cho biết đa số ý kiến trong UB này nhất trí với tờ trình của Chính phủ về việc bổ sung quy định về miễn thuế cho một số hàng hóa thuộc chế độ tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập có thời hạn, không mang mục đích thương mại nhằm phù hợp với Công ước Kyoto.
Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách QH Phùng Quốc Hiển |
Tuy nhiên, có ý kiến trong UB Tài chính Ngân sách cho rằng, việc miễn thuế cho hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập trên thực tế rất khó kiểm soát, dễ bị lợi dụng, lách luật trốn thuế, gây ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.
Chính phủ lý giải rằng VN đã ký 10 FTA với các nước, nhóm nước, đã cam kết xóa bỏ thuế quan vào thời điểm cuối cùng (2018 -2020) trung bình vào khoảng 90% số dòng thuế. Khi ký kết các FTA thế hệ mới như TPP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU… thì mức độ tự do hóa sẽ đạt 97-98% dòng thuế trong vòng 10 năm.
Dự kiến đến giai đoạn 2028-2030, trên 80% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất theo các Hiệp định FTA là 0%.
Chung Hoàng - Ảnh: Hoàng Long