Hoạt động kinh doanh vàng bạc, ngoại tệ hiện nay được xem là hình thức kinh doanh có yếu tố đảm bảo an ninh, an toàn nhất. Tuy nhiên, với giá trị cao của hàng hóa mang tính đặc thù, không ít đối tượng tìm cách cướp, trộm cắp với thủ đoạn ngày càng tinh vi và manh động.

Gây án manh động

Với chức năng nhiệm vụ đặc biệt của mình, Đội Cảnh sát Đặc nhiệm, Phòng Cảnh sát Hình sự, CATP Hà Nội được cấp trên giao cho việc tham mưu, hướng dẫn công an các đơn vị quản lý đảm bảo tuyệt đối ANTT, an toàn cho các hiệu vàng, cơ sở kinh doanh ngoại tệ trên địa bàn thành phố. Trong vòng 3 năm trở lại đây, số vụ trộm cắp, cướp hiệu vàng hay các cơ sở tín dụng, ngoại tệ gần như chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Lật tìm chồng hồ sơ được lưu trữ cẩn thận tại danh mục đặc biệt, chỉ huy Đội Cảnh sát Đặc nhiệm cho chúng tôi xem khá nhiều kế hoạch, phương án đảm bảo an toàn, phòng ngừa xâm hại tại các cơ sở kinh doanh vàng bạc, ngoại tệ trên địa bàn thành phố, đã được đơn vị triển khai trong thời gian qua. Với sự chủ động của các đơn vị nghiệp vụ và công an các quận, huyện, thị xã cũng như ý thức tự nâng cao cảnh giác của các chủ kinh doanh vàng bạc, ngoại tệ, những cơ sở này được đảm bảo an toàn tuyệt đối.

{keywords}

Nhiều vụ án đối tượng sử dụng hung khí nhanh chóng vào các hiệu vàng được phòng bị sơ sài để cướp tài sản

Tuy nhiên, có một thực tế mà chỉ huy đơn vị nhìn nhận, đó chính là dù mọi kế hoạch, biện pháp đảm bảo ANTT tại đây đều kín kẽ song vẫn có những đối tượng bất chấp pháp luật, manh động gây án. Cụ thể, vào khoảng 11h20 ngày 3-2-2016, tại phòng giao dịch của một ngân hàng nằm trên địa bàn quận Hai Bà Trưng đã xảy ra một vụ cướp tài sản.

Thủ đoạn của hai đối tượng vô cùng manh động, có tính chất côn đồ. Vào thời điểm trên, xuất hiện 2 đối tượng đi xe máy Wave không đeo BKS dựng xe trước cửa ra vào của ngân hàng. Ngay lập tức, đối tượng thứ nhất dùng tay kẹp cổ, khống chế nhân viên bảo vệ. Manh động hơn, tên này còn dùng dùi cui gí vào mặt bảo vệ khiến cho người này mềm nhũn.

Trong lúc này, đối tượng còn lại đội mũ len chỉ để hở đôi mắt lao nhanh vào khu vực quầy thu ngân. Vừa rút dao chọc tiết lợn giấu trong người ra, đối tượng đe dọa những nhân viên thu ngân rồi nhanh chóng vơ lấy 2 cọc tiền trị giá 70 triệu đồng trên bàn. Chưa đầy vài giây sau, cả hai đối tượng lên xe máy bỏ chạy. Quá trình điều tra, Phòng Cảnh sát Hình sự và CAQ Hai Bà Trưng đã bắt giữ hai đối tượng gây án, thu hồi toàn bộ tang vật có liên quan.

Trước đó, trong năm 2015 trên toàn địa bàn thành phố chỉ xảy ra 2 vụ liên quan đến hành vi xâm hại các cơ sở kinh doanh vàng bạc, ngoại tệ, tín dụng. Khoảng 9h ngày 4-7-2015, đối tượng Nguyễn Minh Tuấn (SN 1979, ở Hoàng Mai, Hà Nội) cầm theo hai con dao đựng trong túi nilon đến cửa hàng vàng tại 191 Bà Triệu. Khi nhân viên của cửa hàng vàng còn chưa kịp mời khách mua hàng thì đối tượng bất ngờ hai tay hai dao vung lên đe dọa nhân viên cửa hàng và cướp 1 nhẫn vàng, 1 dây chuyền, lắc vàng, mặt trang sức với tổng trị giá hơn 100 triệu đồng. Chỉ sau 3 ngày tập trung điều tra, Phòng Cảnh sát Hình sự và CAQ Hai Bà Trưng đã bắt giữ được đối tượng gây án, thu giữ toàn bộ tài sản trả cho bị hại.

{keywords}

Đối tượng Lê Văn Lợi và Đỗ Văn Sơn gây ra vụ cướp tiền của nhân viên đi giao dịch mua ngoại tệ

Xuất phát từ sự bất cẩn

Với giá trị tài sản rất lớn, nhỏ gọn dễ cất giấu, tàng trữ và mua bán, vàng bạc và ngoại tệ luôn có sức hấp dẫn đối với các đối tượng trộm cắp, cướp, cướp giật. Chính vì lẽ đó, không chỉ những tên tội phạm trong nước mà cả các đối tượng tội phạm người nước ngoài cũng tìm mọi cách gây án. Cách đây 2 năm, vào sáng 29-10-2015, Zang Ze Ming (SN 1999), quốc tịch Trung Quốc, HKTT tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc mang theo búa đinh, găng tay đến chi nhánh của một ngân hàng trên phố Hàng Đậu đe dọa nhân viên ngân hàng phải đưa cho hắn 10 triệu đồng. Khi vừa lấy được tiền ra ngoài cửa, đối tượng đã bị nhân viên bảo vệ của ngân hàng và CAP Đồng Xuân phối hợp bắt giữ.

Việc mang theo hung khí như dao, kiếm... lao thẳng vào ngân hàng để cướp cũng chỉ là một trong những thủ đoạn gây án của các đối tượng. Táo tợn hơn, thay vì có mặt trực tiếp tại ngân hàng, các cơ sở kinh doanh vàng bạc, chúng sẽ điều “con mồi” mang theo tiền, vàng hoặc ngoại tệ đến một địa điểm nào đó thuận lợi để ra tay. Hai đối tượng Lê Văn Lợi (SN 1993, trú tại huyện Văn Giang, Hưng Yên) và Đỗ Văn Sơn (SN 1993, sống lang thang) là một ví dụ. Vốn từng là nhân viên của một cửa hàng kinh doanh vàng bạc trên phố Trần Nhân Tông, Lê Văn Lợi nắm rõ những cách thức giao dịch, hoạt động của hiệu vàng này. Sau khi nghỉ làm, đối tượng tính kế cướp tài sản của chính hiệu vàng nơi mình đã từng có thời gian làm việc. Để cho chắc ăn hơn, Lợi rủ Đỗ Văn Sơn tham gia cùng.

Đầu tháng 6 vừa qua, để chuẩn bị cho kế hoạch của mình, đối tượng mua điện thoại, sim rác gọi vào số máy giao dịch của cửa hàng vàng. Bịa ra câu chuyện trong nhà có khá nhiều ngoại tệ cần bán, đối tượng đã dễ dàng khiến cho nhân viên của cửa hàng vàng này tin tưởng. Sau khi nhận được yêu cầu từ “khách hàng”, nhân viên của cửa hàng này đã mang theo hàng trăm triệu đồng đến địa điểm là khu đô thị Linh Đàm để thực hiện giao dịch.

Điều đáng nói, khi đến nơi, nhân viên này tiếp tục bị 2 đối tượng “điều” ra một địa điểm vắng vẻ hơn để dễ dàng thực hiện hành vi cướp tài sản. Khi người nhân viên này đang đứng chờ và tìm địa chỉ để giao dịch với khách, Lợi và Sơn phi xe máy đến dùng hung khí đánh tới tấp nhân viên này rồi cướp đi hàng trăm triệu đồng. Chỉ sau vài ngày tập trung điều tra, cả hai đối tượng đã bị Phòng Cảnh sát Hình sự cùng CAQ Hoàng Mai bắt giữ khi đang lẩn trốn ở Quảng Ninh.

“Có tiền thì cất, có vàng phải giữ”

Lời cảnh báo nôm na trên của chỉ huy Phòng Cảnh sát Hình sự dường như đã phản ánh được hết những bất cập cũng như sơ hở hiện nay của các chủ hiệu vàng, cơ sở mua bán ngoại tệ.

Đánh giá của Phòng Cảnh sát Hình sự cho thấy, tất cả các cơ sở, hiệu vàng đều có nhân viên bảo vệ. Tuy nhiên, hiện nay lực lượng bảo vệ của các cơ sở này hầu hết là những người lớn tuổi, về hưu, công việc chủ yếu là ghi vé trông xe, không quan sát được toàn bộ khu vực bảo vệ và khách hàng ra vào. Những người này đương nhiên không được tập huấn võ thuật, cách thức nhận diện đối tượng nghi vấn.

Khi sự việc xảy ra thì thường phản ứng chậm chạp, thậm chí thụ động. Việc bảo vệ vào những thời điểm như trưa, chiều, tối khi vắng người thường có nhiều sơ hở, chủ quan, tạo điều kiện cho các đối tượng gây án.

Bên cạnh đó, thiết kế của các cửa hàng kinh doanh còn nhiều sơ hở như: Vách ngăn giữa nhân viên giao dịch, người bán hàng và khách hàng đến giao dịch, người mua không được đầu tư, ngăn cách đủ đảm bảo an toàn. Nhiều cửa hàng không có vách ngăn ra vào khu giao dịch và không được gia cố cùng với hệ thống khóa sơ sài. Tiền, vàng, đá quý, ngoại tệ của các cơ sở này vẫn còn để ở những vị trí sơ hở, dễ lấy, dễ phát hiện.

Nhiều cửa hàng còn để hàng hóa tập trung với số lượng lớn trên bàn giao dịch, gần vị trí khách hàng ngồi. Hệ thống camera đã được lắp đặt nhưng chất lượng hình ảnh chưa được cao. Nhiều camera không được bảo dưỡng thường xuyên, bộ lưu không lắp hoặc lắp không đảm bảo. Hệ thống chuông báo động không đồng bộ, không được kiểm tra bảo dưỡng thường xuyên gây khó khăn cho việc nhận diện, truy xét nhanh đối tượng gây án nếu có. Việc chuyển tiền, vàng của các cơ sở hiện nay vẫn còn nhiều sơ hở, chủ quan. Nhiều cơ sở hết giờ kinh doanh gom hàng cho vào hòm tôn, túi xách đi xe máy dễ làm “mồi” cho các đối tượng cướp, cướp giật.

Để phòng ngừa, đảm bảo an toàn cho các hoạt động mua bán ở những cơ sở vàng bạc, tín dụng, ngân hàng trên, Phòng Cảnh sát Hình sự cũng khuyến cáo và yêu cầu các chủ cơ sở cần rà soát lại đội ngũ nhân viên bảo vệ, đảm bảo về độ tuổi cũng như được tập huấn về võ thuật, khả năng phản ứng nhanh với tình huống nảy sinh. Các cơ sở này cần liên hệ với những đơn vị cung cấp nhân viên bảo vệ uy tín để đảm bảo an toàn cho quá trình hoạt động. Bên cạnh đó, hệ thống cửa và khóa cần được khóa từ bên trong, có vách kính chịu lực trong suốt, đảm bảo khoảng cách an toàn giữa nhân viên với khách đến giao dịch. Hệ thống camera phải được lắp đặt với độ phân giải cao, ở những vị trí dễ quan sát khách hàng nhất.

“Từ vụ án 2 đối tượng vờ bán ngoại tệ để điều nhân viên bán hàng mang tiền đến địa điểm vắng vẻ để cướp tài sản, đề nghị các chủ cơ sở kinh doanh mặt hàng này cần nâng cao cảnh giác hơn nữa. Đối với những người có nhu cầu bán vàng, bán ngoại tệ gọi điện thoại đến, cần mời họ đến cửa hàng để trực tiếp giao dịch. Trong trường hợp khách hàng không đi được hoặc vì lý do nào đó không đến cửa hàng thì nhân viên của cửa hàng phải biết rõ ràng và chắc chắn địa chỉ của người cần giao dịch, tránh bị điều đến chỗ vắng. Cần hết sức cảnh giác với những số điện thoại di động gọi đến bởi các đối tượng có thể sử dụng sim rác để gây án. Các nhân viên phải kiểm tra chéo những địa chỉ, số điện thoại máy bàn khi liên hệ. Khi đi giao dịch ít nhất phải đi từ 2 đến 3 người hoặc nhiều hơn để đảm bảo an toàn cũng như có thể xử lý được những tình huống phát sinh”.

Trung tá Nguyễn Minh Quang (Đội trưởng Đội chống tội phạm cướp và cướp giật tài sản, Phòng Cảnh sát Hình sự, CATP Hà Nội)

(Theo An ninh Thủ đô)