Lo ngại khách Trung Quốc sụt giảm sau khi chấn chỉnh "tour 0 đồng", Bộ VH-TT&DL vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành đảm bảo hài hòa lợi ích của các đơn vị kinh doanh đón khách Trung Quốc; tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng của dòng khách này.
Cụ thể, tại Công văn số 2020 ngày 11/5 về việc tăng cường quản lý và duy trì tốc độ tăng trưởng của thị trường khách Trung Quốc, Bộ VH-TT&DL đề nghị UBND các tỉnh, thành tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò và cách thức ứng xử đối với thị trường khách Trung Quốc.
Đồng thời, các địa phương, doanh nghiệp cần có sự thống nhất trong nhận thức về bản chất của tour giá rẻ đón khách Trung Quốc, đảm bảo hài hòa lợi ích của các đơn vị kinh doanh đón khách Trung Quốc cũng như đem lại lợi ích chung; tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng của khách Trung Quốc, tạo động lực phát triển du lịch trong năm 2017 và các năm tiếp theo.
Ngoài ra, các địa phương, điểm đến cần nâng cao năng lực đón tiếp, đảm bảo chất lượng dịch vụ phục vụ khách; phát huy vai trò của Trung tâm hỗ trợ du khách, đường dây nóng trong việc giải quyết khiếu nại của khách du lịch nói chung và khách Trung Quốc nói riêng.
Khách du lịch Trung Quốc tới Việt Nam |
Các điểm đến cần có lực lượng nhân viên hỗ trợ khách Trung Quốc, đặc biệt vào các dịp cao điểm, khách tập trung đông.
Các ngành liên quan cũng cần phối hợp quản lý chất lượng dịch vụ, hàng hoá phục vụ khách Trung Quốc. Song song đó, tiến hành kiểm tra, thanh tra thường xuyên các hoạt động du lịch trên địa bàn nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh, bảo vệ quyền lợi cho khách du lịch và thương hiệu, hình ảnh điểm đến.
Bộ VH-TT&DL cũng yêu cầu các Sở Du lịch, Sở VH-TT&DL tiến hành rà soát, phân loại các cơ sở cung ứng dịch vụ thường xuyên phục vụ khách Trung Quốc. Cung cấp thông tin về các cơ sở dịch vụ trên website chính thức để hỗ trợ du khách.
Bên cạnh việc xử lý nghiêm các vi phạm của các doanh nghiệp lữ hành kinh doanh đón khách du lịch Trung Quốc, cần bảo vệ, tôn vinh, quảng bá, giới thiệu các doanh nghiệp lữ hành đón khách Trung Quốc của Việt Nam có năng lực, uy tín, chất lượng với các đối tác Trung Quốc nhằm khẳng định thương hiệu và xây dựng môi trường kinh doanh lữ hành lành mạnh.
Theo Tổng cục Du lịch, Trung Quốc là thị trường khách lớn, có tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp doanh thu lớn cho ngành du lịch.
Thời gian qua, lượng khách Trung Quốc tới Việt Nam tăng trưởng mạnh, chiếm tỷ lệ 25-28% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Năm 2016, thị trường khách Trung Quốc đến Việt Nam đạt 2,7 triệu lượt, tăng 51% so với năm 2015 và tăng trung bình 20% năm trong giai đoạn 2010-2016.
Riêng về đường bộ, năm ngoái, đã có 727.000 lượt khách Trung Quốc lưu trú ở tỉnh Quảng Ninh, nguồn thu từ khách Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ ước khoảng 330 tỷ đồng/năm (chỉ bao gồm nguồn thu từ phí visa, vé tham quan vịnh Hạ Long), chưa tính các chi phí lưu trú, ăn uống, vận chuyển,... Doanh thu từ khách du lịch đường bộ đã mang lại từ 900-1.000 tỷ đồng/năm cho tỉnh Quảng Ninh, tạo ra việc làm ổn định cho 3.000-3.500 lao động địa phương.
Trong 4 tháng đầu năm 2017, lượng khách Trung Quốc đạt gần 1.272.000 lượt, tăng 61% so với cùng kỳ năm 2016.
Tuy nhiên, trên thực tế, so với lượng khách Trung Quốc đi du lịch nước ngoài và đến một số nước trong khu vực thì con số trên vẫn khiêm tốn. Gần đây, hoạt động kinh doanh đón khách Trung Quốc tại một số địa phương được đặc biệt quan tâm, nhất là khi khách Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam đi theo "tour 0 đồng".
Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấn chỉnh hình thức kinh doanh này để bảo vệ hình ảnh, du lịch Việt Nam. Sau đó, Tổng cục Du lịch đã họp bàn, chính thức xác định thực chất không có tour 0 đồng mà đây là cách gọi cho tour du lịch giá rẻ, có thể không có lãi hoặc lãi thấp mà một số doanh nghiệp dùng để quảng cáo và thu hút khách.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung, đây là hệ quả của việc cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp lữ hành.
Hệ lụy, không đảm bảo quyền lợi cho du khách, gây thất thu thuế Nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của các điểm đến cũng như chất lượng dịch vụ, từ đó làm méo mó hình ảnh du lịch Việt Nam đối với du khách quốc tế.
Tuy nhiên, tour giá rẻ không hoàn toàn chỉ mang ý nghĩa tiêu cực. Khách du lịch khi vào Việt Nam bên cạnh nhu cầu mua sắm vẫn phải sử dụng các dịch vụ thiết yếu như lưu trú, ăn uống, vận chuyển, mua vé tham quan, chi trả phí visa,... Tour giá rẻ cũng góp phần giảm yếu tố mùa vụ cho du lịch Việt Nam, tăng cơ hội việc làm cũng như thu nhập cho người dân địa phương.
Ngọc Hà