- Việc sử dụng Artemisinin để điều trị sốt rét có thể trở nên vô tác dụng trong những năm tới nếu không có hành động khẩn cấp.

Đây là cảnh báo được đưa ra tại họp báo công bố Hội nghị mạng lưới loại trừ sốt rét châu Á-Thái Bình Dương APMEN lần thứ 7 tại Hà Nội vào sáng 24/3.

Tại họp báo, ông Trần Thanh Dương - Viện trưởng Viện Sốt rét, ký sinh trùng- Côn trùng Trung ương cho biết, hiện sốt rét kháng thuốc Artemisinin (một loại thuốc điều trị tuyến đầu cho bệnh sốt rét) đã được phát hiện ở Tiểu vùng sông Mekong. Đây là vấn đề đáng báo động, trở thành thách thức lớn cho những cố gắng phòng chống và loại trừ sốt rét ở Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung, đe dọa tới sức khỏe và sự thịnh vượng của các nền kinh tế.

{keywords}
Một bệnh nhân sốt rét được điều trị tại BV Nhiệt đới TP.HCM. Ảhh: Dân trí

Theo WHO, nếu không có hành động khẩn cấp thì việc sử dụng Artemisinin để điều trị sốt rét ở tuyến đầu có thể trở nên vô tác dụng trong những năm tới, dẫn tới gia tăng thêm 25% tỉ lệ tử vong vì sốt rét trên toàn cầu. Song song với đó là sự thiệt hại năng nề về năng suất lao động, sản lượng kinh tế toàn cầu có thể mất đi hơn 4 tỷ đô la Mỹ mỗi năm.

Tại Việt Nam, so với năm 2000, số ca mắc sốt rét năm 2014 đã giảm hơn 90,4% và số người chết do sốt rét giảm đến hơn 95,9%. Trong năm qua, cả nước chỉ ghi nhận 6 trường hợp tử vong do sốt rét và không ghi nhận trận dịch nào.

Với những thành tựu đạt được, GS Richard Feahem - đồng chủ tịch của APMEN đánh giá, Việt Nam là quốc gia đi đầu trong công cuộc loại trừ sốt rét ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Ông tin tưởng, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2025, sớm hơn 5 năm so với mục tiêu của khu vực.

Mạng lưới loại trừ bệnh sốt rét khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APMEN) gồm 17 quốc gia thành viên nhằm hợp tác, cam kết chính trị khu vực, hướng tới mục tiêu loại trừ hoàn toàn bệnh sốt rét trong khu vực vào năm 2030.

T.Hạnh