1kg trà có giá hàng chục tỷ   

Núi Vũ Di Sơn với phong cảnh hùng vĩ từ nhiều thế kỷ nay, vốn nổi tiếng với những loại trà quý, đặc biệt Đại Hồng Bào. Những cơn mưa chảy xuống vách núi đá vôi làm ngập các dòng suối hẹp và sinh ra các thác nước mang theo nguồn dinh dưỡng, khoáng chất phong phú cho những cây trà. 

Đại Hồng Bào sống trong điều kiện rất ngặt nghèo, trên vách núi có rất ít nắng, chủ yếu đón tia phản xạ. Từ trên đỉnh núi có nước suối chảy ra quanh năm và nhiệt độ ngày đêm chênh lệch khá lớn. Chính những điều kiện tự nhiên đặc thù này đã tạo nên hương vị độc nhất vô nhị, không loại trà nào sánh bằng.

{keywords}
Một khóm trà Đại Hồng Bào cổ còn sót lại.

Xiao Hui, một phụ nữ trồng trà sống ở vùng Vũ Di Sơn (núi Vũ Di), tỉnh Phúc Kiến, cho biết: “Trông nó như trà cho kẻ ăn mày nhưng giá thì lại dành cho các vị hoàng đế”. Còn Xiangning Wu, một chuyên gia về trà, cho biết: “Đại Hồng Bào quá đắt vì hiện nay chỉ còn lại vài cây trà cổ. Vì vậy mà loại trà này vô cùng quý, nếu không muốn nói là vô giá”. Nó đặc biệt đến mức những chuyên gia môi giới phải kết nối những người giàu có mê trà để làm trung gian giữa người bán và người mua.

Hiện 100g trà Đại Hồng Bào có giá lên tới 140.000 USD, gấp hàng chục lần một lượng vàng. Một ấm trà có giá tới hơn 10.000 USD (hơn 210 triệu VNĐ). Hồi năm 1998, trong lễ hội trà Đại Hồng Bào đầu tiên ở Trung Quốc, có người đã đấu giá 156.800 NDT chỉ để mua 20g loại trà này.

Năm 2002 một người giàu đã chi 180.000 NDT (khoảng 28 ngàn USD) chỉ để mua 20g trà Đại Hồng Bào. Năm 2005, mức giá cho 20g trà đã lên tới 208.000 NDT, tương đương 10,4 triệu NDT/kg (37,4 tỷ đồng). Số tiền này thừa sức mua được một căn biệt thự tại một số thành phố ở Trung Quốc.

Tại Câu lạc bộ Hoàng gia Trung Quốc (Royal China Club), một trong những nhà hàng Trung Quốc nổi tiếng nằm trên phố Baker, London, nước Anh, đã giới thiệu đến khách mức giá tương đương 6,5 triệu VNĐ cho một ấm trà Đại Hồng Bào đủ rót ra bốn chén trà nhỏ.

Cho đến nay có rất nhiều truyền thuyết về loại trà này. Một câu chuyện điển hình, tương truyền thái hậu triều nhà Minh được một thái y chữa khỏi bệnh bằng một loại trà quý hiếm trên núi Vũ Di Sơn. Để thưởng công, hoàng đế nhà Minh bèn ban tặng mỗi cây trà quý một chiếc áo bào đỏ để bọc bên ngoài trong những ngày giá lạnh, biểu thị lòng cảm tạ, và áo bào đã nhuộm đỏ cây trà. 

Quy trình công phu

Ngay nay những cây Đại Hồng Bào nguyên thủy mọc trên đất của ngôi chùa Thiên Tân Vĩnh Lạc. Chùa được xây dựng từ năm 827. Đến năm 1958, các nhà sư bị buộc rời khỏi đây đã mang theo cả công thức chế biến trà. Khi trụ trì Zhe từ thành phố Tô Châu đến nơi này vào năm 1990, phần còn lại của ngôi chùa năm xưa đã biến thành nhà của những nông dân.

Vị trụ trì hồi tưởng: “Lúc đó chỉ có mỗi mình tôi. Giờ tôi có nhiều đệ tử và chúng tôi đã lại bắt đầu chế biến trà từ 5 - 6 năm trước”. Tuy nhiên, trụ trì Zhe đã bàn giao việc quản lý trà lại cho chính quyền Phúc Kiến, để việc sản xuất trà luôn được kiểm soát chặt chẽ.

Đi men theo những vườn rau nhà chùa, dọc theo những con đường núi quanh co sẽ dẫn đến nơi có những cây Đại Hồng Bào nguyên thủy sinh sống. Trà Đại Hồng Bào rất khó tìm mua, chỉ có những nhà môi giới chuyên nghiệp mới có thể mua từ người sản xuất rồi bán cho giới nhà giàu. Mỗi cây trà cổ trên núi Võ Di Sơn được canh giữ cả ngày lẫn đêm.

Đến nay, Đại Hồng Bào chỉ còn lại 6 cây. Mỗi năm, từ sáu cây trà này, người ta chỉ thu được chừng 1kg búp. Chính quyền Phúc Kiến hạn chế khai thác búp Đại Hồng Bào cổ. Lần cuối cùng người ta hái lá từ những cây trà cổ quý giá này là vào năm 2005.

Do vậy những người mê trà dù có chấp nhận đổi cả gia sản cũng khó có cơ hội thưởng thức. Mặc dù người mê trà ít có cơ hội thưởng thức Đại Hồng Bảo cổ, nhưng rất may người ta đã nhân giống được loại trà này, trồng quanh khu vực núi Vũ Di Sơn.  

{keywords}
Hình ảnh núi Vũ Di Sơn

Cành lá Đại Hồng Bào rậm dày, cành hơi hướng lên, phiến lá rộng, có hình bầu dục, đầu lá nhọn chúc xuống, hai mép lá xoắn vào, màu của lá xanh đậm và bóng. Nếu là chồi non mới nhú thì sẽ có sắc đỏ. Hàng năm cứ vào dịp đầu xuân khi cây trà đâm chồi, từ xa nhìn thấy cả cây khoác lên một màu đỏ, tựa chiếc áo bào.

Hàng năm cứ vào ngày 13 - 15/5, người địa phương lên núi hái trà, đồng thời tổ chức nghi lễ đặc biệt. Các cô gái xinh đẹp trong trang phục truyền thống thực hiện nghi lễ hái trà như thời xưa, cầu nguyện thần linh ban phép lành cho cây trà mọc chồi mới. Một số bài báo ở Trung Quốc cho rằng người ta dùng sữa dê lau lá trà khi cây ra lá. Sau khi thu hoạch, lá trà được phơi khô để có thể giữ hương vị tới 80 năm.

Lá trà Đại Hồng Bào được cho là có khả năng hãm được tới 60 lần. Có nghĩa loại trà bình thường chỉ có thể hãm được năm chén trà với 50 gram trà, riêng trà Đại Hồng Bào sẽ cho ra 3.000 ly.

Trà đắt còn vì được chế biến một cách cực kỳ công phu, tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc làm trà truyền thống. Lá trà không bao giờ được phép chạm đất, chúng được hái bằng tay, làm khô, sàng lọc, phân loại và sấy bằng các phương pháp đặc biệt.  

Có ý kiến cho rằng một trong những lý do khiến Đại Hồng Bào đắt đỏ là do công dụng chữa bệnh tuyệt vời. Trong trà có chứa polyphenol, polysaccharide, theanine và những thành phần khác có tác dụng chống ung thư, tăng cường trí nhớ, hạ huyết áp, lợi tiểu, ngăn ngừa sâu răng.

Trong trà cũng có một lượng caffeine có thể kích thích hệ thần kinh trung tâm, cải thiện tư duy, loại bỏ mệt mỏi, nâng cao hiệu quả công việc. Thậm chí uống Đại Hồng Đào sẽ giúp điều trị các bệnh về tim như giảm co thắt tim, ngăn ngừa tim vành mạch, nhồi màu cơ tim, thư giãn cơ bắp, điều trị phế quản hen suyễn, ho và đờm… Tuy nhiên sự thật ra sao ít ai biết, vì có mấy người một lần trong đời được thưởng thức loại trà này.

(Theo Pháp luật Việt Nam)