Đà Nẵng là đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Trước đây, nguồn thu từ đất đai và các dịch vụ có liên quan luôn chiếm một tỷ trọng lớn. Tuy nhiên, việc phát triển này đã bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu sót, trong đó nhiều dự án giao đất, cho thuê đất sai phạm.
Do vướng pháp lý, hàng loạt dự án nằm trên các khu “đất vàng” đang trong cảnh bỏ hoang, không thể đưa vào khai thác, gây lãng phí nguồn lực đất đai. Đà Nẵng đang tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án của tòa án.
"Siêu dự án" hoang phế ở Đà Nẵng
Nằm trên đại lộ Nguyễn Tất Thành giáp giữa quận Hải Châu và Thanh Khê, dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước, quy mô 181ha (nay là dự án The Sunrise Bay) và khu nhà phố biệt thự bờ biển Thanh Bình 29ha (nay là khu đô thị mới quốc tế Đa Phước) được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt năm 2005, tổng vốn đầu tư hơn 300 triệu USD.
Hai dự án này độc lập nhưng vẫn nằm trong quy hoạch chung và chi tiết của khu phức hợp đô thị và sân golf Đa Phước.
"Siêu dự án" lấn biển này còn được gọi bằng một cái tên khác là "Vầng trăng khuyết", được khởi công từ năm 2008. Quá trình chuyển nhượng, mua bán dự án này đã khiến nhiều cựu lãnh đạo Đà Nẵng vướng vòng lao lý. Năm 2017 dự án phải tạm dừng do liên quan đến các sai phạm của vụ án Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm.
Ghi nhận của PV, phần lớn diện tích tại dự án cỏ mọc um tùm. Một góc thuộc dự án phía dưới chân cầu Thuận Phước được tận dụng tạm thời thành nơi tập kết, phân loại rác thải. Tại dự án đã hình thành các dãy nhà liền kề, có người dân sinh sống. Một số hạng mục công trình xây dựng phần thô dang dở thì bỏ hoang, hiện trạng xuống cấp.
Theo ông Võ Nguyên Chương, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, theo kết luận của cơ quan cấp trên, trách nhiệm của Đà Nẵng có 5 nội dung thuộc thẩm quyền xử lý, trong đó có việc thu hồi dự án 181ha khu đô thị quốc tế Đa Phước trên đường biển Nguyễn Tất Thành.
Trong khi đó, dự án Golden Hills City tại phường Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) và xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) do Công ty Cổ phần Trung Nam (Trungnam Land - thuộc Trung Nam Group) làm chủ đầu tư có diện tích hơn 381ha, được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào tháng 3/2010, tổng vốn hơn 4.400 tỷ đồng.
Hiện trong dự án khu đô thị này có một khu phố rộng lớn với những khối nhà được xây dựng xong phần thô rồi bỏ hoang. Khắp nơi trong dự án cỏ bao trùm vì bỏ hoang lâu ngày, không người dọn dẹp.
Mới đây UBND TP Đà Nẵng đã có thông tin về kiến nghị của Công ty cổ phần Trung Nam đối với dự án khu đô thị sinh thái Golden Hills City.
Trong đó, Trungnam Land kiến nghị điều chỉnh, cập nhật thông tin nhà đầu tư, tên dự án và mục tiêu gồm: bổ sung nội dung xây dựng nhà để bán hoặc cho thuê, cho thuê mua. Chủ đầu tư cũng kiến nghị tăng vốn đầu tư từ 4.447 tỷ đồng lên 7.648 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án điều chỉnh từ 2010-2016 thành 2023-2029.
Về kiến nghị của Trungnam Land, UBND TP Đà Nẵng cho rằng, trước đây đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án nhưng chưa lập thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ cho phép theo quy định. Vì vậy, việc điều chỉnh dự án hiện thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, UBND TP không có cơ sở thực hiện theo kiến nghị của công ty. Vướng mắc của dự án đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến. Phía địa phương đang tìm cách tháo gỡ.
Tập trung gỡ vướng, giải phóng nguồn lực đất đai
Ngoài hai dự án trên, hàng loạt dự án nằm ở vị trí đắc địa từng được giới thiệu là khu du lịch, nghỉ dưỡng, thương mại đẳng cấp, nhưng sau khi "ôm đất vàng" ở Đà Nẵng thì án binh bất động. Phía sau hàng rào là bãi đất trống, cây cối mọc um tùm, nhếch nhác.
Đơn cử như dự án DAP Việt Nam của Công ty TNHH DAP; dự án DAP 1, 2 Việt Nam lần lượt của Công ty TNHH DAP 1 và 2; khu du lịch Hòn Ngọc Á Châu của Công ty Cổ phần Hòn Ngọc Á Châu và khu du lịch biển I.V.C của Công ty TNHH I.V.C... chậm triển khai vừa được Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Đà Nẵng điểm danh.
Nổi bật có thể kể đến cụm 3 “đại dự án” nằm sát nhau là Đà Nẵng Center, Diamond Square, Golden Square chiếm lĩnh những vị trí đắc địa tại quận Hải Châu nhưng treo hơn 15 năm qua, gây lãng phí nguồn lực đất đai vô cùng lớn.
Theo Sở KH-ĐT Đà Nẵng, TP đã tập trung hoàn thiện thể chế chính sách, quy trình, thủ tục; đẩy nhanh sớm hoàn thành các đồ án quy hoạch phân khu và các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật để làm cơ sở giải quyết các hồ sơ liên quan đến dự án...
Trong đó, đối với các dự án chậm tiến độ, chưa triển khai thực hiện do vướng mắc về đất đai, UBND TP đã chỉ đạo Sở TN&MT nghiên cứu, tham mưu UBND TP tháo gỡ khó khăn, sớm xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung cho nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng tiếp tục làm việc với các bộ, ngành Trung ương để có hướng tháo gỡ các dự án đang vướng mắc...
Đối với dự án đang triển khai chậm tiến độ hoặc chưa triển khai xây dựng do nguyên nhân từ chủ đầu tư, UBND TP đã giao Sở TN&MT thực hiện kiểm tra tiến độ sử dụng đất, Sở KH-ĐT kiểm tra việc chậm tiến độ dự án, qua đó nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để báo cáo UBND TP các giải pháp tháo gỡ. Xử lý nghiêm các trường hợp chủ đầu tư không triển khai dự án theo quy định.
Ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch TP Đà Nẵng, cho biết TP đang nỗ lực tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, bản án để có thể khơi thông nguồn lực từ trong dân, doanh nghiệp nhằm phát triển thành phố.
"Nếu không tháo gỡ được thì thành phố sẽ rất khó khăn, vì dư địa chỉ còn từng đó", ông Cường nói.