Sáng 18/2, Bệnh viện Da liễu TP. HCM cho biết, vừa tiếp nhận một trường hợp biến chứng do tiêm chất làm đầy (hay còn gọi filler) vào tai.

Đây là bệnh nhân nam, 24 tuổi sống tại TP Thủ Đức, đến khám trong tình trạng dái tai bầm tím, đau nhức.

Bệnh nhân cho biết, vì muốn có dái tai dài, dày, to như tai Phật nên anh nhờ bạn mua filler với giá 1.000.000 đồng về nhà tiêm. Người bạn này là nhân viên spa.

{keywords}
Vùng dái tai bị hoạt tử một phần sau tiêm filler. Ảnh: BVCC

Một ngày sau, dái tai bắt đầu đau nhức, căng cứng. Anh báo cho bạn biết và được tiêm thuốc giải, uống kháng sinh, kháng viêm. Tình trạng không thuyên giảm nên anh đến Bệnh viện Da liễu khám.  

Bác sĩ CK2 Phạm Thị Thanh Giang, Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM nhận định, bệnh nhân bị tắc mạch và loét hoại tử một phần dái tai.

Nguyên nhân có thể do kỹ thuật sai đã tiêm vào mạch máu, hoặc do chất lượng filler không đảm bảo.  

Theo bác sĩ Thanh Giang, vùng tai là vùng có nhiều mao mạch nhỏ, dễ bị chảy máu, bầm tím. Nếu tiêm quá nhiều filler hoặc tiêm nhầm vào mạch máu,  vùng dái tai sẽ căng tức, tắc mạch, nguy cơ hoại tử. Bệnh nhân sau đó được điều trị bằng kháng sinh, kháng viêm và đã hồi phục.

{keywords}
Một trường hợp phải phẫu thuật tạo hình lại dái tai, vành tai sau tai biến tiêm filler. Ảnh: BVCC

Trước đó, bệnh viện cũng tiếp nhận một ca tai biến tương tự. Người bệnh tiêm filler từ 4 năm trước để tạo hình giống tai Phật do yêu cầu công việc.  Các bác sĩ đã phẫu thuật lấy ra các mô hạt viêm, dịch tiết… ở vùng tiêm filler trước đây. Sau đó tái tạo lại dái tai, vành tai cho bệnh nhân như ban đầu.

Bệnh viện Da liễu TP.HCM cũng cho biết, ngay đầu năm mới, có rất đông người đến bệnh viện tiêm filler chỉnh sửa đường nét khuôn mặt theo phong thủy, tướng số.

Khách hàng thường mong muốn chỉnh sửa theo phong thủy như tiêm dái tai Phật; tạo hình sống mũi cao, thẳng; làm đầy hõm thái dương; tạo hình bờ môi căng mọng

“Tiêm chất làm đầy tạo gương mặt như ý muốn là phương pháp làm đẹp được nhiều khách hàng lựa chọn.

Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi người tiêm phải là bác sĩ, được đào tạo, huấn luyện bài bản, nắm vững cấu trúc giải phẫu vùng tiêm, đặc biệt là hệ thống mạch máu.

Nếu thực hiện sai kỹ thuật có thể gây ra các tai biến nghiêm trọng”, bác sĩ Thanh Giang chia sẻ.

Linh Giao

Nâng mũi 4 năm vẫn bị nhiễm trùng … thủng mũi

Nâng mũi 4 năm vẫn bị nhiễm trùng … thủng mũi

Khi mũi xuất hiện nốt mụn sưng đỏ, cô gái không nghĩ có thể diễn tiến nặng đến mức thủng đầu mũi.