Sinh thời giáo sư Trần Quốc Vượng kể, trong cuộc nói chuyện tại một trường đại học, khi ông nêu những vấn đề của đất nước xem có ai có ý kiến gì, tất cả yên lặng.
Chờ để thời gian lắng xuống ông hỏi tiếp: Giờ ai thích xem bói giơ tay, tôi biết xem bói! Dứt lời, cả rừng cánh tay đưa lên.
Đến đây giáo sư im lặng. Lát sau ông nói như tâm sự: Tại sao câu chuyện liên quan đến vận mệnh đất nước, các em thờ ơ, còn chuyện bói toán riêng tư thì các em quan tâm đến vậy.
Câu chuyện tôi nghe lâu rồi, lúc ấy cũng nghĩ một chiều, chê trách các sinh viên đã bàng quan với sinh mệnh đất nước. Nhưng giờ nghĩ lại thấy vấn đề là có cơ chế gì để khích lệ họ trình bày quan điểm, và trình bày có được tôn trọng, hay lại bị chụp cái mũ quan điểm, lập trường thì gỡ không ra.Vậy thì cứ giữ im lặng cho nó lành!
Lần khác tôi nghe chuyện ở trường báo chí, có sinh viên phát biểu không chính thức tại giờ giải lao ở hành lang: “Theo tôi, Mỹ có dám xâm lược miền Nam không nếu chính quyền Sài Gòn không mời Mỹ can thiệp?”.
Cái suy nghĩ bất ngờ đó, thay vì cùng nhau mổ xẻ đúng sai để cùng hiểu và đi đến thống nhất quan điểm thì một giảng viên nghe thấy, tương ngay: “Em mà nghĩ thế thì dù có giỏi giang đến đâu cũng sẽ là người đầu tiên bị đánh trượt trong đợt thi ra trường này”. Tất nhiên sau câu ấy, cả đám sinh viên mắt la mày lét!
Thói quen áp đặt, không nghe ý kiến trái chiều, không cho phản biện trong học tập là sự kìm hãm trí tuệ vô cùng nguy hiểm. Nó tác hại lâu dài cho tâm lý làm việc, không khuyến khích những suy nghĩ đa chiều, khuyến khích sự sáng tạo. Khi không có cơ chế bảo vệ cho người đưa ý kiến riêng thì đó là cái khóa hữu hiệu nhất để mọi người khỏi lên tiếng. Cho nên Hồ Chủ tịch mới có định nghĩa dân chủ khá thuyết phục “Dân chủ là làm sao cho dân được mở miệng”.
Câu chuyện của giáo sư Vượng tưởng lùi vào dĩ vãng nhưng hóa ra vẫn nguyên đấy. Ví như, những fan cuồng họ vì cái tôi, cái sở thích của riêng mình chúi mặt hôn ghế sao Hàn say sưa, hoặc ôm mặt khóc nức nở lúc đón lúc đưa các sao này, rồi những cô lên phây đối thoại láo lếu với mẹ đẻ vì không cho 5 triệu đồng mua vé. Có em còn tỏ ý sẵn sàng đổi trinh tiết lấy cặp vé xem sao Hàn diễn. Đến thế thì hết kể!
Những thanh niên đó ngoài chuyện mê mẩn sao sia, thần tượng và ăn chơi, họ gần như chẳng biết chuyện gì của đất nước. Chuyện này do đâu? So với đám sinh viên thích xem bói thời giáo sư Vượng thì bệnh này nặng hơn nhiều. Nhưng giờ tôi nghĩ đó không chỉ là lỗi riêng họ…
Theo Đỗ Đức (Tiền Phong)