HTML clipboard

- “Nhưng lỗi của Toyota này thực sự cũng không có gì là lớn cả, lỗi trong quá trình lắp ráp thì họ phải thu hồi. Các nước, các công ty đều có lỗi nào đó trong quá trình lắp ráp, thậm chí có một số lỗi trong quá trình chế tạo thì họ phải thu hồi, thay thế cho khách hàng, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng” - ông Trịnh Ngọc Giao, Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN cho biết.

 

Liên quan đến vụ việc gần 9.000 xe do Công ty ô tô Toyota Việt Nam (TMV) xuất xưởng bị 3 lỗi trong quá trình sản xuất, lắp ráp. Và giờ đây TMV đang chuẩn bị thu hồi để khắc phục, sửa chữa miễn phí cho người tiêu dùng. Sáng 15/4, ông Trịnh Ngọc Giao, Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN (Bộ GTVT) đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vụ việc này.

- Theo phản ánh, hiện nay dây chuyền sản xuất của Toyota không theo kịp, không thể cập nhật được những thiết kế mới của nhà sản xuất. Vậy qua vụ việc này Cục Đăng kiểm có dự định tiến hành thanh tra toàn bộ dây chuyển sản xuất của Toyota không?

Ông Trịnh Ngọc Giao
Sau khi phát hiện lỗi của Toyota, hai ngày vừa rồi chúng tôi đã cử kiểm soát viên bậc cao và lãnh đạo cũng có sang cùng với Toyota để tìm hiểu sự việc. Còn trong hai ngày vừa rồi anh em đã phối hợp với Toyota kiểm tra trên thiết kế, và dây chuyển để tìm hiểu tại sao sản xuất bị lỗi để có thể tìm ra nguyên nhân. Đầu tuần tới sẽ có kết quả.

- Ông có biết là Toyota Việt Nam có những thiết bị, dây chuyền lắp ráp từ những năm 50 không?

Cái đó là thiết bị gì, sử dụng tới đâu là quyền của họ. Cơ quan nhà nước, nhất là cơ quan đăng kiểm chỉ kiểm tra phần sản xuất cuối cùng, khi họ kết thúc quy trình sản xuất, đưa ra bán hàng loạt, chúng tôi sẽ kiểm tra cái xe đó theo mẫu đã đăng ký, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn thì sẽ được xuất bán.

Còn công ty sản xuất bằng trang thiết bị nào, láp ráp ra sao, đầu tư thế nào là của nhà sản xuất.

- Có ý kiến cho rằng, với điều kiện hiện nay, Cục đăng kiểm không thể kiểm tra hết được dây chuyển sản xuất của Toyota là có lạc hậu hay không và có đáp ứng được tiêu chí của bản vẽ kỹ thuật hay không?

Cục Đăng kiểm không có trách nhiệm và không được phép kiểm tra việc đó. Cơ quan đăng kiểm chi thực hiện kiểm tra khi xe có lỗi, phối hợp với nhà sản xuất để tìm nguyên nhân lỗi, lỗi đấy có ảnh hưởng đến tiêu chuẩn kỹ thuật của xe không. Việc hiện đại thế nào là của nhà sản xuất.

- Trong trường hợp của Toyota, tại sao Cục Đăng kiểm không ra quyết định triệu hồi xe, mà để cho nhà sản xuất tự thực hiện thu hồi?

Đây là thông điệp quốc tế, cơ quan đăng kiểm yêu cầu và làm việc để nhà sản xuất có trách nhiệm thực hiện, trước tiên là như thế. Nếu Toyota không có trách nhiệm thừa nhận đấy không phải là sai và không triệu hồi để sửa chữa thì lúc đấy đăng kiểm làm bước sau là ra quyết định thu hồi.

Còn trước tiên vẫn là họ tự triệu hồi xe lỗi đó tôi cho là tốt nhất, họ nhận thấy và tự làm như vậy tốt cho cả khách hàng và cho cả nhà sản xuất.

- Vậy hiện nay theo quy định mức nào sẽ phải thu hồi?

Hiện nay, có lỗi là phải thu hồi, ví dụ như ba lỗi của Toyota nêu ra là có lỗi, là phải thu hồi, những lỗi không đảm bảo an toàn, sai kỹ thuật là phải thu hồi.

- Ngoài triệu hồi xe ra còn làm gì thêm không?

- Trước mắc là chăm sóc khách hàng theo thông lệ quốc tế là làm vậy và theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật của mình cũng chỉ mới quy định như thế.

- Ở nước ngoài họ có các chế tài để xử lý, vậy Việt Nam bao giờ có chế tài để xử lý những lỗi trong quá trình sản xuất?

Việc đó phải có quy định từ cấp cao nhất là Chính phủ phải có quy định về vấn đề đó. Chắc chắn trong thời gian tới đây sẽ phải bổ sung thêm những văn bản quy định cho chặt chẽ hơn, rõ ràng hơn.

Nhưng lỗi của Toyota này thực sự cũng không có gì là lớn cả, lỗi trong quá trình lắp ráp thì họ phải thu hồi. Các nước, các công ty đều có lỗi nào đó trong quá trình lắp ráp, thậm chí có một số lỗi trong quá trình chế tạo thì họ phải thu hồi, thay thế cho khách hàng, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

Trong quá trình sản xuất, sơ sót đều có thể xảy ra, nhưng về phía cơ quan nhà nước phải thực hiện đúng theo các văn bản quy phạm pháp luật. Ở đây, thông lệ quốc tế, cũng như quy định của ta thì mỗi một xe sản xuất, lắp ráp mới ra rồi thì cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm kiểm tra và thử nghiệm xe mẫu, sau đó tất cả công ty sản xuất có đăng ký mẫu sản xuất sẽ sản xuất đúng theo mẫu đã đăng ký mẫu xe đó.

Trong quá trình sản xuất, nếu có sai sót thì anh phải có khắc phục, bằng cách là thu hồi, triệu hồi xe.

Toyota có trung thực với khách hàng?

- Dưới tên gọi "Chiến dịch làm hài lòng khách hàng" để triệu tập xe lỗi của Toyota có đánh giá việc Toyota sử dụng những từ ngữ như thế là không trung thực với khách hàng, và không phản ánh hết mức độ nghiêm trọng của vấn đề?

Tại Việt Nam, Toyota có việc chăm sóc khách hàng để khách hàng hài lòng, chỉ là dùng từ khác đi thôi, chứ thực tế họ vẫn mời khách hàng và triệu hồi xe về để sửa những lỗi mà xảy ra trong quá sản xuất và lắp ráp những xe đó.

- Thưa ông, nếu sắp tới Toyota có thể công bố 10.000 xe đi chăng nữa nhưng nhiều khách hàng vẫn không tin thì liệu Cục Đăng kiểm có vào cuộc để xác minh rõ bao nhiêu xe để củng cố lòng tin của người tiêu dùng?

Việc đó là việc họ công bố bao nhiêu xe, tôi cho rằng cũng nên tin tưởng Toyota khi mà họ đã nhận ra vấn đề thì họ sẽ có thống kê rất rõ ràng và rất xác đáng từ dòng xe nào, số khung này đến số khung kia có bị lỗi trong quá trình lắp ráp, nó bị lỗi chi tiết nào, lỗi xảy ra khi người lắp ráp thực hiện động tác nào… thì họ có thể xác định rõ. Nên hoàn toàn có thể yên tâm.

- Nếu không bị tố cáo, liệu bao giờ Toyota mới thực hiện việc công bố lỗi kỹ thuật của hãng?

Tất nhiên là việc anh Tạch tố cáo rồi, nhưng mới đây hãng thông báo là Camry cũng bị lỗi một trong sáu bulông đòn treo dưới phía trước, cái đó anh Tạch không phát hiện ra, nhưng họ vẫn thông báo. Trong quá trình sản xuất, các công ty phải thấy lỗi để thông báo cho khách hàng, cái chính là đảm bảo an toàn kỹ thuật cho phương tiện khi người sử dụng tham gia giao thông.

- Xin cảm ơn ông!

Trả lời câu hỏi của PV: Sau những lỗi của Toyota, Cục Đăng kiểm không ra được quyết định triệu hồi vì Cục không có quy định đó. Vậy trong chiến lược phát triển an toàn giao thông, Bộ GTVT có quy định những lỗi như thế nào, bắt nhà sản xuất phải triệu hồi phương tiện không? Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng cho biết: Đúng là quản lý nhà nước có cái đi trước nhưng thường thì nó lại đi sau, để giải quyết vấn đề thực tiễn cuộc sống phát sinh. Trường hợp của Toyota là một cái phát sinh mới mà chúng ta chưa có chế tài theo. Cái này chúng tôi cũng sẽ suy nghĩ.

 

Vũ Điệp (ghi)