Cáo trạng cho rằng, bà Trần Thị Bình, với vai trò là Phó TGĐ PVN, Phó trưởng Ban Chỉ đạo triển khai các dự án nhiên liệu sinh học, dù biết Liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện gói thầu TK05 dự án Ethanol Phú Thọ, nhưng vẫn thực hiện theo chỉ đạo của ông Đinh La Thăng.
Bà Bình đã ký văn bản yêu cầu PVC phải có nghị quyết tự nguyện nhận thực hiện gói thầu EPC; đề xuất HĐQT PVN ra quyết định đồng ý chủ trương giao Liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T thực hiện gói thầu TK05 dự án Ethanol Phú theo hình thức chỉ định thầu trái quy định.
Việc này dẫn đến hậu quả dự án phải dừng thi công, gây thiệt hại hơn 543 tỷ đồng.
Tại tòa, bà Bình thừa nhận có ký một số công văn như quy kết, nhưng cho rằng, cáo trạng thể hiện việc bị cáo biết Liên danh nhà thầu không đủ năng lực, nhưng vẫn ký văn bản yêu cầu PVC phải có nghị quyết tự nguyện nhận thực hiện gói thầu EPC; đề xuất HĐQT PVN ra quyết định đồng ý chủ trương giao Liên danh nhà thầu thực hiện gói thầu theo hình thức chỉ định thầu trái quy định là không chính xác.
Các bị cáo tại tòa |
Theo lời khai của bà Bình, bị cáo không được giao quản lý PVC nên không biết cụ thể năng lực của PVC thế nào.
Thời điểm các gói thầu được triển khai, các ban chuyên môn đều tư vấn rằng PVC là tổng công ty chuyên về xây lắp các công trình của PVN, đã được phê duyệt qua sơ tuyển, có năng lực tham gia đấu thầu.
Với những thông tin có được, thời điểm đó, bà Bình nghĩ Liên danh nhà thầu đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện gói thầu TK05 dự án Ethanol Phú Thọ.
Trình bày về 2 công văn mình đã ký, bị cáo Bình khai: Tôi ký 2 công này này, về bản chất là “không chết ai”.
Làm trái đồng nghĩa xin nghỉ việc
Theo cáo buộc, bị cáo Lê Thanh Thái (cựu Trưởng Phòng Kinh doanh, PVB) và đồng phạm dù biết, theo quy định, hồ sơ yêu cầu phải đưa ra các tiêu chí đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu, nhưng quá trình lập, thẩm định hồ sơ yêu cầu theo chỉ đạo của bị cáo Vũ Thanh Hà (cựu TGĐ Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí - PVB) đã loại bỏ các tiêu chí này để cho Liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T được chỉ định thầu.
Hành vi làm trái quy định của pháp luật của ông Thái và đồng phạm dẫn đến dự án bị dừng thi công, gây thiệt hại hơn 543 tỷ đồng.
Trả lời thẩm vấn tại tòa, ông Thái khai: Thời điểm mở thầu, bị cáo nghĩ, PVC chỉ phụ trách các công trình phụ trợ (như cấp thoát nước), còn phần chính là công ty nước ngoài.
Đến năm 2013 (thời điểm dự án dừng thi công), bị cáo mới biết Liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực.
Nói về việc chỉ định thầu, theo lời khai của ông Thái, bị cáo được cựu TGĐ PVB Vũ Thanh Hà định hướng phải chỉ định thầu cho Liên danh của PVC, việc đó là “không thể thay đổi được” và phải hoàn thành sớm.
Ngoài ra, vì đã có chỉ đạo từ PVN nên bị cáo không thể đặt vấn đề liên danh không đủ năng lực, bởi như vậy là chống lại chủ trương của tập đoàn, cũng như của Ban chỉ đạo nhiên liệu sinh hoạt.
Vẫn theo lời khai của cựu Trưởng Phòng Kinh doanh, PVB: Quá trình thẩm định, nếu chúng tôi nêu yêu cầu bổ sung điều kiện, đồng nghĩa với việc tôi phải xin nghỉ việc luôn. Bởi việc chỉ định thầu cho Liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T, chúng tôi được chỉ đạo phải thẩm định là để Liên danh này đạt điều kiện chỉ định thầu.
Xét xử vụ Ethanol, bị cáo Trịnh Xuân Thanh có đề nghị bất ngờ
Sáng nay (8/3), TAND TP Hà Nội đưa vụ sai phạm xảy ra tại dự án Ethanol Phú Thọ ra xét xử sơ thẩm. Tại tòa, bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã có đề nghị bất ngờ.
T.Nhung