Việc một trường phổ thông ở Thượng Hải tổ chức một lớp học toàn nam sinh nhằm giải quyết tốt hơn “cuộc khủng hoảng nam sinh” đang làm dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi – Thời báo Bắc Kinh cho hay.

NHỮNG LỚP HỌC LẠ

Trường phổ thông số 8 Thượng Hải vừa thành lập một lớp học thử nghiệm chỉ toàn các nam sinh và bắt đầu tuyển sinh vào ngày 18/4.

Tình trạng số lượng nữ sinh áp đảo nam sinh ở nhiều trường là do các em nữ thường đạt điểm thi tốt hơn nam, và nhiều nam sinh đang bị cho là mất đi sự nam tính của mình. Theo các phương tiện truyền thông thì điều này đang trở thành một mối lo ngại của xã hội Trung Quốc.

Lớp học chỉ có nam sinh này nhằm giúp các em nhận ra đầy đủ tiềm năng của mình – hiệu trưởng Lu Qisheng cho hay. “Một số chương trình giảng dạy sẽ được thiết kế đặc biệt dành cho học sinh nam nhằm khám phá tiềm năng của các em”.

Có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. Một số người ủng hộ, số khác thì phản đối.

“Nam sinh bất lợi so với nữ sinh trong học tập. Điều đó không tốt cho tương tai của đất nước và cho sự phát triển của các em” – ông Wang Ronghua, cựu giám đốc Viện Khoa học xã hội Thượng Hải nhận định. “Cuộc khủng hoảng nam giới cho thấy có những vấn đề trong hệ thống đánh giá và giáo dục – cái đang cản trở lợi thế và sự năng động của các bé trai”.

Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh lo ngại rằng môi trường chỉ có một giới tính sẽ ảnh hưởng tới khả năng giao tiếp của các bé trai với người khác giới.

Yin Zongyu – một cựu giáo viên ở một trường học nữ sinh thì cho rằng động thái này không nên được thực hiện một cách mù quáng. “Những trường học một giới tính có ưu và nhược riêng của nó. Cuộc khủng hoảng nam sinh không thể được giải quyết đơn giản bằng cách cho các em học chung với nhau”.

“Địa vị xã hội và mức lương cho các giáo viên nên được cải thiện để tỷ lệ giáo viên nam tăng lên. Việc các giáo viên dạy cả 2 giới là tốt cho tính cách và nhân cách của các em”.

  • Nguyễn Thảo (Theo Chinadaily)