{keywords}
Hóa đơn giả mạo do các đối tượng lừa đảo tạo lập. (Ảnh: Bộ Công an)

Theo Bộ Công an, trong thời gian qua, lực lượng công an đã phát hiện thủ đoạn mới của các đối tượng phạm tội nhằm chiếm đoạt tài sản. Đối tượng nhắm đến là những người bán hàng online và các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh vừa và nhỏ.

Bộ Công an cho biết: các đối tượng lừa đảo này đóng giả là người Việt Nam tại nước ngoài mua hàng trực tuyến với số lượng hàng hóa lớn, giá trị tài sản cao từ những người kinh doanh trong nước. Đồng thời, gợi ý chuyển tiền trả trước cho người bán hàng trực tuyến (bán hàng online) thông qua dịch vụ chuyển tiền quốc tế Western Union.

Để tạo dựng niềm tin, các đối tượng giả lập một hóa đơn, chứng từ tiếp nhận tiền của dịch vụ chuyển tiền quốc tế Western Union; chụp ảnh hóa đơn, chứng từ này rồi gửi tin nhắn hình ảnh để nạn nhân tưởng phía bên mua hàng đã thực hiện lệnh chuyển tiền. 

Các đối tượng sẽ gửi tin nhắn đường link giả mạo website của dịch vụ chuyển tiền quốc tế Western Union qua điện thoại di động hoặc mạng xã hội (Facebook, Zalo…), dẫn dắt người bán tiến hành các bước đăng nhập vào đường link này nhằm rút tiền vì tin rằng các đối tượng đã trả thanh toán mua hàng. 

Khi người bán hàng nhấp vào đường link trong tin nhắn, sẽ được chuyển đến một trang web giả mạo có hiển thị giống như website chính thức của Western Union. Lúc này, người bán sẽ phải khai báo các thông tin như tên, tuổi, địa chỉ, mã số thẻ ngân hàng... trên website giả mạo để làm thủ tục rút tiền. 

Sau khi có được thông tin tài khoản, các đối tượng sẽ thực hiện giao dịch chuyển tiền từ tài khoản của bị hại vào tài khoản của các đối tượng. Tuy nhiên, để hoàn tất việc rút tiền từ tài khoản của bị hại, các đối tượng phải có mã OTP, do vậy chúng sẽ giả mạo tin nhắn của Western Union với nội dung: “Quý khách đang thực hiện giao dịch nạp tiền điện tử trên hệ thống ibanking với số tiền nhận là xxx triệu đồng. Mã OTP sẽ được xác nhận để hoàn tất giao dịch”. 

{keywords}
Đường link website giả mạo. (Ảnh: Bộ Công an)

Đồng thời, trên trang web giả mạo cũng hiện lên dòng chữ “Thủ tục nhận tiền: Quý khách vui lòng xác thực mã OTP cá nhân để nhận tiền”. 

Lúc này, do các đối tượng lừa đảo đang thực hiện thao tác rút tiền trong tài khoản của người bị hại nên ngân hàng trong nước sẽ gửi mã OTP vào điện thoại của bị hại. Khi người bán điền mã OTP này để hoàn tất thủ tục nhận tiền trên website giả mạo, đồng nghĩa với việc, giao dịch chuyển tiền, chiếm đoạt tài sản của các đối tượng phạm tội đã trót lọt. 

Bộ Công an cảnh báo: Người bán hàng online, đặc biệt là các cá nhân kinh doanh chưa từng giao dịch qua hệ thống chuyển tiền quốc tế cần thận trọng, xác minh kỹ thông tin khi thực hiện giao dịch chuyển tiền.

Người bán chỉ thực hiện giao dịch trên các website chính thức, công khai của các tổ chức tài chính, ngân hàng. Đồng thời, tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho người khác. Hạn chế việc công khai ngày sinh, số căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng trên không gian mạng.

Đối với các tài khoản công khai, dùng để giao dịch online cần hạn chế số tiền dư quá lớn, tránh để các đối tượng lợi dụng chiếm đoạt tài sản.

Duy Vũ

Nhóm hacker khét tiếng Anonymous bị mạo danh để tấn công cảnh sát Mỹ

Nhóm hacker khét tiếng Anonymous bị mạo danh để tấn công cảnh sát Mỹ

Nhóm hacker khét tiếng Anonymous nhiều khả năng đã bị một tin tặc mạo danh khi tấn công vào trang web của sở cảnh sát thành phố Minneapolis (bang Minnesota, Mỹ).