Bắt nữ doanh nhân "ôm" cả trăm tỷ bỏ trốn
Nhiều người tin tưởng nên đã cho bà Loan vay tiền hoặc dưới dạng góp vốn |
Mới đây, ngày 1/12, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã bắt tạm giam 4 tháng đối với bà Trần Thị Kim Loan (trú TP Vũng Tàu) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bà Loan là vợ nguyên Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trước đó, theo đơn tố cáo của nhiều người, bà Trần Thị Kim Loan đã vay mượn của nhiều người ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với số tiền lên đến cả trăm tỷ đồng. Trong đó, người nhiều nhất vài chục tỷ đồng, người ít nhất cũng vài tỷ đồng.
Được biết, vào thời điểm năm 2018 và 2019, bà Loan có mở công ty kinh doanh yến sào. Trong thời điểm này, bà Loan bắt đầu mượn tiền của nhiều người. Khi vay tiền, bà Loan thường nói mượn tiền để đáo hạn ngân hàng, hoặc làm giấy phép khai thác cát… rồi hứa 3 ngày sau sẽ trả, khiến nhiều người tin tưởng nên đã cho bà Loan vay tiền hoặc dưới dạng góp vốn, tất cả đều có giấy biên nhận.
Tuy nhiên, sau đó, bà Loan luôn tìm nhiều lý do để trốn tránh và bỏ đi khỏi nơi cư trú.
Nữ Giám đốc xinh đẹp "bốc hơi" cùng 300 tỷ đồng
Ngày 23/9, Công an TP Hải Phòng đã có quyết định truy nã bị can đối với Nguyễn Thị Mai (37 tuổi), Giám đốc Công ty CP đầu tư Xuất nhập khẩu Mai Lâm do có hành vi chiếm đoạt 300 tỷ đồng của 14 doanh nghiệp, cá nhân sau đó bỏ trốn khỏi địa phương.
Cơ quan điều tra xác định, từ tháng 12/2019 đến tháng 3/2020, Nguyễn Thị Mai với cương vị là Giám đốc công ty Mai Lâm đã thông qua các hợp đồng góp vốn, hợp đồng mua bán gỗ để chiếm đoạt của 14 doanh nghiệp, cá nhân, với tổng số tiền là trên 300 tỷ đồng. Ngày 31/3, Nguyễn Thị Mai đã bỏ trốn khỏi địa phương.
Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Mai "mất tích" với hàng trăm tỷ đồng |
Cụ thể, lợi dụng quan hệ làm ăn với các cá nhân, doanh nghiệp, Mai đã huy động vốn của hàng chục cá nhân, doanh nghiệp để buôn bán gỗ từ Châu Phi.
Ngay từ khi kêu gọi góp vốn đầu tư kinh doanh, Mai đã có những thủ đoạn rất tinh vi, đó là làm thân với những ai mà Mai biết là có tiền và muốn đầu tư kinh doanh. Mai tiếp cận, thân tình như người thân, quan tâm, chia sẻ mọi chuyện khiến đối tác tưởng như rất thân thiết và chân tình.
Sau đó, Mai kêu gọi từng người góp tiền để đầu tư buôn gỗ. Các tổ chức cá nhân "bí mật" góp vốn với Mai, không ai chia sẻ với ai, không ai biết rằng Mai đã kêu gọi nhiều người cùng góp vốn như mình.
Thời gian đầu, Mai kêu gọi với số tiền nhỏ, mấy trăm triệu đồng, rồi lên một tỷ, vài tỉ đồng. Khi đã lấy được niềm tin của các nhà đầu tư, Mai lập tức tăng số tiền góp vốn lên đến chục tỷ đồng và có trường hợp hơn 100 tỷ đồng.
Khi đã "ôm" được số tiền lớn lên đến hàng trăm tỷ đồng từ nhiều người, Mai bất ngờ "mất tích".
"Nữ quái" lừa đảo chiếm đoạt hơn 60 tỷ đồng dưới vỏ bọc góp vốn
Tháng 1/2019, Công an tỉnh Quảng Bình đã khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Hoàng Thị Kim Liên (SN 1991), trú tổ dân phố 8, phường Đông Phú, TP Đồng Hới về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tải sản.
Để thu hút được nhiều tiền, Liên tiếp cận làm quen với nhiều người, giới thiệu và kêu gọi đóng góp tiền cùng kinh doanh làm ăn. (Ảnh: Đặng Tài) |
Qua thông tin tố giác của nhiều người, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) phát hiện, từ tháng 5 đến tháng 10/2017, Liên đã sử dụng giấy tờ giả "Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần" và "Chứng nhận sở hữu cổ phần" để giới thiệu với nhiều người là đang hợp tác, đóng cổ phần làm ăn với Công ty xăng dầu Petrolimex tại Đà Nẵng.
Để thu hút được nhiều tiền, Liên tiếp cận làm quen với nhiều người, giới thiệu và kêu gọi đóng góp tiền cùng kinh doanh làm ăn. Liên giới thiệu cách thức góp tiền vào cổ phần và hưởng lợi nhuận phần trăm theo giá trị từng hóa đơn dầu rồi viết giấy vay mượn tiền và hẹn thời gian trả để tạo niềm tin cho người giao tiền.
Khi lấy được tiền và đến hẹn thanh toán, Liên đã không trả hoặc trả một ít tiền rồi tiếp tục kêu gọi góp thêm.
Kết quả xác minh của Công an tỉnh Quảng Bình, Liên đã lừa đảo 6 người với số tiền hơn 64 tỷ đồng.
Lừa góp vốn, nữ Giám đốc chiếm đoạt hơn 11 tỷ đồng
Tháng 11/2016, Công an TP Hà Nội đã bắt giữ An Phương Thảo - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thương mại D&P Việt Nam - theo quyết định truy nã về hành vi "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Theo đó, mặc dù Thảo không phải là chủ đầu tư nhưng đã nhận tiền góp vốn vào 2 dự án bất động sản chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, qua đó chiếm đoạt số tiền trên 11 tỷ đồng.
Cụ thể, cuối năm 2009, với tư cách là Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thương mại D&P Việt Nam có trụ sở tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), Thảo đã mời bà Phương Anh góp vốn vào 2 dự án bất động sản với lời hứa hẹn sẽ được quyền mua đất tại dự án với giá ưu đãi, hưởng quyền lợi như Công ty D&P.
Đến năm 2013, không thấy 2 dự án được triển khai như Thảo đã thông tin, bà Phương Anh đã yêu cầu trả lại tiền nhưng Thảo nhiều lần hứa hẹn và không trả. Đầu năm 2016, bà Phương Anh đã có đơn tố cáo hành vi chiếm đoạt tiền của Thảo tới cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội.
Nhận thấy Thảo đã đi khỏi nơi cư trú và có dấu hiệu lẩn trốn nên Cơ quan CSĐT đã ra quyết định truy nã và cấm xuất cảnh.
Tại cơ quan điều tra, Thảo thừa nhận đã nhận gần 20 tỷ đồng của bà Phương Anh và không có khả năng trả lại tiền cho bà này.
(Theo Dân Trí)