Liên quan đến quyết định của Bộ Giao thông Vận tải và UBND thành phố Hà Nội đề nghị cấm sản phẩm đi chung xe GrabShare gây tranh cãi trong mấy ngày qua, trả lời ICTnews, Luật sư Nguyễn Hoàn Thành (Văn phòng Luật sư Thành và Cộng sự) cho rằng, việc Bộ Giao thông Vận tải và UBND TP Hà Nội áp dụng quy định “đối với xe hợp đồng không được ký quá 1 hợp đồng trong cùng một hành trình” để ngăn cấm dịch vụ GrabShare không sai. Nhưng việc áp dụng một quy định cũ đối với một loại hình dịch vụ mới, áp dụng công nghệ mới là không phù hợp, hạn chế sự phát triển của công nghệ.

“Trên thực tế đã có rất nhiều nước cho phát triển các dịch vụ đi chung xerồi, dịch vụ này có nhiều lợi ích cho người sử dụng cũng như người có xe ô tô nhàn rỗi. Do đó nhà nước cần có hướng mở để nghiên cứu xây dựng bổ sung các quy định mới cho phù hợp với các dịch vụ áp dụng công nghệ mới thay vì ngăn cấm”, Luật sư Thành phát biểu.

Phân tích về quy định thỏa thuận giữa người đi xe khi đặt xe qua hợp đồng điện tử, Luật sư Thành cho rằng, khi người dùng chọn ứng dụng GrabShare họ đã chấp nhận đi chung xe, thậm chí ứng dụng còn cho phép người dùng chọn đi một hoặc hai người trên 1 xe, do vậy có thể nói khi họ ký hợp đồng điện tử là họ chấp nhận đi chung xe với người khác trên một chuyến xe rồi, như vậy thỏa thuận sử dụng dịch vụ giữa khách và chủ xe đã được thực hiện nên cũng không có chuyện phát sinh khiếu nại ở đây. Còn trong trường hợp khách muốn đi riêng xe thì đã có lựa chọn dịch vụ GrabCar hay GrabTaxi. Việc chọn dịch vụ nào là do người dùng quyết định nên không thể áp đặt các quy định cũ không còn phù hợp nữa.

Trong mấy ngày qua, mặc dù đã có lệnh cấm nhưng Grab vẫn cho người dùng đặt dịch vụ GrabShare như bình thường thậm chí còn liên tục tung mã khuyến mãi giảm tới 50% cho dịch vụ này ở Hà Nội. Còn Uber thì tuyên bố chưa có dự định phát triển dịch vụ đi chung xe UberPool ở Việt Nam. Cụ thể, trong thông tin trao đổi với ICTnews, ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Điều hành, Uber Việt Nam cho hay UberPOOL là một trong những dịch vụ được nhiều quốc gia trên thế giới xem là giải pháp giảm thiểu kẹt xe hiệu quả và bổ trợ tích cực cho hệ thống giao thông công cộng. Tuy nhiên, UberPOOL hiện chưa có mặt tại Việt Nam và "chúng tôi hiện chưa có kế hoạch để triển khai dịch vụ này trong thời gian tới đây".

Việc Grab và Uber phát triển ứng dụng đặt xe tại Việt Nam được coi là giải pháp tận dụng được xe ô tô nhàn rỗi vào chở khách, nhằm giảm thiểu được nạn kẹt xe và tiết kiệm chi phí cho người có nhu cầu di chuyển. Theo Báo cáo Điều chỉnh Chiến lược Phát triển giao thông vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Bộ GTVT, trong khoảng thời gian từ năm 2000 tới 2011, số lượng xe hơi và xe gắn máy tại TP.HCM đã tăng gấp 5 lần. Còn tại Hà Nội, bất kỳ ai đã từng lái xe trên nhiều tuyến đường của Hà Nội trong giờ cao điểm đều gặp tình trạng ách tắc giao thông.

Theo Uber, TP.HCM, Hà Nội và các thành phố đang phát triển khác của Việt Nam đang đứng trước xu thế đô thị hoá, dân số sống tại đô thị được dự đoán sẽ tăng mạnh.

Tuy nhiên, do giá dịch vụ Grab và Uber rẻ hơn nhiều so với taxi truyền thống, với những tiện ích khác thu hút người dùng nên hai ứng dụng này đã liên tục bị các doanh nghiệp taxi truyền thống phản ứng gay gắt trong vài năm qua. Mới đây, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội Nguyễn Anh Quân cho rằng, việc Bộ Giao thông Vận tải mới đây ra quyết định cấm Công ty TNHH GrabTaxi cung cấp dịch vụ GrabShare là quyết định rất kịp thời.

Ông Quân phân tích, theo Luật Giao thông Đường bộ năm 2008, đang có 5 loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô và theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016 thì Taxi Uber và Taxi Grab sẽ được thí điểm xếp vào loại hình xe hợp đồng.

Tuy nhiên, về bản chất cùng là xe ô tô chở khách và có lịch trình, hành trình theo yêu cầu của hành khách nên hoạt động của các xe chạy Uber và Grab không khác gì so với các xe taxi hiện nay.

Do đang được xếp vào loại hình là xe hợp đồng nên các quy định trong việc quản lý đối với xe Uber, Grab rất lỏng lẻo so với các quy định đối với xe taxi hiện nay, điều này Uber, Grab đang được hưởng lợi từ chính sách của Nhà nước và gây nên nhiều bức xúc từ các lái xe taxi truyền thống thời gian qua.

Nhưng do quy định hiện nay đối với xe hợp đồng không được ký quá 1 hợp đồng trong cùng một hành trình nên việc triển khai sản phẩm đi chung xe đối với Grab đang vi phạm pháp luật. Vấn đề này một lần nữa khẳng định bản chất là xe taxi của Grab, nên việc Bộ Giao thông Vận tải xếp vào loại hình xe hợp đồng là rất khiên cưỡng và chỉ dựa vào hình thức chứ không nhìn vào bản chất.