- Tại tòa, nhiều luật sư bào chữa cho các bị cáo cho biết, họ bị ngỡ ngàng trước mức án mà đại diện VKS đã đề nghị đối với các thân chủ của họ. Trong phần bào chữa của mình, bị thẩm phán ngắt lời luật sư Trần Hồng Phúc đã bật khóc.

Sáng nay, phiên tòa xét xử Dương Chí Dũng cùng đồng phạm tiếp tục phần tranh luận, các luật sư trình bầy phần bào chữa của mình cho các thân chủ.

Nhiều luật sư đồng quan điểm

Trong cả ngày hôm qua và sáng nay, hầu hết các luật sư đều cho rằng, không thể coi ụ nổi là tàu để áp tiêu chuẩn đối với tàu. Các luật sư đã dành thời gian để giải thích thế nào là ụ nổi, thế nào là tàu biển.

Luật sư Trần Đình Hưng, bào chữa cho bị cáo Trần Hải Sơn đồng tình với các luật sư khác cho rằng, hành vi của thân chủ không phải tham ô. 

{keywords}
Các bị cáo tại tòa.

Luật sư Nguyễn Đình Khoẻ, bào chữa cho bị cáo Trần Hữu Chiều khẳng định thân chủ của mình chỉ nghe cấp trên chỉ đạo. Ông Chiều là người cấp dưới nên đã thực hiện những chỉ đạo của cấp trên nên vai trò của bị cáo Chiều chỉ là thứ yếu.

“Chiều biết mọi việc mua bán ụ nổi, tuy nhiên không hề biết số tiền 1,666 triệu USD. Việc nhận, chia tiền đều do Trần Hải Sơn thực hiện. Số tiền 340 triệu này, Chiều không hề biết nằm trong gói 1,666 triệu USD do AP chuyển về”, luật sư Khỏe trình bầy.

Theo luật sư Khỏe, tham ô phải là chiếm đoạt đồng tiền của mình đang quản lý. Nhưng đây là lấy tiền của Cty AP- Singapore. Mặc khác, khi Chiều nhận tiền thì bị cáo này không biết đó là tiền mà Cty AP “lại quả”. Chiều không có ý thực hiện hành vi tham ô cùng các bị cáo khác thì không thể là đồng phạm.

LS Lê Minh Công, bào chữa cho bị cáo Mai Văn Khang thể hiện quan điểm: Mức án mà đại diện VKS đề nghị chưa thể hiện rõ hành vi từng bị cáo, chưa cá thể hóa, còn có việc lẫn lộn từ tội phạm này sang tội phạm khác.

Luật sư cho rằng, quá trình đi khảo sát ụ nổi, bị cáo Khang tham gia với tư cách là người phiên dịch cho đoàn, không có tư cách gì để tham gia việc báo cáo với cục đăng kiểm Việt Nam. Ở đây việc quy kết bị cáo Khang tham gia vào báo cáo là sai với thực tế, chưa chuẩn.

Luật sư đặt câu hỏi, tại sao trong biên bản thu giữ có hợp đồng Vinalines thuê cty nước ngoài giám định độc lập, nhưng CQĐT lại không đưa vào trong hồ sơ vụ án. Nếu đối chiếu giữa văn bản giám định của cục đăng kiểm VN và văn bản giám định của cty nước ngoài thì thấy bị cáo không phạm tội.

Ngoài ra, sau khi đi khảo sát về, bị cáo Dương đã bị điều chuyển đi công tác khác, không được phép làm những công việc cũ, không được hưởng lợi gì.

LS Phạm Thúy Kiều, bào chữa cho Mai Văn Khang trình bầy: Khi được giao lập báo cáo nhưng bị cáo Khang chỉ đọc bản báo cáo đã có chữ ký nháy của bị cáo Sơn, sau đó ký nháy vào bản báo cáo khảo sát, thực hiện chức năng được lãnh đạo phân công.

“Báo cáo khảo sát là báo cáo kết quả một chuyến đi công tác, không phải báo cáo khảo sát ụ, chỉ mang tính tham khảo ban đầu. Đề xuất trong báo cáo khảo sát không phải là văn bản đề nghị mua ụ.

Luật sư Phạm Văn Bốn, bào chữa cho bị cáo Lương: cũng dành thời gian để phân tích rằng ụ nổi không phải là tàu biển, điều này được qui định rõ ràng trong các văn bản pháp lý. Luật sư đề nghị tuyên bị cáo Lương không phạm tội.

Luật sư bật khóc

Có 3 luật sư bào chữa cho 3 bị cáo nguyên là công chức ngành hải quan là bị cáo Đức, Lừng, Triện gồm  luật Sư Trần Hồng Phúc, Nguyễn Chiến và Hà Thị Thúy Quỳnh.

{keywords}
Luật sư Phúc, trong quá trình bào chữa cho thân chủ đã bật khóc khi bị thẩm phán ngắt lời.

Trong phần bào chữa của mình, khi bị thẩm phán ngắt lời, nữ luật sư Trần Hồng Phúc đã bật khóc. Nữ luật sư này cho rằng: Kết quả thẩm vấn, diễn biến thực tế của phiên tòa không được ghi nhận vào quan điểm buộc tội của đại diện VKS.

“VKS luận tội, đưa ra quan điểm phạm tội với mức án lượng hình từ 5-8 năm tù, chúng tôi thực sự sủng sốt. Các bị cáo  không phạm tội, không đủ căn cứ buộc tội các bị cáo thuộc nhóm tội phạm hải quan. Nhóm bị cáo này chỉ liên quan đến quy trình nhập khẩu ụ nổi 83M”, lời bà Phúc.

Theo bà Phúc, quy trình hải quan điện tử, máy tính sẽ tự phân luồng chứ con người không phân luồng. Theo quy trình này, sau khi hoàn thành bước một, máy móc sẽ tự động chuyển sang bước hai.

Các quy trình tự động không có ai ký duyệt. Vậy không có chuyện bị cáo đã ký duyệt. Việc truy xét ông Đức là không đọc kỹ quy trình hải quan cho thấy VKS đã không hiểu đúng với bản chất của quy trình hải quan điện tử.

Luật sư Phúc khẳng định: “Tôi thấy rằng các thân chủ của tôi không có tội. Quan điểm buộc tội khiên cưỡng.”

Nhiều bị cáo khai bị ép cung, nhục hình

Trước khi chuyển sang phần đối đáp của VKS, các bị cáo được bổ sung ý kiến của mình sau khi đã nghe các luật sư của mình bào chữa.

Bị cáo Dương Chí Dũng trình bầy: “Trong các lời khai của anh Sơn nói ông Goh đặt vấn đề “lại quả”. Để chứng minh tôi có thỏa thuận với ông Goh về việc này không, tôi xin được đối chất với ông Goh. Tôi không chối tội, tôi có tội thì tôi chịu, nhưng phải đúng người đúng tội.”

Bị cáo Phúc cho rằng bản cáo trạng nói bị cáo không thành khẩn, quanh co chối tội và cố ý làm trái các quy định của nhà  nước, tham ô tài sản. Về việc quanh co chối tội, bị cáo cho rằng mình đã thành khẩn khai báo.

Tội Tham ô, bị cáo cho rằng mình là bị hại trong vụ án. “Bị cáo bị oan sai trong việc này. Nếu VKS chỉ căn cứ và một lời khai của bị cáo sơn là bị cáo đã nhận tiền thì bị cáo thấy choáng váng”, lời ông Phúc tại tòa.

Cũng cho rằng mình là nạn nhân, bị cáo Sơn vừa khóc vừa bày tỏ: "Anh Dũng và anh Phúc khai không thỏa thuận với Cty AP nhưng tại CQĐT, các anh lại xác nhận biết đến khoản tiền 1,666 triệu USD. Đây là mâu thuẫn căn bản trong lời khai của các anh. Tôi khẳng định chính vì các anh mà tôi và gia đình tôi thành nạn nhân của vụ án này".

Một số bị cáo khác khai rằng mình đã bị ép cung, nhục hình...

Phiên tòa buổi sáng nghỉ lúc 12 giờ 20. Chiều nay phiên tòa sẽ tiếp tục với phần đối đáp của VKS.

T.Nhung