Hưởng ứng “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Chiến khu 2, Chiến khu 3 cùng Thủ đô Hà Nội và cả nước vùng lên đánh giặc. Các Trung đoàn bộ đội tập trung của các chiến khu phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang địa phương chủ động tiến công địch ở thị xã Hải Dương, Trại Ca Rô (Nam Định) ngay trong đêm 19/12/1946; các trận tập kích, đánh cắt giao thông, phá tề, trừ gian,… diễn ra liên tiếp sau đó, gây cho địch nhiều tổn thất. Cùng với các hoạt động chiến đấu, việc đánh phá giao thông, tiêu thổ kháng chiến cũng được thực hiện triệt để. Trải qua hơn 03 tháng chiến đấu, mặc dù chiến sự chỉ diễn ra ở một số đô thị lớn và dọc Đường số 5, nhưng hầu hết các địa phương đều tích cực tham gia kháng chiến. Hơn 3.000 tên viễn chinh Pháp bị loại khỏi vòng chiến đấu, nhiều phương tiện chiến tranh của chúng bị phá hủy, các thành phố chúng tạm chiếm được đều trống rỗng, tuyến Đường số 5 cơ bản bị chia cắt. Hàng chục cầu đường bộ, đường sắt trên các trục giao thông được đánh sập để cản bước tiến quân của địch. Các cơ quan, nhà máy, cơ sở sản xuất được tháo dỡ, di chuyển máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu về các vùng căn cứ; hàng vạn nhân dân ở các đô thị được sơ tàn về vùng an toàn ở nông thôn; hàng chục nông trại sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp cho đồng bào tản cư được thành lập ở nhiều huyện của tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.

{keywords}
Quang cảnh đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống lực lượng vũ trang Quân khu 3 (31/10/1945 - 31/10/2020)

Những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược trên địa bàn Quân khu giai đoạn đầu toàn quốc kháng chiến để lại nhiều bài học quý về nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành kháng chiến của Đảng; về tạo và nắm thời cơ mở đầu kháng chiến đúng lúc; nêu cao ý chí, quyết tâm và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, v.v. Trong đó, bài học về chuẩn bị tiềm lực mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài đến nay vẫn còn nguyên giá trị, trở thành một trong những cơ sở quan trọng, nguồn cổ vũ tinh thần lớn lao cho lực lượng vũ trang Quân khu cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào xây dựng tiềm lực quốc phòng.

Trước hết, xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần làm cơ sở, nền tảng xây dựng, huy động các tiềm lực quốc phòng trên địa bàn Quân khu. Những ngày mở đầu toàn quốc kháng chiến, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi dậy, phát huy cao độ nhân tố chính trị - tinh thần, nhất là truyền thống yêu nước, tinh thần “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, niềm tin chiến thắng của toàn dân tộc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì mục tiêu độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Điều đó đã tạo nên nguồn sức mạnh để quân, dân các chiến khu chiến đấu kiên cường, góp phần làm phá sản bước đầu chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của địch. Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò nền tảng tiềm lực chính trị - tinh thần, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác quán triệt, giáo dục, tuyên truyền quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; truyền thống dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc cho lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương. Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp thường xuyên làm tốt chức năng tham mưu và duy trì hoạt động có nền nếp, chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng1. Qua đó, không ngừng nâng cao nhận thức đúng đắn, đề cao trách nhiệm của tổ chức đảng, chính quyền các cấp, của mỗi cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và người dân đối với nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc; về vai trò của quốc phòng, an ninh đối với phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng tiềm lực quốc phòng trong thời bình là sự kế thừa, phát huy sáng tạo nghệ thuật “lo giữ nước từ khi nước chưa nguy” của dân tộc. Công tác tuyền truyền, giáo dục chính trị có nhiều đổi mới về hình thức tổ chức, phương pháp, đa dạng về đối tượng, phong phú về nội dung đã góp phần nâng cao cảnh giác, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân, hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị để phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, lực lượng vũ trang Quân khu phát huy vai trò xung kích, nòng cốt, kịp thời có mặt ở những nơi xung yếu, gian khó, hiểm nguy giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, phòng, chống dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn; tích cực thực hiện công tác dân vận giúp dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; xây dựng hệ thống cơ sở chính trị vững mạnh, “thế trận lòng dân” vững chắc, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và thành công sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, làm cơ sở thống nhất về ý chí và hành động, sẵn sàng huy động các nguồn lực phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.

Hai là, kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng tiềm lực kinh tế - xã hội với từng bước hoàn chỉnh thế trận phòng thủ ngày càng vững chắc. Thời gian qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu phối hợp với cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố trên địa bàn thực hiện hiệu quả chủ trương kết hợp chặt chẽ kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế - xã hội, bảo đảm mỗi bước phát triển kinh tế - xã hội là bước tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh. Cơ quan quân sự địa phương thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp bổ sung, hoàn thiện các quy chế, cơ chế về xây dựng, tổ chức hoạt động của khu vực phòng thủ; trong đó, chú trọng đẩy mạnh thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị định của Chính phủ về khu vực phòng thủ; xây dựng quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp phát triển kinh tế - xã hội.

Xuất phát từ đặc điểm địa bàn Quân khu, vừa có rừng núi, đồng bằng, khu đô thị lớn và vùng ven biển, với nhiều khu công nghiệp, cơ sở kinh tế, sân bay, bến cảng,... và đi liền với đó là sự xuất hiện của nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Trước thực tế đó, Quân khu chú trọng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, nhất là cơ quan quân sự địa phương phát huy vai trò, trách nhiệm trong thẩm định, tham gia ý kiến vào các dự án phát triển kinh tế - xã hội, trên tinh thần lấy mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Từ đó, góp phần cùng các địa phương khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, bền vững2, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, tạo nguồn nhân lực, vật lực, tài lực dồi dào cho tiềm lực quốc phòng.

Đi liền với đó, Quân khu tập trung chỉ đạo thực hiện lập đề án, quy hoạch và triển khai xây dựng các hạng mục công trình phòng thủ Quân khu, như: cụm điểm tựa phòng ngự, chốt chiến đấu dân quân thường trực, chốt chiến dịch và các công trình phòng thủ trên tuyến đảo Đông Bắc, tuyến phòng thủ ven biển. Chỉ đạo các địa phương thuộc Quân khu tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước về quốc phòng; tích cực huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình chiến đấu trong khu vực phòng thủ3, trọng tâm là căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, sở chỉ huy. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tăng cường bảo đảm quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội trên các tuyến biên giới, địa bàn trọng điểm, Đề án xây dựng chuỗi đảo gần bờ thành trung tâm kinh tế khoa học công nghệ, quốc phòng, an ninh; dự án 02 khu kinh tế - quốc phòng Bình Liêu - Hải Hà - Móng Cái và Bắc Hải Sơn, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường tiềm lực quốc phòng trên các địa bàn trọng điểm. Từ đó, tạo lập thế trận phòng thủ quân khu liên hoàn, linh hoạt, có chiều sâu, ngày càng vững chắc.

Ba là, xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Trước khi bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc, các chiến khu đều có đơn vị chủ lực cấp trung đoàn; cấp huyện có từ 01 đến 02 đội du kích tập trung; cấp xã có dân quân du kích, khu phố có tự vệ, tự vệ chiến đấu. Đây chính là lực lượng ban đầu hết sức quý giá, làm nòng cốt cho toàn dân kháng chiến, thực hiện kìm chân, vây hãm, tiêu hao, tiêu diệt quân địch trong các đô thị, ngăn chặn chúng trên các trục giao thông, gây cho thực dân Pháp nhiều khó khăn và thiệt hại. Vận dụng bài học này vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Quân khu tập trung chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân vững mạnh toàn diện, lấy chất lượng chính trị làm cơ sở, phát huy hiệu quả vai trò nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân, gắn với nền an ninh nhân dân vững mạnh, thực sự trở thành niềm tin, chỗ dựa vững chắc của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương. Đặc biệt, trước yêu cầu, nhiệm vụ “xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng, tạo tiền đề vững chắc để phấn đấu từ năm 2030 xây dựng quân đội hiện đại”, lực lượng vũ trang Quân khu đã và đang đẩy mạnh thực hiện hiệu quả ba khâu đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI. Trong đó, (1). Tập trung điều chỉnh tổ chức, biên chế theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, cơ cấu hợp lý giữa khối cơ quan và đơn vị, giữa khối chiến đấu và phục vụ chiến đấu, ưu tiên đảm bảo quân số cho các đơn vị tiến thẳng lên hiện đại, đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu trên tuyến biên giới, biển, đảo. Chú trọng xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, khả năng huy động lực lượng, phương tiện nhanh, kịp thời bổ sung cho các đơn vị quân đội khi có nhu cầu; lực lượng dân quân tự vệ “vững mạnh, rộng khắp”, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ sức làm nòng cốt bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở và tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo. (2). Tích cực đột phá đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp huấn luyện sát thực tế chiến đấu, yêu cầu, nhiệm vụ, đối tượng tác chiến và địa bàn hoạt động theo Nghị quyết số 765-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương. Tăng cường diễn tập tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng; diễn tập hiệp đồng với các lực lượng trong khu vực phòng thủ, có động viên công nghiệp và huy động phương tiện kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân ở các quy mô; huấn luyện và diễn tập các lực lượng đặc nhiệm: tác chiến biển đảo, cứu hộ, cứu nạn, phòng chống và khắc phục hậu quả do tác động của an ninh phi truyền thống. (3). Thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo chuyển biến vững chắc về xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang Quân khu, góp phần xây dựng tiềm lực quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Trung tướng NGUYỄN QUANG NGỌC, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng , Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh Quân khu

_______________

1 - Chỉ tính trong 05 năm gần đây, toàn Quân khu đã có 299.430 người thuộc đối tượng 2, 3, 4; 473 chức sắc tôn giáo; 8.652 chức việc, trưởng dòng họ; 25.744 đối tượng khác và gần 2,5 triệu học sinh, sinh viên được giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh.

2 - Từ năm 2016 đến năm 2020, tăng trưởng GRDP bình quân của các tỉnh, thành phố thuộc địa bàn Quân khu là 10,21%. Có 04 tỉnh, thành phố tự cân đối thu, chi ngân sách (Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên). Có 04 tỉnh (Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên) và 83/92 huyện hoàn thành chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

3 - Theo thống kê tổng ngân sách các địa phương đầu tư xây dựng công trình quân sự trong khu vực phòng thủ 05 năm (2016 - 2020) đạt trên 697 tỉ đồng.

Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân