- Thiếu chế tài xử lý, thanh tra văn hóa không được lập biên bản xử phạt hành chính ngay tại chỗ khi phát hiện sai phạm khiến cho việc xử lý những sai phạm tại lễ hội còn nhiều hạn chế.

 

Đó là những vấn đề mà ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh thanh tra Bộ VHTT&DL nêu trong Hội nghị tổng kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2014, phương hướng, nhiệm vụ năm 2015, diễn ra tại 3 điểm cầu: Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh vào chiều 15/1.

 {keywords}
Lượng người lớn đổ về Đền Trần hàng năm

Khó xử các vi phạm trong lễ hội

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có khoảng 8.000 lễ hội, trong đó lễ hội dân gian khoảng 7.000 (chiếm 90%). Hoạt động lễ hội diễn ra sôi nổi trên khắp các địa phương trong cả nước, đa dạng về loại hình, nội dung lễ hội phong phú, hình thức hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân và du khách.

Năm 2014, các lực lượng chức năng của Bộ VHTT&DL đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại các di tích, lễ hội trong cả nước trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội. Việc tăng cường công tác kiểm tra tại các lễ hội đã góp phần giảm tình trạng cờ bạc, đốt vàng mã, thắp hương không đúng quy định, ép giá, tăng giá dịch vụ… Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng chen lấn, xô đẩy ở một số lễ hội như lễ khai ấn Đền Trần (Nam Định); việc bày bán thực phẩm, treo thịt gia súc, gia cầm sống tại lễ hội chùa Hương, đền Đức Thánh Cả, chợ Viềng, Đền Trần… chưa được giải quyết triệt để.

Theo ông Phạm Xuân Phúc, dù năm 2014 có nhiều biến chuyển trong công tác tổ chức lễ hội nhưng vẫn còn một số tồn tại mà khi đoàn thanh tra đi kiểm tra, việc xử phạt lại trở nên lúng túng. “Chúng tôi cũng thường hay nhận được câu hỏi mùa lễ hội năm nay, thanh tra xử phạt được bao nhiêu vụ? Nhưng việc xử phạt sai phạm tại các lễ hội là rất khó”, ông Phúc nói.

Ông Phúc dẫn chứng rằng, thanh tra Bộ VHTT&DL lại không có quyền xử phạt hành chính tại chỗ giống như ngành giao thông. Nếu phát hiện ra sai phạm ở lễ hội, thanh tra lại phải lập biên bản, hội họp rồi mới ra quyết định, có khi mất cả tuần trong khi lễ hội thì có nơi chỉ diễn ra vài ngày. Việc xử phạt các lễ hội gây mê tín dị đoan cũng rất khó vì ranh giới giữa lên đồng theo kiểu phán truyền mê tín (phải xử phạt) với lên đồng chỉ hát kiểu chầu văn rất mong manh. “Có khi mình đi kiểm tra thì họ chỉ lên đồng hát chầu văn nhưng mình đi khỏi họ lại làm ngược lại. Việc chèo kéo khách tại một số lễ hội vẫn diễn ra nhưng cũng khó xử lý. Một mình thanh tra Bộ thì không thể làm được hết”, ông Phúc nói.

Phối hợp ban ngành thiếu chặt chẽ

Bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở, Bộ VHTT&DL cũng cho rằng sự phối kết hợp giữa các cơ quan, ban, ngành có nơi còn thiếu chặt chẽ. Công tác tuyên truyền, giới thiệu về lễ hội, về di tích, về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội còn đơn điệu, chưa phong phú về nội dung hình thức. Công tác thanh tra, kiểm tra chưa xử lý nghiêm và triệt để, các chế tài chưa đủ sức răn đe.

Ông Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Lào Cai phát biểu mặc dù trong năm qua Bộ cũng đã có nhiều văn bản kịp thời để hướng dẫn xử lý những sai phạm trong việc tổ chức lễ hội. Tuy nhiên nên có những văn bản mang tính định hướng, dự báo trước vì năm 2015 sẽ diễn ra nhiều ngày lễ, ngày kỷ niệm của đất nước với quy mô lớn. Thời gian nghỉ Tết, nghỉ ngày lễ lớn khá dài, bởi vậy các điểm di tích và lễ hội sẽ thu hút đông người tham gia hơn.

Để giải quyết triệt để tình trạng tiêu cực xảy ra trong các lễ hội, trong năm 2015, Bộ VHTT&DL sẽ chủ trì xây dựng và tham mưu với Chính phủ ban hành Quy chế về công tác quản lý, tổ chức lễ hội để kịp thời điều chỉnh hoạt động lễ hội, đặc biệt là các loại hình lễ hội mới; tăng cường công tác khảo sát, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quản lý Nhà nước về cưới, tang, lễ hội. Rà soát, giảm tần xuất các lễ hội có quy mô lớn; thường xuyên hướng dẫn, tập huấn cho cán bộ văn hóa, thể thao và du lịch về công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

Tình Lê