Mối quan tâm về mức lương bác sĩ được nhiều lãnh đạo bệnh viện tại TP.HCM gửi gắm tại Hội nghị tiếp xúc cử tri ngành giáo dục, ngành y tế trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV ngày 17/10. Hội nghị nhằm lắng nghe ý kiến góp ý về Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi, các quy định về vị trí việc làm và tiền lương.
Kiến nghị điều chỉnh lương khởi điểm của bác sĩ
Theo bác sĩ Võ Đức Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, hiện nay, mức lương khởi điểm của đội ngũ bác sĩ đang được áp dụng bằng chức danh chuyên môn có yêu cầu trình độ đại học: mức 1, hệ số 2,34 nhân với lương cơ bản (khoảng 4,2 triệu đồng/tháng).
“Điều này có vẻ chưa phù hợp”, bác sĩ Hiếu nói. Ông phân tích bác sĩ được đào tạo ở đại học trong 6 năm, nhiều hơn so với các ngành có trình độ đại học khác. Sau khi ra trường, bác sĩ phải học thực hành 18 tháng mới đủ điều kiện hành nghề cơ bản.
Khi về công tác tại các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa, bác sĩ lại phải học chuyên ngành, học lên chuyên khoa 1... Việc đào tạo diễn ra thường xuyên, liên tục để bác sĩ cập nhật kiến thức. Kinh phí cho công tác này khá cao.
“Nếu áp dụng mức lương khởi điểm như hiện tại, bác sĩ sẽ không đảm bảo được nhu cầu cuộc sống, thiếu sự thu hút. Vì thế, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM kiến nghị xem xét điều chỉnh mức lương khởi điểm tuyển dụng lần đầu với bác sĩ cao hơn mức đang áp dụng”, bác sĩ Hiếu nói.
Cùng quan điểm, bác sĩ Phan Minh Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM, chia sẻ mức lương ở các cơ sở y tế công lập còn rất thấp, chưa đảm bảo được nhu cầu đời sống của cán bộ viên chức và gia đình, chưa thực sự tạo được động lực tăng hiệu quả làm việc. Bên cạnh đó, quy định mức lương và hệ số lương tối thiểu chưa thể hiện được giá trị thực của tiền lương.
Bác sĩ Hoàng đề xuất với Đoàn Đại biểu quốc hội TP.HCM, lương cơ bản cần phải đủ để người lao động trang trải cho cuộc sống; trả lương cho viên chức theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo; đảm bảo tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động và giữa khu vực công với tư nhân.
Ông cũng nhấn mạnh cần xác định nhân viên y tế là ngành đặc thù, yêu cầu trình độ chuyên môn cao, đòi hỏi sự tận tâm nên cần có chính sách hỗ trợ chuyên biệt nhằm bù đắp một phần nào đó để người lao động để có những thuận lợi về sức khỏe tinh thần.
Bệnh viện lo vượt quỹ Bảo hiểm y tế
Bên cạnh vấn đề tiền lương, một số ý kiến còn bày tỏ lo ngại về chuyện vượt quỹ Bảo hiểm y tế. Bác sĩ Vũ Trí Thanh, Phó giám đốc phụ trách Bệnh viện Thành phố Thủ Đức (TP.HCM), cho biết khi các bệnh viện tự chủ nghĩa là phải có người bệnh, có nguồn thu để có chi. Ông giải thích điều này không phải có ý mong nhiều người bị bệnh mà khi có nhiều bệnh nhân đến nghĩa là chất lượng điều trị của bệnh viện tốt.
Tuy nhiên, khi người bệnh đến nhiều hơn, các bệnh viện lại thêm lo lắng về nguy cơ vượt quỹ Bảo hiểm y tế. Phần quỹ này có nguy cơ không được chi trả trong khi người bệnh đã được khám xong, bệnh viện đã chi tiền thuốc và vật tư.
Thực tế này có thể khiến bệnh viện không có nguồn để chi lương thưởng cho người lao động, chi mua sắm hay đầu tư phát triển thêm…
Bác sĩ Thanh dẫn lại thông tin trong hội nghị sơ kết 9 tháng của ngành y tế vừa qua, năm 2023 ước tính TP.HCM đã vượt quỹ Bảo hiểm y tế 1.500 tỷ. Cơ quan Bảo hiểm xã hội dự báo chỉ có thể xin tối đa 800 tỷ đồng để bổ sung kinh phí, như vậy sẽ mất cân đối khoảng 700 tỷ đồng. “Điều này khiến các bệnh viện rất lo lắng”, bác sĩ Thanh nói.
Liên quan đến Bảo hiểm y tế ở tuyến cơ sở, bác sĩ Quách Kim Ưng, Phó giám đốc Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh, cho biết trên địa bàn có rất nhiều bệnh viện bộ ngành, bệnh viện tuyến trung ương và tuyến thành phố, bệnh viện tư nhân tuyến thành phố…. Nếu người dân đăng ký Bảo hiểm y tế ở các bệnh viện này thì khi đi khám ở trạm y tế lại không được hưởng Bảo hiểm y tế.
Khi đó, họ sẽ phải lên bệnh viện tuyến trung ương, tuyến thành phố (nơi đăng ký Bảo hiểm y tế) để khám các bệnh thông thường như hô hấp, tiêu hóa, bệnh mạn tính ổn định. Việc này gây vất vả cho người dân và quá tải cho bệnh viện tuyến trên.
Do đó, bác sĩ Ưng đề nghị Bảo hiểm xã hội, Bộ Y tế bổ sung thông tuyến tỉnh và tuyến thành phố cho các trung tâm y tế, trạm y tế tại TP.HCM. Ngoài ra, đề nghị xem xét mở rộng danh mục thuốc Bảo hiểm y tế ở trạm y tế để thu hút người bệnh, quản lý bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng.