- Trao đổi bên lề hội nghị giới thiệu Bộ luật Lao động và luật Công đoàn sáng nay (24/9), Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho hay lương tối thiểu hiện chỉ đáp ứng được hơn 60% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
"Việc xây dựng mức lương tối thiểu căn cứ vào 3 yếu tố cốt lõi: nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động, nghĩa là quan hệ cung cầu lao động. Tuy nhiên, lương tối thiểu hiện nay đang ở rất xa nhu cầu sống tối thiểu", Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội QH nói.
Năm 2015 đã đến rất gần, cần có một giải pháp đột phá cho vấn đề lương tối thiểu với quan điểm rõ ràng "đầu tư cho tiền lương là đầu tư cho con người, qua đó đầu tư cho phát triển", ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.
Ông Bùi Sỹ Lợi: Đầu tư cho tiền lương là đầu tư cho con người. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Đối với khu vực công, cần sớm phân định rạch ròi giữa các đơn vị quản lý nhà nước và các đơn vị sự nghiệp. Các đơn vị sự nghiệp, hiện vẫn đang là gánh nặng quá lớn cho ngân sách trong việc trả lương, phải nhanh chóng triển khai cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo luật Viên chức.
Bên cạnh đó, cần rành mạch giữa tiền lương cho khu vực quản lý nhà nước với lương cho lực lượng vũ trang, người có công, hưu trí...
Riêng đối với khu vực công chức, điều quan trọng nhất là giảm nhẹ biên chế, tổ chức, sắp xếp lại bộ máy sao cho tinh gọn, theo đúng vị trí việc làm. Theo ông Lợi, đây là yếu tố quyết định việc cải thiện lương công chức.
Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, nếu khu vực này đang quá khó khăn về tài chính, ngân sách nhà nước phải đóng góp một phẩn cải thiện để đảm bảo năng suất lao động, giảm bớt tiêu cực, tham nhũng.
"Lấy từ ngân sách để nâng tiền lương tối thiểu cho công chức cũng như đầu tư cho các chương trình kinh tế - xã hội khác", Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội QH nhận định.
Đối với khu vực sản xuất kinh doanh, tiền lương phải theo cơ chế thị trường và do thỏa thuận giữa người lao động và sử dụng lao động. Muốn nâng lương cho người lao động trong khu vực này không có cách nào khác là thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
"Tiền lương là một yếu tố cấu thành giá thành sản phẩm, nếu đưa tiền lương vào khiến giá thành bị đội lên, sản phẩm không bán được thì việc đưa lương vào là vô nghĩa. Như vậy phải cố gắng tăng năng suất lao động bằng cách cải tiến kỹ thuật, nâng cao máy móc thiết bị, tổ chức sản xuất..., có vậy chi phí tiền lương khi đưa vào mới không gây biến động cho giá thành sản phẩm", ông Lợi nói.
Nhà nước có thể thúc đẩy việc này bằng các biện pháp cụ thể trong đề án tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế, để các doanh nghiệp sử dụng lao động một cách hợp lý, nâng cao chất lượng, tay nghề kỹ thuật cho người lao động.
Chung Hoàng