Theo thông tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa, HĐND tỉnh vừa ban hành nghị quyết tán thành chủ trương sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa; thành lập các phường và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của TP Thanh Hóa.
HĐND tỉnh Thanh Hóa đã giao cho UBND tỉnh hoàn chỉnh hồ sơ đề án, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Theo tờ trình của UBND tỉnh Thanh Hóa, nhập toàn bộ 82,87km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 101.272 người của huyện Đông Sơn và TP Thanh Hóa. Sau sáp nhập, TP Thanh Hóa rộng 228,22km2, quy mô dân số 615.106 người.
Sau khi sáp nhập sẽ giữ nguyên tên gọi là TP Thanh Hóa. Lý do là danh xưng Thanh Hóa đã có từ năm 1029, tên gọi của lỵ, sở trước đây hay thành phố ngày nay luôn gắn liền với danh xưng của tỉnh với tên gọi Thanh Hóa nội trấn (trấn Thanh Hóa).
Năm 1889, khi thành lập thị xã đã lấy tên gọi là Thanh Hóa; năm 1994, khi thành lập thành phố, cũng lấy tên gọi Thanh Hóa.
Như vậy, tên Thanh Hóa đã có lịch sử gần 1.000 năm. Đây là một trong những vùng đất mang đậm bản sắc của nền văn hóa Việt Nam ngàn năm văn hiến, vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng.
Ngoài ra, TP Thanh Hóa trước khi sáp nhập có quy mô dân số hơn 500.000 người, có rất nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn, nên giữ tên gọi TP Thanh Hóa sẽ làm giảm tác động, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân.
Bên cạnh đó, tên gọi hiện nay phù hợp với định danh đô thị tỉnh lỵ Thanh Hóa trong nhiều văn bản quan trọng của Trung ương và của tỉnh.
Sau khi sáp nhập, TP Thanh Hóa sẽ có 47 đơn vị hành chính (gồm 33 phường và 14 xã). Cùng giai đoạn sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa, sẽ tiến hành thành lập 4 phường, gồm: Rừng Thông, Đông Thịnh, Hoằng Quang và Hoằng Đại; tiến hành sáp nhập phường Tân Sơn với phường Phú Sơn, lấy tên là phường Phú Sơn.